TS Đỗ Chí Nghĩa: “Chọn báo chí đa phương tiện, chọn lối đi rộng hơn và thách thức cũng lớn hơn”



(Sóng Trẻ) - Khoảng 50 tân sinh viên thuộc chuyên ngành Báo chí đa phương tiện đã chính thức nhập học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Đây là một ngành học mới xuất hiện trong chương trình đào tạo của nhà trường. Chính vì yếu tố đó mà sự quan tâm của đội ngũ giảng viên cũng như các thí sinh, phụ huynh về chuyên ngành này là rất lớn. Cuộc trao đổi với TS Đỗ Chí Nghĩa, Phó Trưởng khoa Phát thanh – Truyền hình, người được giao trọng trách đảm nhiệm quản lý, xây dựng chuyên ngành này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn những thông tin về ngành học mới mẻ này. 


Năm 2013, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chính thức tuyển sinh chuyên ngành Báo chí đa phương tiện. Là người được giao tham gia xây dựng chuyên ngành, xin ông nói rõ hơn tầm quan trọng của việc đào tạo chuyên ngành này?

Báo chí đa phương tiện là một lựa chọn tất yếu của tương lai. Cứ hình dung, chỉ với một chiếc điện thoại gọn nhẹ, sáng thức dậy, bạn có thể lướt web đọc tin tức toàn cầu, có thể  xem những phóng sự  truyền hình nóng bỏng về chiến tranh ở Libia, lại có thể nghe những bản nhạc du dương top hit trên bảng xếp hạng trong ngày, trong tuần… 

Công chúng có quyền có nhiều lựa chọn, nhiều kênh để tiếp cận thông tin thì nhà báo cũng phải đa năng, linh hoạt, thích ứng tốt hơn. Nhiều cơ quan báo chí đang xây dựng toà soạn hội tụ, tận dụng tối đa tài nguyên, nguồn lực để có nhiều sản phẩm “đầu ra”. Chúng ta đã quen với mô hình ê-kip làm việc, người nọ hỗ trợ người kia nhịp nhàng để có những phóng sự truyền hình chất lượng. Nhưng đời sống báo chí cũng cần những nhà báo có khả năng tác chiến độc lập, vừa viết bài, chụp ảnh, vừa có thể ghi hình, làm tường thuật phát thanh từ hiện trường. Phương tiện gọn nhẹ, cơ động, một nguồn thông tin có thể ra nhiều sản phẩm, đáp ứng mọi nhu cầu, điều kiện tiếp nhận.

Chả nói đâu xa, các cơ quan báo in của ta hiện nay đều có báo điện tử hoặc trang thông tin điện tử, trên đó chuyển tải cả các file âm thanh, các video clip hình ảnh. Các đài phát thanh, truyền hình đều có trang thông tin điện tử, một số đài lớn còn ra tạp chí truuyền hình. Các tờ báo mạng điện tử thì xu hướng đa phương tiện là không có gì phải bàn cãi nữa rồi.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền từ trước đến nay luôn ý thức trách nhiệm của một cơ sở đào tạo báo chí đầu đàn của đất nước. Mở ngành báo chí đa phương tiện là đáp ứng nhu cầu bức thiết của thị trường nhân lực, đúng với nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nuớc giao cho. Đây cũng là cụ thể hoá chỉ đạo của lãnh đạo Học viện CTHC quốc gia Hồ Chí Minh về đầu tư phát triển những ngành mũi nhọn, chuyên sâu, thực sự là thế mạnh truyền thống của nhà trường.

d5cd0b314_542178_498144140209390_1546074757_n.jpg

TS Đỗ Chí Nghĩa, Phó Trưởng khoa Phát thanh - Truyền hình

Chương trình đào tạo này có những điểm khác biệt nào so với chương trình đào tạo các chuyên ngành báo chí đơn phương tiện khác?

Các chuyên ngành báo chí hiện có đã có độ mở nhất định, không thuần tuý là đào tạo báo chí đơn phương tiện, vì lớp báo truyền hình cũng học về phát thanh, ảnh báo chí, tương tự chương trình đào tạo báo in cũng có phần học về truyền hình, phát thanh… Tuy nhiên, khi đã xác định là “đa phương tiện” thì cách tiếp cận phải khác.

