“Truyền thông xã hội” – Giải mã bí ẩn truyền thông trên mạng xã hội
(Sóng trẻ) – Với sự bùng nổ của thông tin trên mạng xã hội, một lượng lớn thông tin từ mạng xã hội không ngừng chuyển động trong thời đại kết nối toàn cầu. Truyền thông mạng xã hội lên ngôi là “miếng mồi béo bở” cho ai biết tận dụng nó để tiếp cận gần hơn với công chúng.
Để công chúng hiện nay có thể thích ứng và vận dụng cách thức hoạt động của truyền thông xã hội, TS. Phạm Hải Chung và TS. Bùi Thu Hương cùng nhóm tác giả đã dày công nghiên cứu, phân tích các hoạt động truyền thông xã hội. Quá trình nghiên cứu được tập hợp, đúc kết trong cuốn “Truyền thông xã hội” được NXB Thế giới xuất bản tháng 11/ 2016.
Cuốn sách “Truyền thông xã hội của TS. Phạm Hải Chung và TS. Bùi Thu Hương
(Ảnh: Vietnamnet)
“Truyền thông xã hội” bao gồm 5 chương với nội dung chính là giải mã những xu hướng mới về truyền thông xã hội, phân tích quá trình tác nghiệp của nhà báo dựa trên sự hậu thuẫn thông tin từ mạng xã hội, diễn giải những tính năng nổi bật của Facebook mà doanh nghiệp có thể tận dụng để quảng bá, góc nhìn đa chiều về ngành công nghiệp lợi nhuận “khủng” - Game online và cả nhưng câu chuyện bàn về nguyên tắc hành xử trên truyền thông xã hội.
Mạng xã hội – “miền đất hứa” cho nhà báo?
Đứng trước những xu hướng phát triển của truyền thông xã hội không ngừng được vận dụng và cải tiến, mỗi nhà báo cần phải biết tận dụng mạng xã hội như một “kho dữ liệu” bất tận cho hoạt động tác nghiệp của mình. Trên nền tảng sự lớn mạnh của mạng xã hội làm xuất hiện một loại hình báo chí mới, đó là báo chí công dân. Báo chí công dân cho phép bất kì ai cũng có thể mở ra một kênh thông tin của cá nhân mình và hoạt động với tư cách không khác gì một nhà báo: tự cung cấp, quảng bá, lan truyền những sản phẩm mang tính báo chí ra cộng đồng.
Sự phát triển của báo chí công dân trong bối cảnh hiện nay đặt ra vấn đề báo chí công dân không chỉ đóng vai trò “cộng sinh” với báo chí truyền thống mà thực sự trở thành một đối thủ “nặng kí”, thách thức vị trí độc quyền thông tin của các cơ quan báo chí – truyền thông. Nắm bắt được điều này, qua nghiên cứu nhóm tác giả của cuốn “Truyền thông xã hội” đã chỉ rõ mạng xã hội đã và đang trở thành một nguồn thông tin bổ ích cho các nhà báo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên các nhà báo cũng chỉ mới xem đây là một nguồn tin tham khảo thêm bên cạnh những thông tin chính thống của nhà nước. Lí do ở đây là do nhận thức của các nhà báo còn e dè về sự phổ biến của tin giả, tin đồn thất thiệt,... Do vậy nguồn tin từ mạng xã hội mặc dù được coi là hữu ích, đa dạng nhưng chỉ được sử dụng khi đã qua kiểm chứng.
Mặc dù thông tin từ mạng xã hội vẫn còn nhiều nghi vấn đối với nhà báo nhưng không thể phủ nhận mạng xã hội đóng một vai trò quan trọng trong dòng chảy của báo chí Việt Nam hiện nay. Mạng xã hội đối với một số nhà báo đã trở thành một nguồn thông tin hữu ích. Mạng xã hội cũng là nơi để các tòa soạn chia sẻ thông tin, giới thiệu bài viết mới ra đến với độc giả. Với sự phát triển không ngừng của mạng xã hội, một tương lai không xa thông tin từ mạng xã hội sẽ chiếm một vị trí đáng kể trong hoạt động báo chí – truyền thông.
Facebook – “miếng bánh ngọt” cho doanh nghiệp làm truyền thông
Câu chuyện về doanh nghiệp làm thế nào để sản phẩm của mình đến gần hơn với người tiêu dùng một cách nhanh nhất sẽ rất đơn giản để lí giải với kết quả nghiên cứu mà nhóm tác giả cuốn “Truyền thông xã hội” đưa ra. Dẫn ví dụ một công ty làm truyền thông hiệu quả, đó là Coca – Cola, nhóm tác giả đã chỉ ra những chiến dịch PR – quảng cáo của Coca – Cola đầy sáng tạo, truyền cảm hứng và có sức lan truyền mạnh mẽ đến không ngừng. Có được điều đó là nhờ các phương tiện truyền thông hiện đại, mà đặc biệt là Facebook.
Facbook chiếm lợi thế trong hoạt động truyền thông của doanh nghiệp
(Ảnh: Internet)
Trong thời đại kỷ nguyên số, Facebook ngày càng khẳng định vị trí “độc tôn” của mình trong thế giới thông tin toàn cầu. Facebook tích hợp những tính năng, đặc trưng nổi bật mà doanh nghiệp không thể tìm thấy ở các phương tiện truyền thông khác, phục vụ cho mục đích đa dạng, đáp ứng nhu cầu truyền thông cụ thể cho từng doanh nghiệp.
Trong cuốn “Truyền thông xã hội”, nhóm tác giả cũng đã chỉ ra những đặc trưng nổi bật của Facebook mà các doanh nghiệp có thể tận dụng. Đó là khả năng lan truyền thông tin vượt bậc, tạo ra môi trường làm “chất dẫn” tuyệt vời cho việc chia sẻ thông tin của doanh nghiệp. Facebook tích hợp đa dạng các hình thức truyền thông cho doanh nghiệp, nài những tính năng cơ bản như đăng tải trạng thái, hình ảnh, clip đến những tính năng mở rộng như tạo sự kiện, viết ghi chú, thiết lập và sử dụng các ứng dụng,... Nài ra Facebook còn có những đặc trưng khác thuận lợi cho hoạt động truyền thông của doanh nghiệp như: hình thức page (trang) tiện lợi cho doanh nghiệp, chủ động trong việc đăng tải thông tin, tương tác vơi công chúng tối ưu.
Bên cạnh những vấn đề về thông tin mạng xã hội với nhà báo, lợi thế sử dụng Facebook cho hoạt động truyền thông của doanh nghiệp thì cuốn “Truyền thông xã hội” cũng chỉ ra vai trò của truyền thông đối với việc định hướng nhận thức, dư luận xã hội và thúc đẩy sự phát triển tiến bộ của công nghiệp Game online, cũng như tác động tích cực của nó đến xã hội. Hơn nữa, cuốn sách còn nêu ra những nguyên tắc hành xử trên mạng xã hội, đi sâu vào vấn đề liên quan đến đạo đức, cách ứng xử giữa người với người trên mạng xã hội.
Thái Gia Khánh
Cùng chuyên mục
Bình luận