Tiếng kẻng “ngân vang” từ tâm hồn chàng trai xương thủy tinh
(Sóng trẻ) - Vượt lên những khó khăn của căn bệnh xương thủy tinh, anh Thân Ngọc Mạnh đã trở thành “linh hồn” của đội tự quản “Tiếng kẻng an ninh thôn Đức Liễn”, góp phần gìn giữ bình yên cho xóm làng.
Gieo mầm từ nghịch cảnh cuộc đời
Đêm về khuya, màn đêm buông xuống tĩnh mịch, thôn Đức Liễn, xã Hồng Thái, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang bỗng nhiên bừng tỉnh bởi tiếng kẻng vang lên đều đặn. Âm thanh ấy, không đơn thuần chỉ là báo hiệu giờ giấc, mà còn là nhịp đập của sự an toàn, là bản hòa ca bình yên được gìn giữ bởi một “nhạc trưởng” đặc biệt - Thân Ngọc Mạnh (33 tuổi), chàng trai mắc bệnh xương thủy tinh. Trên chiếc xe lăn quen thuộc, anh cùng đồng đội miệt mài tuần tra, hình ảnh ấy đã trở nên thân thương, gần gũi với mỗi người dân nơi đây.
Sinh ra với cơ thể bình thường như bao người khác thế nhưng, bất hạnh ập tới khi anh Mạnh chỉ mới 3 tháng tuổi, tay chân dễ bị gãy. Anh được chẩn đoán mắc căn bệnh xương thủy tinh. “Căn bệnh khiến xương của tôi rất giòn, chỉ cần va chạm nhẹ hay bế sai tư thế cũng đủ khiến mình đau đớn”, anh Mạnh chia sẻ, giọng trầm buồn. Tuổi thơ của anh là chuỗi ngày dài đằng đẵng gắn liền với giường bệnh, thuốc men và những cơn đau hành hạ.
Nỗi đau như nhân lên gấp bội khi em trai anh cũng chịu chung số phận nghiệt ngã. Bố ra đi vì căn bệnh ung thư khi Mạnh còn rất nhỏ, để lại mẹ anh một mình với gánh nặng mưu sinh và nhiệm vụ chăm sóc hai anh em. Gió sương cuộc đời hằn sâu trên khuôn mặt người mẹ, ánh lên nỗi xót xa, thương con vô hạn.
Giữa những bất hạnh, khó khăn bủa vây, chưa bao giờ anh Mạnh cho phép bản thân gục ngã trước số phận. “Mỗi người sinh ra đều có một vai trò, một sứ mệnh riêng. Tôi không thể đi lại bình thường, nhưng tôi vẫn có thể làm những việc nhỏ bé, có ích cho cộng đồng,” anh Mạnh chia sẻ với ánh mắt đầy kiên định. Anh luôn tự nhủ "người nhỏ làm việc nhỏ", và không ngừng nỗ lực để sống một cuộc đời có ý nghĩa.
Từ khi còn trẻ, anh Mạnh đã tích cực tham gia các phong trào do Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức. “Tham gia các hoạt động cộng đồng giúp tôi có thêm nghị lực, niềm tin vào cuộc sống. Tôi được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi từ nhiều người, có thêm nhiều bạn bè và trau dồi thêm nhiều kiến thức bổ ích,” anh Mạnh bộc bạch. Anh xem đó là cơ hội để hòa nhập cộng đồng, khẳng định giá trị bản thân và đóng góp cho xã hội. Hiện anh đang là Chủ nhiệm Câu lạc bộ thanh niên khuyết tật huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Năm 2022, khi dịch COVID-19 bùng phát, anh Mạnh đứng ra kêu gọi ủng hộ từ bạn bè, người thân giúp đỡ bà con trong thôn vượt qua khó khăn. Hành động đẹp ấy đã thắp sáng lên trái tim giàu tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng của chàng trai “xương thủy tinh”.
Tiếng kẻng vang, làng quê yên giấc
Sau đợt dịch Covid 19, tình hình an ninh trật tự ở địa phương có nhiều diễn biến phức tạp. Nạn trộm cắp tài sản, gia súc diễn ra thường xuyên khiến người dân hoang mang, lo lắng. Trước thực trạng đó, anh Mạnh đã bàn bạc với các anh em trong thôn thành lập đội tự quản “Tiếng kẻng An ninh thôn Đức Liễn”.
“Lúc đầu, mô hình chỉ là một nhóm nhỏ tự phát. Sau đó, nhận thấy hiệu quả thiết thực, tôi đã mạnh dạn đề xuất lên chính quyền địa phương và được lãnh đạo Công an phường, chính quyền xã ủng hộ, ra quyết định thành lập”, anh Mạnh cho hay.
Đội tự quản “Tiếng kẻng An ninh thôn Đức Liễn” có 15 thành viên, chia thành 3 ca, trực từ 21 giờ đến 3 giờ sáng hôm sau. Từ nguồn kinh phí tự nguyện đóng góp và vận động thêm từ các mạnh thường quân, đội đã trang bị còi, đèn pin, áo phản quang, gậy tự vệ… phục vụ công tác tuần tra. Ngoài ra, đội còn in ấn tờ rơi, phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc” trong nhân dân.
Đặc biệt, anh Mạnh đã vận dụng công nghệ vào hoạt động của đội. Đội lắp đặt hệ thống loa còi báo động tại các điểm trọng yếu trong thôn, kết nối với điện thoại của các thành viên. Khi phát hiện đối tượng khả nghi, chỉ cần một thao tác bấm nút trên điện thoại, còi báo động sẽ hú vang, đồng thời thông báo đến tất cả các thành viên trong đội để kịp thời ứng phó. “Hệ thống này rất hiệu quả trong việc ngăn chặn các vụ trộm cắp. Khi còi báo động vang lên, kẻ gian sẽ bị bất ngờ, hoang mang và khó có thể tẩu thoát,” anh Mạnh tự hào nói. Đội cũng lập các nhóm zalo của khu dân cư để người dân có thể kịp thời thông báo, cung cấp thông tin khi phát hiện các đối tượng khả nghi hoặc các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự.
Tuy nhiên hoạt động của đội tự quản không tránh khỏi những khó khăn, thử thách. “Khó khăn lớn nhất là kinh phí hoạt động eo hẹp, trang thiết bị còn thiếu thốn, lại chưa có kinh phí hỗ trợ cho anh em,” anh Mạnh tâm sự. “Hơn nữa, các thành viên trong đội đều có công việc riêng, việc tham gia tuần tra ban đêm cũng ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe và thời gian của mọi người”. Thậm chí, có những lúc, vì tình hình an ninh trật tự ổn định, không có vụ việc nào xảy ra, nhiều người cho rằng đội tự quản không còn cần thiết nữa, khiến anh em trong đội cũng có phần chán nản.
Vượt lên tất cả, bằng tinh thần tự nguyện, trách nhiệm, anh Mạnh và các thành viên trong đội vẫn kiên trì bám trụ, duy trì hoạt động. Và những nỗ lực của họ đã được đền đáp xứng đáng. Từ khi đội tự quản đi vào hoạt động, tình hình an ninh trật tự ở thôn Đức Liễn đã được cải thiện rõ rệt. Các vụ trộm cắp giảm hẳn, người dân yên tâm hơn trong cuộc sống. Mô hình “Tiếng kẻng An ninh” của anh Mạnh đã được Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang tặng Bằng khen, UBND huyện Việt Yên tặng Giấy khen và được Cục V05 (Bộ Công an) đến thăm, khảo sát và nghiên cứu nhân rộng trên phạm vi cả nước.
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với anh Mạnh và các thành viên trong đội, tiếng kẻng bình yên kia sẽ còn ngân vang mãi trên khắp đường làng, ngõ xóm, góp phần giữ vững bình yên cho quê hương. Câu chuyện về nghị lực phi thường, tinh thần lạc quan, trách nhiệm với cộng đồng của anh Mạnh là tấm gương sáng để thế hệ trẻ học tập và noi theo.
Nhìn về tương lai, anh Mạnh ấp ủ nhiều dự định để nâng cao hiệu quả hoạt động của đội tự quản. “Tôi mong muốn có thêm kinh phí để trang bị thêm các thiết bị hiện đại, như camera giám sát, phần mềm quản lý an ninh... để công tác tuần tra, canh gác được chuyên nghiệp, hiệu quả hơn,” anh Mạnh chia sẻ. Anh cũng mong muốn được tham gia các lớp tập huấn về nghiệp vụ an ninh để nâng cao kiến thức, kỹ năng cho bản thân và các thành viên trong đội.
“Mục tiêu lớn nhất của tôi là xây dựng thôn Đức Liễn thành “làng bình yên, nơi người dân được sống trong môi trường an toàn, hạnh phúc. Tôi tin rằng, với sự đồng lòng, ủng hộ của chính quyền và người dân, ước mơ đó rồi sẽ thành hiện thực,” anh Mạnh khẳng định, ánh mắt ánh lên niềm tin và hy vọng.