Chương trình được xây dựng theo module hiện đại, với những phần học bắt buộc và tự chọn, từ cơ bản đến nâng cao. Chúng tôi chủ trương phải trang bị cho các em nền tảng tri thức về báo chí thật vững vì suy cho cùng loại hình báo chí nào thì cái gốc vẫn là thông tin và do đó nguyên lý cơ bản giống nhau. Trên cơ sở đó, sẽ đào tạo nâng cao các kĩ năng cho nhiều loại hình báo chí, nhiều phương tiện tác nghiệp khác nhau. Việc học không dàn trải mà thực sự nhấn vào những gì cần và phù hợp.

Sinh viên sẽ được chọn học sâu hơn những gì là sở trường. Trên cơ sở nền tảng chung của báo chí đa phương tiện, sẽ có những em học sâu hơn về phát thanh, có những em chuyên chú các môn chuyên ngành truyền hình, tùy theo năng lực, sở thích và xu hướng tìm việc làm… Cách đào tạo phải mở, phát huy sáng tạo và điều kiện của người học. Cái chính là mở ra nhiều hướng tiếp cận, nhiều lối đi để các em tự thích ứng và phát huy tối đa năng lực cũng như quỹ thời gian 4 năm học ở trường.

d5cd0b314_582123_405253922828436_1437184639_n.jpg

Sinh viên thực hành kỹ năng quay phim và phỏng vấn trong môn học 

Một sinh viên trong 4 năm học phải nắm được kỹ năng tác nghiệp đa phương tiện, liệu có dẫn đến tình trạng học rộng nhưng thiếu chuyên sâu? Theo ông, điều kiện cần và đủ để sinh viên tiếp nhận tốt chuyên ngành học là gì?

Với một khoảng thời gian 4 năm như các chuyên ngành báo chí khác, việc đào tạo theo module sẽ giúp sinh viên chủ động tiếp cận việc học, tránh dàn trải, lựa chọn được môn học ưa thích và phát huy thế mạnh của mình. Thực tế, nhiều sinh viên báo chí hiện nay còn chưa biết tận dụng thời gian, chỉ lên lớp học một buổi, rất lãng phí và thụ động. Chúng tôi vẫn nói vui, sinh viên báo chí sáng lên lớp, chiều về ngủ, tối đi uống nước mía, xem phim hay trà đá vỉa hè mà thong thả đợi sau 4 năm thành nhà báo thì khó khả thi lắm.

Chúng tôi hy vọng, với đầu vào tuyển chọn tốt, việc mở ra nhiều kênh tiếp cận tri thức trong nhà trường, kết hợp bài tập thực hành nhiều hơn, sinh viên chuyên ngành báo chí đa phương tiện sẽ sử dụng thời gian tốt hơn, hiệu quả hơn cho việc học nghề.

Nghề báo ai cũng biết rất cần sự say mê, say nghề, say công nghệ mới, luôn muốn đắm mình vào thông tin. Các thầy cô cần truyền lửa nghề, gắn kết thực sự với môi trường nghề nghiệp, nhiệt tâm theo sát và hỗ trợ các em. Phương tiện, thiết bị cần tiếp tục đầu tư, khuyến khích các em trong điều kiện cụ thể có thể tự trang bị phương tiện cá nhân. Kinh nghiệm cho thấy với máy ghi âm, ghi hình của mình thì ý thức gìn giữ, sử dụng tốt hơn mà năng lực khám phá công nghệ cũng sẽ cao hơn.

Đội ngũ giảng viên hiện đã đáp ứng yêu cầu đào tạo về chuyên ngành này như thế nào ?

Khi được giao mở chuyên ngành báo chí đa phương tiện, chúng tôi nhận được sự quan tâm, giúp đỡ tận tình của Ban giám đốc Học viện, các khoa báo chí trong nhà trường. Câu hỏi đầu tiên đặt ra vẫn là đội ngũ giảng viên từ đâu, có thể đáp ứng chuyên ngành này như thế nào?

Thế mạnh là Học viện đã có đủ các chuyên ngành từ báo viết, báo ảnh, báo hình, báo phát thanh, báo mạng điện tử. Được Ban giám đốc Học viện tạo cơ chế, chúng tôi sẽ tận dụng các chuyên gia trong từng loại hình này để tạo nên thế mạnh chung của loại hình báo chí đa phương tiện. Nài ra, với chủ trương phối hợp giữa cơ sở đào tạo với cơ quan báo chí, chúng tôi đang lựa chọn và xin ý kiến nhà trường mời thêm một số chuyên gia, nhà báo giói nghề, tâm huyết và có điều kiện hỗ trợ sinh viên làm nghề tham gia hoạt động đào tạo.

