Tuyên chiến với sai sót trên báo chí

(Sóng Trẻ) - Thông tin sai trên báo nhiều khi gây hậu quả khôn lường. Chống sai sót không chỉ là trách nhiệm với tờ báo, với bạn đọc, mà chính là danh dự của mỗi tác giả và người biên tập.

Sai nhỏ, hậu quả lớn


Trong công việc làm báo, yêu cầu số một đối với mọi phóng viên, biên tập viên, cơ quan báo chí và cả cơ quan chủ quản báo chí là không để xảy ra sai sót, vì sai sót trên báo chí thường để lại hậu quả rất lớn.

Trước hết, đối với xã hội và bạn đọc, những thông tin sai trên báo nhiều khi gây hậu quả khôn lường. Thời gian qua trong “làng báo” đã có khá nhiều vụ đưa tin sai gây hậu quả nghiêm trọng, như chuyện ăn bưởi Năm roi gây ung thư, hay thổi phồng chuyện sữa chứa melamine gây bệnh… làm hàng vạn nông dân và rất nhiều doanh nghiệp điêu đứng.

Đối với bản báo và tác giả bài báo, tờ báo nào sai nhiều sẽ mất uy tín với bạn đọc, bị bạn đọc coi là báo “lá cải”, thậm chí còn tẩy chay, không tin vào những thông tin báo đề cập. Dù là lỗi chính tả, bạn đọc cũng không chỉ coi thường người viết, mà còn đánh giá trình độ đội ngũ phóng viên, biên tập viên của tờ báo thấp, làm việc thiếu nghiêm túc.

Những sai sót thường gặp

Qua thực tiễn làm thư ký toà soạn, chúng tôi thường gặp các sai sót sau:

Một là, sai tên người, chức vụ, địa danh. Những sai sót này có những chỗ người biên tập phát hiện được khi nhân vật trong bài là lãnh đạo cấp cao từ bộ trưởng trở lên, địa danh từ cấp huyện trở lên. Nhưng còn không ít tên người, chức vụ, địa danh “cấp bé” bị viết sai chỉ người ở địa phương, đơn vị mà bài báo đề cập mới biết.

Hai là, sai tên và thẩm quyền ban hành các văn bản pháp quy; vận dụng các văn bản luật đã lỗi thời, đã bị bãi bỏ. Đây là sai sót khá phổ biến và dễ dẫn đến hậu quả lớn, thậm chí phát sinh kiện tụng, nhất là khi viết các bài chống tiêu cực.

Ví dụ có tác giả viết: Nghị định số… của Thủ tướng Chính phủ (viết đúng phải là Nghị định số… của Chính phủ, vì thẩm quyền ban hành Nghị định thuộc tập thể Chính phủ, Thủ tướng chỉ thay mặt Chính phủ ký).

Hoặc nước ta đã ban hành Luật Đê điều từ năm 2006, nhưng có tác giả vẫn viết trong bài là “cần xử lý nghiêm hành vi vi phạm Pháp lệnh Đê điều”! Những sai sót này nếu lọt lên mặt báo sẽ rất tệ hại, vì bạn đọc sẽ cho rằng tác giả và cả bản báo không nắm chắc pháp luật, chưa hiểu rõ vấn đề.

Loại lỗi thứ ba thường gặp là sai các từ chuyên môn khoa học. Ví dụ như “chẩn đoán bệnh” thì viết là “chuẩn đoán bệnh”; kwh điện thì viết kw/h; viết sai tên các loại thuốc, các loại hoá chất… Bạn đọc công tác ở những lĩnh vực đó khi thấy nhà báo viết sai kiểu “ngớ ngẩn” như vậy thì rất buồn cười…

Loại lỗi rất phổ biến là viết sai chính tả và chấm ngắt câu tuỳ tiện, không đúng ngữ pháp… Xin được nói thêm, lâu nay có nhiều phóng viên, cộng tác viên cho rằng đây là những “chuyện nhỏ, chuyện vặt” và không chú ý để khắc phục. Nghĩ như vậy thì quá sai lầm! Không biết nhà báo giỏi thế nào, người đọc chỉ cần thấy câu cú không chuẩn, có lỗi chính tả sơ đẳng thì sẽ nghĩ rằng “Đây là nhà báo vườn, viết còn sai chính tả nữa là…”

Bên cạnh những sai sót khá phổ biến nêu trên, có tác giả còn viết sai quan điểm, đường lối; vô tình để lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự; sai thời gian xảy ra các sự kiện lịch sử; các chi tiết trong bài mâu thuẫn với nhau… Những sai sót này ít gặp nhưng vô cùng nguy hiểm.

Bí quyết… Tào Tháo

Để hạn chế sai sót, trước hết tác giả và người biên tập phải nhận thức rõ hậu quả nghiêm trọng của việc để sảy ra sai sót trên báo và quyết tâm “tuyên chiến” với sai sót.

Biện pháp quan trọng nhất để hạn chế sai sót là phải tích cực học tập trau dồi kiến thức, vì chính lỗ hổng kiến thức, sự kém hiểu biết là nguyên nhân cơ bản (cùng với tác phong làm việc cẩu thả) dẫn đến sai sót.

Khi tác nghiệp, khai thác tư liệu cần hỏi kỹ, hỏi rõ, ghi chép đầy đủ và nếu ghi âm được càng tốt. Nội dung gì chưa rõ hoặc hiểu lơ mơ thì phải hỏi lại. Đặc biệt, với những người nói tiếng vùng miền thì càng cần phải chú ý phân biệt để tránh “nghe nhầm”.

Nhà báo dù giỏi đến mấy cũng không thể hiểu biết tất cả các lĩnh vực. Vì vậy, khi viết những bài có liên quan đến chuyên môn mà mình chưa thật rõ, cần tìm hiểu kỹ và nên hỏi ý kiến các chuyên gia.

Phải luôn tỉnh táo khi tiếp nhận, sử dụng thông tin, nhất là các số liệu; nhạy bén phát hiện những “nghi vấn” để xác minh lại. Ví dụ, những thông tin như: Trong 3 tháng đầu năm Chi cục Kiểm lâm tỉnh A thu hồi được hơn 3 triệu mét khối gỗ lậu; cả nước có hơn 3,2 triệu chiếc xe công…  đều đáng nghi vấn vì số liệu quá lớn.

Với người viết, cần rèn luyện tác phong cẩn trọng, kiểm tra kỹ bản thảo trước khi nộp. Sau khi nộp bài, thời gian cũng nên đọc kiểm tra lại.

Đối với người biên tập, bên cạnh việc tích cực học tập để nâng cao trình độ hiểu biết mọi mặt nhằm phát hiện sai sót trên bản thảo, cần “toàn tâm, toàn ý”, tập trung cao độ với công việc của mình. Tránh tình trạng duyệt bài qua loa đại khái, thiếu tập trung để lọt nhiều sai sót, thậm chí gây ra sai sót khi vô tình sửa không đúng hoặc cắt bỏ 1 đoạn làm mất lô-gíc của bài…

Cả tác giả và biên tập viên cần thường xuyên rèn luyện tính “đa nghi Tào Tháo” khi hoạt động nghề nghiệp.  

Cát Huy Quang

Lớp Báo chí K31B

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN