Phương pháp Kay Chung: Lợi bất cập hại
“Nước tới chân mới nhảy”
Gần đây, kiểu học "nước đến chân mới nhảy" với đặc trưng là ôn tập cường độ cao, tập trung vào thời gian ngắn trước hạn, đang dần phổ biến trong giới trẻ.
Hiện tượng này bắt nguồn từ một nữ TikToker sở hữu 1,7 triệu lượt theo dõi, với những nội dung xoay quanh việc học hành. Clip cô nàng ôn 780 slide trong đêm trước ngày khi nhận được lượt tương tác lớn. Ngay lập tức, trào lưu học theo Kay Chung trở nên thịnh hành, được giới trẻ “đu trend” (làm theo xu hướng) nhiệt tình.
Lê Thị hồng Hạnh (Sinh viên Y Đa khoa) trở thành tâm điểm chú ý trên TikTok khi chia sẻ về quá trình học tập bận rộn của mình. Để theo kịp lịch học dày đặc, nữ sinh đã áp dụng phương pháp học tập "cày đêm" giống Kay Chung. "Do lịch học và lịch thi của mình khá dày, nên mình khó mà có thể học hết tất cả các bài học trước buổi thi một khoảng thời gian hợp lý và nếu có học qua rồi cũng cần ôn tập lại hết thì mới đủ kiến thức. Thi nhiều quá nên việc thức đêm học bài với mình hoặc bạn bè mình là điều thường xuyên”, Hồng Hạnh chia sẻ.
Trước khi áp dụng phương pháp học của Kay Chung, Phạm Minh Châu (học sinh THPT) rất hào hứng. Tuy nhiên, sau khi thử nghiệm, nam sinh nhận ra rằng việc thức trắng đêm không phải là giải pháp hiệu quả. Châu cho biết bản thân không thể tỉnh táo, cảm thấy đau mỏi và không thể tập trung học trên trường.
Nguyễn Thị Hiền (cựu sinh viên Đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia môn Ngữ văn) cho biết bản thân đã từng có thời gian “cú đêm” ôn thi và nhận thấy phương pháp học này không thể “đi đường dài”, khuyến cáo học sinh không nên làm theo.
“Phương pháp này chỉ phù hợp khi trong quá trình học, chúng ta đã có sự tích luỹ kiến thức, học đến đâu chắc đến đó thì việc ôn tập theo Kay Chung như một hình thức rà soát, củng cố và hoàn thiện kiến thức đã học, thay vì ‘nhồi nhét’ thông tin một cách thụ động vào phút chót”, Hiền bày tỏ.
“Dục tốc bất đạt”
Đặng Bích Trâm (sinh viên ngành Truyền thông Đa phương tiện) ý thức rõ giới hạn của phương pháp học “xuyên đêm” này. Trâm cho hay: “Kay Chung nổi lên như một hiện tượng về việc học tập và làm việc, từ đó tạo ra làn sóng “đu theo” trào lưu... Và đương nhiên, "đu trend" thì chỉ nên thử 1 - 2 lần hay thử trong một thời gian ngắn để "trải nghiệm" là đủ.”
Trao đổi với phóng viên, giảng viên Trần Việt An (trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng phương pháp học hiệu quả phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan và quan trọng nhất là phải phù hợp với cá nhân người học. “Hệ tư tưởng Kay Chung” có thể đem lại kết quả tạm thời, song nó tiềm ẩn nhiều rủi ro như một con dao hai lưỡi.
“Không chỉ dưới góc nhìn của giảng viên, mà đối với gia đình hay xã hội nói chung thì việc “đua theo” xu hướng hay thực hiện phương pháp này là không nên”, thầy An nhấn mạnh.
Lý giải về điều này, thầy An cho biết thêm: “Thông thường, khối lượng kiến thức cho một kỳ thi là không hề ít và việc chỉ dành một buổi, lại còn là nửa đêm, trái với nhịp sinh học của con người, tất nhiên sẽ không hiệu quả. Đồng thời, khả năng ghi nhớ và hiểu kiến thức trong một thời gian ngắn như vậy cũng là một vấn đề lớn”.
Học cấp tốc, theo thầy An, không phải là phương pháp tốt. Về bản chất, việc này chỉ giúp người học ghi nhớ tạm thời, không có sự thẩm thấu kiến thức. Từ đó, dễ dẫn đến tình trạng “học trước quên sau”, “dục tốc bất đạt”.