Tôi nhớ là năm 2003, khi chúng ta mở ngành báo mạng điện tử, ai cũng hỏi thầy dạy là ai? Ngày ấy hiểu biết về công nghệ thông tin, các phương tiện chắc là kém hơn bây giờ nhiều. Nhưng thực tế cho thấy, việc đón trước nhu cầu thị trường nhân lực, cộng với ưu tiên nguồn lực thoả đáng, động viên, hỗ trợ kịp thời đội ngũ giảng viên tâm huyết luôn là lựa chọn đúng hướng và cần thiết để khẳng định vị trí cơ sở đào tạo hàng đầu về báo chí của Học viện, cũng như phát huy năng lực và thế mạnh về đội ngũ của chúng ta.

Được biết Học viện đã nâng cấp hệ thống Studio với 3 phòng chức năng hiện đại, hiện đã đi vào hoạt động ổn định. Cơ sở vật chất như vậy đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu thực hành nghề nghiệp của sinh viên báo chí đa phương tiện? 
Nhà trường đã đầu tư cơ sở vật chất và chắc sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư cho các ngành báo chí. Ngành báo chí đa phương tiện là em út trong nhà, nếu bố mẹ và kể cả anh chị em có quan tâm hơn một chút cũng là lẽ thường tình. 

Tuy nhiên, phương tiện nhà trường không thể chạy đua với thực tế nghề nghiệp. Việc phối hợp với các cơ quan báo chí cần thiết thực và cụ thể hơn để lấp đầy khoảng trống này.

Nài ra như đã nói ở trên, chúng ta cũng nên khuyến khích các em tự trang bị phương tiện cho mình. Tất nhiên công việc này cũng phải tế nhị, tuỳ điều kiện và hoàn cảnh. Song với mục đích thực sự nâng cao chất lượng đào tạo, tạo khả năng thích ứng làm nghề của sinh viên, tôi tin gia đình các em sẽ ủng hộ, xã hội sẽ chia sẻ với chúng ta.

Cuối cùng, theo quan điểm của ông, cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên báo chí đa phương tiện sẽ như thế nào?

Báo chí đa phương tiện là một lựa chọn phù hợp, một xu thế rõ ràng của xã hội hiện nay. Tuy vậy, không có cơ hội cho chuyên ngành mà sẽ chỉ có cơ hội cho chuyên nghề. Nói sách vở một chút thì báo chí đa phương tiện không phải là” chiếc đũa thần” để nâng cao chất lượng đào tạo và khả năng thích ứng nghề nghiệp của sinh viên báo chí. Người chuyên tâm, có năng lực, say sưa với công việc thì cơ hội nghề nghiệp luôn rộng mở, dù anh học chuyên ngành nào. Chỉ có điều, nếu chọn báo chí đa phương tiện thì anh sẽ chọn lối đi rộng hơn và thách thức cũng lớn hơn. Cơ hội nghề nghiệp nhiều hơn thì áp lực cũng cao hơn vì phải học nhiều kĩ năng làm nghề trong cùng một khoảng thời gian có 4 năm. 

Xin trân trọng cảm ơn ông !

Kì tuyển sinh 2013 là năm đầu tiên Học viện Báo chí và Tuyên truyền tuyển sinh chuyên ngành đào tạo Báo chí Đa phương tiện, với 50 chỉ tiêu

Hình thức đào tạo theo modul, với nội dung đào tạo chuyên biệt, đây là một trong những chương trình được nhà trường đầu tư trọng điểm.

Chương trình đào tạo cử nhân Báo chí Đa phương tiện được xây dựng bởi các giảng viên, chuyên gia Đại học City London (Anh Quốc) và Học viện Báo chí và Tuyên truyền, thuộc một phần của dự án Media Pro do Bộ Nại giao Anh tài trợ thông qua Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, có tổng kinh phí 6 tỉ đồng.

Chuyên ngành Báo chí Đa phương tiện là chuyên ngành thứ 5 thuộc khoa Phát thanh - Truyền hình, bên cạnh các chuyên ngành như: Truyền hình, Quay phim, Phát thanh, Báo mạng điện tử

Theo Tạp chí Lý luận Chính trị & Truyền thông

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN