Tranh bằng gạo của chàng trai khuyết tật
(Sóng trẻ) - Nhắc đến chàng trai khuyết tật Cao Văn Tuân, sinh năm 1987, ở xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, người dân nơi đây ai nấy đều nể phục nghị lực vươn lên trong cuộc sống của anh. Mặc dù đôi chân không được lành lặn nhưng với ý chí quyết tâm và lòng đam mê nghệ thuật, chàng trai Cao Văn Tuân đã làm thay đổi cuộc đời mình từ những bức tranh làm bằng gạo. Không dừng lại ở đó, anh còn trở thành người nhen nhóm ngọn lửa nghề cho những người cùng cảnh ngộ.
Từ ý tưởng đến bức tranh gạo đầu tiên
Tìm tới địa chỉ cửa hàng tranh gạo của chàng trai khuyết tật Cao Văn Tuân ở thị trấn Quảng Xương, trái với tưởng tượng của chúng tôi, cửa hàng của Tuân chỉ vỏn vẹn 15m2, nằm ngay sát Quốc lộ 1A. Sau một hồi gợi chuyện, chàng trai có dáng người nhỏ bé nhưng nụ cười luôn thường trực đã vui vẻ kể cho chúng tôi nghe câu chuyện cuộc đời mình. Sự cố xảy ra lúc Tuân được 3 tuổi, trong một lần vui đùa và bị ngã từ trên cao xuống. Cú ngã làm một bên chân của Cao Văn Tuân bị liệt dây thần kinh và không thể cử động được. Sau thời gian dài điều trị, Tuân đã có thể tự đi lại nhưng bằng những bước đi khập khiễng.
Không chịu đầu hàng số phận, chàng trai Cao Văn Tuân đã coi việc học là con đường duy nhất để thay đổi cuộc đời mình. Tuân nói: “Tôi phải cố gắng rất nhiều mới theo kịp các bạn cùng trang lứa”. Bằng sự nỗ lực trong suốt những năm học đó, Tuân đều đạt kết quả cao và thành công nhất là thi đỗ đại học. Năm 2009, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học Huế, Tuân hy vọng tìm được một công việc ổn định, phù hợp với chuyên ngành được học. Tuy nhiên, mong muốn của Tuân không thực hiện được, bởi nhiều lý do.
Cao Văn Tuân đang hoàn thiện bức tranh của mình
Rồi ý tưởng đã lóe lên trong đầu anh, với nguyên liệu có sẵn trong nhà, Tuân bắt tay vào làm những đồ vật tái chế, mô hình, hay vẽ ra những bức tranh. Những đồ vật hay tranh Tuân vẽ đều được mọi người hết lòng khen ngợi. Ban đầu, những sản phẩm Tuân làm ra chỉ để tặng bạn bè, người thân, sau được mọi người khuyến khích, ủng hộ. Anh suy nghĩ tại sao mình không tự tạo việc làm từ những sản phẩm đó. Anh bắt đầu tìm hiểu trên internet và quyết định sáng tác những bức tranh độc đáo. “Nhưng nếu chỉ vẽ thông thường thì không thể tạo ra sự khác biệt. Lúc đó, dòng tranh cát đang được ưa chuộng trên thị trường và tôi nghĩ tại sao mình không thử làm tranh bằng một chất liệu khác. Thế rồi, tôi bắt đầu thử nghiệm với nhiều chất liệu khác nhau. Đầu tiên, tôi sử dụng hạt đỗ. Nhưng khi bắt tay vào làm thì tôi nhận thấy hạt đỗ không tạo ra được nhiều màu sắc cho bức tranh. Lúc này, tôi chợt nghĩ đến hạt gạo, vì có màu trắng nên khi rang lên, gạo sẽ có nhiều màu sắc làm cho bức tranh sinh động hơn”, Tuân chia sẻ.
Cuối cùng, Tuân chọn hạt gạo làm chất liệu chính cho dòng tranh của mình. Để tranh gạo được tự nhiên, Tuân chọn tạo màu bằng cách rang thủ công thay vì sử dụng màu nhuộm. Vì không được đào tạo cơ bản, nên Tuân gặp nhiều khó khăn. Những ngày đầu, hạt gạo rang lên thường hay bị phồng và chưa tạo được màu sắc đa dạng. Theo Tuân, khó khăn nhất trong quá trình rang là phải điều chỉnh nhiệt độ hết sức khéo léo để hạt gạo vừa không bị nở phồng lại có màu sắc đậm, nhạt khác nhau. Qua nhiều lần thử nghiệm, Cao Văn Tuân đã tạo được 14 màu gạo rang. Từ những hạt gạo nhiều màu sắc, Tuân tiến hành gắn lên tranh đã phác thảo.
Tuân trải lòng: “Đam mê là thế, nhưng cũng có lúc tôi định bỏ cuộc. Bởi tranh gạo là loại tranh mới, chưa được biết đến. Nhiều người thấy loại tranh lạ cũng đến tìm hiểu, nhưng rồi lại không mua. Họ sợ sau một thời gian, gạo sẽ bị mốc ảnh hưởng đến chất lượng của tranh. Ấy thế rồi trời chẳng phụ công người, rốt cuộc tôi cũng có khách hàng tin tưởng tìm đến và mua tranh của mình”. Trong câu chuyện của mình, anh có kể đến một vị khách đặc biệt mà anh không hề biết tên. Đó là vào năm 2012, tranh gạo của anh được giới thiệu trên VTV4, kênh truyền hình dành cho người Việt Nam ở nước nài. Thông qua chương trình, một Việt kiều tại Cộng hòa Liên bang Đức đặt mua 3 bức tranh gạo của anh và được đề nghị gửi qua Đức. Ba năm sau, khi vị khách này về Việt Nam lại tiếp tục đặt thêm 2 bức tranh do Tuân vẽ. Đây không chỉ là động lực mà còn là sự tin tưởng của khách hàng dành cho anh, giúp Tuân có thêm niềm tin để tiếp tục sản xuất ra nhiều bức tranh đặc sắc hơn.
Lớp học đặc biệt
Sáu năm gắn bó với tranh gạo, tuy không dài nhưng cũng đủ để Cao Văn Tuân tích lũy cho mình vốn kiến thức về loại hình nghệ thuật này. Từ những thành công của bản thân, Tuân luôn mong muốn giúp đỡ cho những người cùng hoàn cảnh. Bằng nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi huyện Quảng Xương, tháng 8-2016, lớp học dạy làm tranh gạo miễn phí cho người khuyết tật và thanh niên có hoàn cảnh khó khăn ra đời. Gọi là lớp học, nhưng thực ra chỉ là kê thêm vài giá vẽ tranh tại cửa hàng của anh. Do chưa được nhiều người biết đến nên lúc đầu, lớp học của Tuân chỉ có 6 thành viên là những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Quảng Xương.
Không bảng, không phấn, lớp học của Tuân chỉ có sự tâm huyết của người “thầy giáo khuyết tật” và lòng đam mê của học viên. Thông qua lớp học miễn phí của chàng trai khuyết tật, một số học viên đã có thể tự nuôi sống bản thân bằng vẽ tranh gạo. Từ ngày tham gia lớp học của Cao Văn Tuân, chị Trịnh Thị Oanh (sinh năm 1985) ở xã Quảng Lộc, huyện Quảng Xương từ một người bị trầm cảm đã hòa nhập với cộng đồng. Trò chuyện với chúng tôi, chị Oanh tâm sự: “Nhờ có lớp học của Tuân mà tôi yêu đời hơn. Tuân không chỉ truyền cho tôi cái nghề để nuôi sống bản thân mà còn truyền cho tôi nghị lực. Thời gian tới, tôi hy vọng có thể giúp Tuân tham gia dạy vẽ tranh cho những người có hoàn cảnh như tôi”.
Không chỉ mở lớp dạy nghề miễn phí cho những người khó khăn ở địa phương, Cao Văn Tuân còn tham gia giảng dạy cho người khuyết tật và thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Trong năm 2016, Cao Văn Tuân tham gia giảng dạy hai khóa học tại đây. Với sự tạo điều kiện từ Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hóa, đến nay tranh gạo của Tuân và các học viên được giới thiệu tới khách du lịch trong và nài tỉnh tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh, thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Tâm sự với chúng tôi, Tuân thổ lộ, thời gian tới, sẽ phấu đấu mở rộng cửa hàng, đa dạng hình thức, mẫu mã tranh và tìm thêm đầu ra cho sản phẩm để tạo cơ hội việc làm hơn nữa cho những người khuyết tật và thanh niên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Từ bỏ nhiều cơ hội với tấm bằng đại học để mở ra con đường lập nghiệp cho riêng mình và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, Cao Văn Tuân được nhiều người biết đến là tấm gương vượt khó vươn lên. Từ những đóng góp và nghị lực của mình, anh được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của địa phương và Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam. Đó là vinh dự và cũng là động lực để “thầy giáo khuyết tật” Cao Văn Tuân tiếp tục truyền nghề và theo đuổi đam mê.
Nguyễn Văn Linh
(Lớp Báo in 37b, BQP)
Cùng chuyên mục
Bình luận