Bình luận: Uy tín nhà giáo
(Sóng trẻ) - Trên chuyến xe về quê, ông anh đồng hương của tôi kể: “Hồi mới quen vợ, mình biết bố vợ làm nghề giáo, một chú là giáo viên đại học tổng hợp, một chú là giáo viên đại học mỏ địa chất, một cô cũng là giáo viên ở Nam Định, tự dưng thấy hợp gia cảnh.
Nhà vợ thì bảo, thằng này ở tận Nghệ An, có bố làm nghề giáo, mặc dù chưa gặp bao giờ nhưng thấy yên tâm.
Vì ở xa, công việc lại bận nên mình cũng chẳng bố trí được cho các cụ hai nhà gặp nhau, thăm nhà nhau trước khi ăn hỏi, cưới xin. Bên nại chỉ duy nhất vợ mình biết nhà mình. Vậy mà có hề hấn gì, chúng tôi đến với nhau trong niềm hân hoan của hai bên nội nại”.
Gần đây, trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội không hiếm hình ảnh các thầy, cô giáo trước khi luân chuyển vị trí theo quy định, chuẩn bị nghỉ hưu được đồng nghiệp, học sinh chia sẻ những lời chúc với tình cảm vô cùng xúc động. Hình ảnh các thầy cô giáo đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm, khó có thể quên trong tâm trí của đồng nghiệp và biết bao thế hệ học trò. Mới thấm rằng, nghề giáo luôn luôn đẹp, trân trọng, đáng kính.
Từ xưa đến nay, người làm nghề giáo thường được nhân dân kính trọng, tôn quý, vị nể. Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Thế nhưng con sâu làm rầu nồi canh, khi chưa hết bàng hoàng bởi sự việc một học sinh ở Quảng Bình phải chịu 230 cái tát từ các bạn theo lời phạt của cô giáo vì nói chuyện trong lớp. Đau quá ! Học sinh kêu ca, cô giáo bồi thêm một cái nữa = 231 cái tát. Thì gần đây cũng tại Quảng Bình (Trường Tiểu học cơ sở số 1 Hồng Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ) do làm nhầm đề, bé trai 6 tuổi bị cô giáo xách tai, tát khiến chấn động sọ não, phải nhập viện điều trị. Những sự việc tương tự như trên đã làm xấu đi hình ảnh những người thầy tận tụy, chăm lo cho sự nghiệp trồng người.
Nghề giáo là một nghề đặc biệt, bởi, đối tượng lao động của người thầy chính là nhân cách, tâm hồn và thể chất con người; công cụ lao động của nghề dạy học, chủ yếu là bằng bản thân, là toàn bộ nhân cách của người thầy; phương pháp lao động của người thầy là phương pháp nêu gương, cảm hoá đối tượng bằng tư tưởng, tình cảm của mình… để tạo ra những “sản phẩm” đặc biệt - là những con người có ý thức, biết vận dụng tri thức, kỹ năng và bắt nhịp với thời đại, biết độc lập, tự chủ và sáng tạo.
Lịch sử dân tộc ta đã lưu danh những bậc thầy “đức cao vọng trọng” - tấm gương sáng ngời về cốt cách thanh cao, không bị cám dỗ bởi tiền tài và danh vọng. Tên tuổi những nhà giáo nổi tiếng ấy tuy không được ghi danh trong bảng vàng bia đá nhưng đã làm rạng danh nền giáo dục nước nhà, khắc sâu trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam và được lưu truyền mãi mãi.
Phan Xuân Định
(Lớp Báo in 37b – BQP)
Cùng chuyên mục
Bình luận