Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành: Mái ấm của những người lính Cụ Hồ 

(Sóng trẻ) - Trải qua 60 năm phát triển, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh) đã trở thành đơn vị chăm sóc và điều trị cho nhiều thương, bệnh binh nặng nhất cả nước. Không chỉ là một trung tâm y tế, đây còn là mái nhà đầy yêu thương, nơi các thương bệnh binh vui sống trong niềm tin “tàn nhưng  không phế”. 

Nơi xoa dịu nỗi đau chiến tranh 

Thành lập từ ngày 3-4-1965, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành, trực thuộc Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là nơi tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, điều trị và phục hồi chức năng cho hơn 1.000 thương binh nặng từ các chiến trường chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên giới trên cả nước trở về.  

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Trung tâm, hiện đơn vị đang chăm sóc và điều trị cho 91 thương, bệnh binh nặng hạng 1/4, với tỷ lệ thương tật từ 81% đến 100%. Phần lớn trong số họ bị liệt nửa người, phải sử dụng xe lăn hoặc xe lắc để di chuyển, thậm chí có người đã nằm bất động suốt nhiều năm.

screenshot-2025-01-02-133801.png
Bác sĩ Nguyễn Văn Hương, Giám đốc trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành, người đã có hơn 20 năm gắn bó với công việc thăm khám, chữa bệnh, chăm lo đời sống cho các thương, bệnh binh (Ảnh: Hà Giang).

 

Với diện tích 2,5ha, trung tâm được chia thành 3 khu: Khu tập thể thương - bệnh binh, khu bệnh xá; khu tập thể gia đình; khu văn phòng trung tâm. Những năm trở lại đây, trung tâm đã được sửa chữa, tân trang lại. Các khu nhà cấp 4 trước đây, nơi có bốn thương binh cùng sống trong một phòng, nay đã được xây dựng thành khu nhà ở khang trang, mỗi người có một phòng riêng biệt, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, tạo không gian sống thoải mái. 

Đội ngũ cán bộ tại trung tâm hiện có 41 người, đảm nhận nhiều nhiệm vụ như chăm sóc y tế, điều trị vết thương, phục hồi chức năng và hỗ trợ sinh hoạt hàng ngày cho thương, bệnh binh. Các bác sĩ, y tá thường xuyên theo dõi, điều trị, tổ chức các buổi vật lý trị liệu giúp giảm đau và cải thiện thể trạng, đặc biệt trong những ngày thời tiết thay đổi thất thường. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ tại trung tâm còn chú trọng nâng cao đời sống tinh thần của thương, bệnh binh, thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, mang đến bầu không khí ấm áp, tươi vui. 

Bác sĩ Ngô  Huy Phô, Trưởng phòng Y tế Phục hồi Chức năng, chia sẻ: “Phần lớn các bác đều mang thương tật nặng và đã cao tuổi nên công tác thăm khám, điều trị gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi luôn nỗ lực nhẫn nại, tận tâm chăm sóc các bác, bởi hơn ai hết, chúng tôi thấu hiểu và đồng cảm với những mất mát, nỗi đau mà các bác đã phải trải qua”. 

Với đội ngũ cán bộ tại trung tâm, đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là niềm  vinh dự lớn lao khi được chăm sóc những người đã cống hiến cả cuộc đời cho  đất nước. 

“May mắn được trở về” 

Trở về từ chiến trường, có nhiều thương binh vừa mang thương tích chiến tranh, vừa chịu hậu quả của chất độc da cam, đồng thời mắc các bệnh lý mãn tính như tiểu đường, huyết áp  cao, suy thận, viêm gan và loét lưng... Một số vẫn còn mảnh đạn hoặc dị vật sót lại trong cơ thể từ thời chiến, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Tuy vậy, các thương, bệnh binh tại trung tâm vẫn luôn mang trong mình niềm cảm kích và lòng biết ơn sâu sắc. Họ luôn cảm thấy mình may mắn hơn rất nhiều người anh em, những đồng chí,  đồng đội đã nằm lại mãi mãi trong mưa bom, bão đạn năm xưa. 

Ông Lê Đức Luân (72 tuổi, quê Vĩnh Phúc, thương binh hạng 1/4, mất sức  92%) bày tỏ: “Tôi tham gia quân ngũ từ hồi 18, 20 tuổi, đơn vị tôi đóng quân  tại sân bay Khâm Đức (nay thuộc xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Năm 1972,  tôi bị thương nặng trong một trận chiến đấu. Khoảnh khắc đó, tôi không nghĩ mình sẽ sống sót, cứ ngỡ đã phải bỏ mạng trên đường. May mắn được đồng  đội giúp đỡ, sau đó tôi được nhà nước chuyển về đây điều trị đến tận bây giờ”. 

Vết thương của chiến tranh khiến ông Luân không thể đi lại bằng đôi chân của mình, thay vào đó, trung tâm đã cung cấp xe lăn để ông có thể di chuyển thuận tiện hơn. Đồng thời, cũng tạo điều kiện để vợ chuyển vào sống tại trung tâm, chăm sóc và đồng hành cùng ông. Sự quan tâm tận tình của người vợ cùng đội ngũ cán bộ tại trung tâm giúp ông cảm thấy vững tin hơn trong cuộc sống, ông Luân chia sẻ.

2.JPG
Thương binh Lê Đức Luân (bên phải) cho biết mình đã rất may mắn khi được  trở về từ chiến trường và bắt đầu cuộc sống mới tại đây (Ảnh: Hà Giang).

 

Cũng như thương binh Lê Đức Luân, thương binh Đỗ Văn Thế (80 tuổi, quê  Nam Định, tỷ lệ thương tật 91%), người trở về sau khi Hiệp định Paris được  ký kết và trao trả tù binh bên bờ sông Thạch Hãn năm 1973 chia sẻ rằng: “Nay tôi đã tuổi cao, sức yếu, di chứng của chiến tranh khiến tôi liệt nửa người, nên mọi sinh hoạt hằng ngày đều phải nhờ đến hộ lý và đội ngũ cán bộ ở trung tâm. Đối với tôi, được “trở về” đã là một niềm may mắn, được sống trong mái nhà chung và cảm nhận tình yêu thương của cán bộ hay những người đồng chí,  đồng đội lại càng đáng quý hơn”. 

3.JPG
Thương binh Đỗ Văn Thế cùng chiếc xe lăn giúp ông thuận tiện di chuyển  (Ảnh: Hà Giang).

“Tàn nhưng không phế” 

Trong những năm gần đây, Trung tâm đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền và nhân dân địa phương. Sự quan tâm, chăm sóc ấy phần nào giúp mỗi đồng chí thương, bệnh binh vượt  qua nỗi đau thương, mất mát của chiến tranh. 

Là người gắn bó với trung tâm ngót nghét 50 năm, ông Đỗ Đăng Khuây (quê  Thái Bình, cựu chiến Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320,  thương binh hạng 1/4) chia sẻ: “Tôi tham gia tiến công căn cứ địch thuộc huyện Sepone, tỉnh Savannakhet (Lào) năm 1972, bị trúng đạn pháo, tôi mất hai bàn  tay và hỏng một bên mắt. Sau đó, tôi được chuyển về trung tâm điều trị”. Đôi bàn tay đã không còn, ông Khuây vẫn tự mình điều khiển xe đạp ra ngoài mua  đồ, nấu ăn và lo liệu mọi sinh hoạt cá nhân hằng ngày.  

Mặc dù cơ thể không lành lặn, những vết thương lớn luôn hành hạ mỗi khi trái gió trở trời, nhưng các thương, bệnh binh nơi đây vẫn luôn lạc quan, tiếp tục cuộc sống dung dị, chan chứa tình yêu thương, gắn bó. Hằng ngày, họ cùng nhau hàn huyên tâm sự, khâu vá, sửa chữa những đồ dùng cần thiết hay chơi cờ, đọc báo với nhau. Với ông Khuây, thư viện là nơi yêu thích nhất, nơi ông dành phần lớn thời gian rảnh để đọc sách, báo, cập nhật tình hình trong nước và thế giới. “Dù ở trung tâm, tôi vẫn biết được đất nước mình ra sao, nước ngoài thế nào”, ông tâm sự.  

4.JPG
Thương binh Đỗ Đăng Khuây với nụ cười luôn thường trực trên môi, vui vẻ chia sẻ về cuộc sống tại trung tâm (Ảnh: Hà Giang).

 

5.JPG
5.Các thương, bệnh binh tìm thấy niềm vui trong cuộc sống hằng ngày bằng việc đọc sách, báo, chơi cờ, hàn huyên tâm sự... (Ảnh: Hà Giang) 

 

Những thương binh tại trung tâm đến từ nhiều miền quê khác nhau, từng tham gia các trận đánh ác liệt, nay lại cùng nhau sát cánh trong cuộc chiến chống lại thương tật. Họ sống dung dị, gắn bó và chan chứa tình yêu thương, trở thành  những tấm gương sáng về ý chí và nghị lực sống phi thường. Với tinh thần “thương binh tàn nhưng không phế”, họ luôn nỗ lực giữ cho mình một nhịp sống bền bỉ và những phẩm chất đáng quý của người lính “Bộ đội Cụ Hồ”. 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN