Từ trăn trở của nữ kiến trúc sư đến niềm vui trẻ em vùng núi
(Sóng trẻ) - Với mong muốn mang lại không gian vui chơi an toàn và ý nghĩa cho trẻ em ở những vùng sâu, vùng xa, kiến trúc sư Thảo Dương (31 tuổi, TP Hồ Chí Minh) cùng các cộng sự quyết tâm khởi xướng và thực hiện dự án “Sân chơi cầu vồng”.
Xuất phát từ chính trải nghiệm thời thơ ấu, Thảo Dương thấu hiểu tầm quan trọng của những không gian này đối với sự phát triển của trẻ nhỏ. "Tuổi thơ tôi thiếu đi những khu vui chơi an toàn và tôi đã chứng kiến nhiều người bạn bị tai nạn...", cô chia sẻ. Chính những trải nghiệm đó đã thôi thúc cô hành động, "phải làm một điều gì đó để thay đổi thực tế".
"Sân chơi cầu vồng" – cái tên mang đầy hy vọng và ước mơ – là món quà Thảo Dương muốn gửi đến trẻ em vùng cao. "Cầu vồng là biểu tượng của hy vọng, của màu sắc tươi đẹp trong cuộc sống...", cô giải thích. Mỗi sân chơi đều được thiết kế theo một chủ đề riêng, với các hạng mục độc đáo như thang cứu hỏa, cầu thăng bằng, kính vạn hoa, xích đu..., kết hợp với các workshop và hoạt động vẽ tường nghệ thuật, nhằm mang đến trải nghiệm phong phú cho trẻ.
Hành trình của SCCV không hề bằng phẳng. Việc gây quỹ cho một tổ chức non trẻ là một thách thức lớn. Thảo Dương đã phải "nhắn tin cho từng người một" để kêu gọi ủng hộ. Bên cạnh đó, những khó khăn trong quá trình thi công, như cơn mưa lớn tại Gia Lai làm sập đổ công trình, cũng là những thử thách không nhỏ.
“Tôi vẫn nhớ mãi ngày hôm đó, khi đang xây dựng sân chơi thứ hai tại Gia Lai, chúng tôi nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của người dân nơi đây. Thông thường đến 17h, các anh chị sẽ nghỉ thi công và về nhà, còn chúng tôi vẫn tiếp tục thi công để kịp tiến độ. Lúc đó là 19h rồi, mọi người đang ăn uống nhưng nghĩ thương chúng tôi quá, nên họ bảo nhau xuống thi công tiếp tới tối luôn không về. Đó là kỷ niệm mà tôi vô cùng trân trọng”, Thảo Dương tâm sự.
Sau hơn 2 năm hoạt động, dự án đã nhận được sự tin tưởng và ủng hộ nhiệt tình từ cộng đồng, người dân, chính quyền địa phương và các tình nguyện viên. Nhờ đó, SCCV đã xây dựng được 7 sân chơi cho hơn 700 trẻ em tại Tây Nguyên và Tây Bắc.
Thành quả của dự án "Sân chơi cầu vồng" đôi khi được gói gọn trong một câu nói giản dị mà đầy ý nghĩa của người dân địa phương: "Biến 30km thành con số 0". Thảo Dương giải thích: "Đó là khoảng cách từ điểm trường đến khu vui chơi gần nhất. Dự án đã xóa nhòa khoảng cách ấy, mang niềm vui đến ngay bên cạnh các em nhỏ". Câu nói ấy luôn in đậm trong tâm trí cô, như một lời khẳng định về giá trị và ý nghĩa của "Sân chơi cầu vồng".
Nữ kiến trúc sư cũng giãi bày: “Chúng tôi vẫn hay nói vui với nhau rằng, bỏ áp lực ở thành phố lên núi để tự tạo áp lực cho nhau. Nhưng sau tất cả, khoảnh khắc các em nhỏ đến chơi tại SSCV và các em ấy nở nụ cười rất tươi và hạnh phúc thì tất cả chúng tôi như được ‘hồi sinh’ vậy”.
SCCV không chỉ là nơi vui chơi mà còn là nơi gắn kết yêu thương, khơi dậy tinh thần cống hiến, như lời chia sẻ của các tình nguyện viên: "SCCV luôn đem đến cảm giác được cống hiến cho một điều gì đó lớn lao" (Võ Nguyễn Bảo Châu); "Mỗi khoảnh khắc ở SCCV đều 'để lại một cảm xúc gì đó thật đẹp, mà khó tả'" (Phạm Tuyết Như).