Treo người chết trong nhà: Hủ tục không dễ xóa bỏ
(Sóng trẻ) - Tây Bắc là nơi cư trú của đồng bào nhiều dân tộc thiểu số với những nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Tây Bắc cũng là nơi vẫn còn những hủ tục chưa xóa bỏ được. Treo người chết trong nhà dài ngày của đồng bào dân tộc Mông ở Hà Giang là một hủ tục như thế.
Những khúc gỗ trên mộ của một Cụ bà người Mông mới mất,
được dùng làm cáng để treo thi thể trong nhà
Vượt hàng trăm cây số, chúng tôi lang thang trên những “cổng trời” của mảnh đất Hà Giang để tìm hiểu về cuộc sống, văn hóa của đồng bào dân tộc Mông, cũng là lúc chúng tôi biết về hủ tục treo người chết trong nhà dài ngày. Theo các cụ cao niên ở bản thì đây là phong tục tang ma có từ xa xưa của người Mông.
Cụ bà Vàng Thị Máy, dân tộc Mông, sinh sống tại Thôn Sủa Cán Tỷ, xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang kể: Sau khi có người chết, anh em, họ hàng gặp mặt phân công mỗi người một việc. Người thì gọi đội thổi kèn, người thì đi lấy trống. Đàn bà lo quần áo, khăn cho người chết. Quần áo của người chết được làm bằng vải lanh và phải may bằng tay, chỉ để khâu cũng phải là sợi lanh.
Thi thể của người chết sẽ được bó lại bằng 3 dây vải lanh, dùng cáng tre hoặc cây gỗ treo lên chính giữa nhà phía dưới bàn thờ, cách mặt đất khoảng 1m. Thời gian treo có thể là 2 ngày, một tuần hoặc lâu hơn, miễn là phải chờ ngày đẹp mới mang đi chôn. Quan tài được để sẵn trong mộ, người nhà sẽ khiêng xác treo trong nhà đến mộ và đặt vào quan tài.
Ở một số nơi, đồng bào dân tộc Mông còn bón cơm, bón rượu cho người chết. Gia đình ăn bao nhiêu bữa thì người chết cũng như vậy. Trong toàn bộ thời gian thi thể treo trong nhà chờ đem đi chôn, các hoạt động khác như ăn uống, phúng viếng vẫn diễn ra bình thường.
Theo phản ánh của Chị Lý Thị Huệ, sinh sống tại thôn Mỏ Nhà Thấp, xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang: “Cách đây 2 tháng, gần nhà tôi có người họ Lù chết, phải treo trong 1 tuần mới chọn được ngày đẹp để chôn. Tử thi bốc mùi hôi thối nồng nặc cả một đoạn đường mỗi khi đi qua”.
Được biết, đồng bào dân tộc Mông vẫn hiểu treo người chết trong nhà là hủ tục, không phù hợp với nếp sống văn hóa mới nhưng chưa thể chấm dứt hoàn toàn, bởi có nhiều lý do khác nhau.
Người Mông vốn có tín ngưỡng sâu sắc. Họ quan niệm: Nếu bỏ người chết vào quan tài ngay và đem đi chôn cất sớm linh hồn của người chết sẽ không được “siêu thoát”. Nếu ai làm trái với quy tắc bao đời nay sẽ bị tổ tiên trách phạt, có thể dẫn đến trùng tang hay những người thân trong gia đình đau ốm, chết sớm.
Đặc biệt, người Mông luôn phục tùng quy ước của thôn, bản hay của dòng họ. Một số nơi, tục treo người chết trong nhà dài ngày là để thể hiện sự “báo hiếu” đối với người đã mất và mong muốn đợi người thân ở xa về đông đủ cùng tham dự đám tang, lúc đó người chết mới được đem đi chôn cất.
Tục treo xác người chết trong nhà dài ngày chỉ diễn ra ở cộng đồng người Mông. Tuy nhiên không phải dòng họ nào của người Mông cũng làm như vậy. Tại những nơi kinh tế xã hội phát triển như trung tâm của huyện, xã thì phong tục đã có những thay đổi không còn nguyên vẹn như thời gian trước.
Chị Vàng Thị Mỷ, dân tộc Mông sinh sống tại Trung tâm của huyện Mèo Vạc cho biết: “Họ nhà tôi cũng để người chết trong nhà dài ngày nhưng lại cho xác vào quan tài để chờ ngày đẹp, chứ không treo như các họ khác”.
Trong những năm qua, các địa phương của tỉnh Hà Giang đều coi vận động người Mông bỏ hủ tục là nhiệm vụ quan trọng, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa mới. Tuy nhiên, hủ tục này chưa thể vĩnh viễn bị loại bỏ khỏi cộng đồng.
Trao đổi với Chúng tôi, Ông Vàng Chứ Lềnh trưởng thôn Sủa Cán Tỷ, xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang cho biết: “Treo xác người chết trong nhà dài ngày của đồng bào dân tộc Mông là một hủ tục lạc hậu, gây mất vệ sinh môi trường, nguy cơ tiềm ẩn lây lan các bệnh truyền nhiễm cho nhiều người. Mặc dù luôn được chính quyền địa phương tuyên truyền vận động trong suốt thời gian qua nhưng hủ tục đã tồn tại lâu đời và ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào nên vẫn chưa thể chấm dứt”.
Chúng tôi rời Hà Giang với những khúc cua tay áo mờ ảo trong sương sớm. Xa xa nơi triền núi đá tai mèo lởm chởm, những cành hoa giấy trang trí trên mộ của ai đó bay phất phơ trong gió. Những chia sẻ của Ông Nguyễn Văn Chinh, Chủ tịch UBND xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ, lại ùa về với bao trăn trở: “Hủ tục của đồng bào dân tộc Mông không thể thay đổi được trong “một sớm, một chiều”. Chính quyền địa phương luôn đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động đồng bào loại bỏ hủ tục khỏi cộng đồng. Tuy nhiên, Chúng tôi nhận thấy: chỉ có phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào thì các hủ tục lạc hậu mới được xóa bỏ hoàn toàn”.