Vẫn cần lắm những trái tim hồng

(Sóng trẻ) - Một cụ già tóc ngồi bệt bên bậu cửa với ánh mắt ngơ dại nhìn ra xa xăm không đáp lại lời chào của chúng tôi. Một em nhỏ chạy ra sốt sắng chào với cái miệng cười tươi nhưng chực trào nước miếng... Đó là những hình ảnh đầu tiên tôi bắt gặp khi đến thăm Trung tâm Bảo trợ xã hội 2 nằm trên địa phận xã Quảng Thọ, huyện Quảng Xương, Thanh Hoá, nơi đang chăm sóc, nuôi dưỡng 186 đối tượng là trẻ mồ côi, người già neo đơn, người tàn tật không nơi nương tựa.

Một cụ già tóc ngồi bệt bên bậu cửa với ánh mắt ngơ dại nhìn ra xa xăm không đáp lại lời chào của chúng tôi. Một em nhỏ chạy ra sốt sắng chào với cái miệng cười tươi nhưng chực trào nước miếng... Đó là những hình ảnh đầu tiên tôi bắt gặp khi đến thăm Trung tâm Bảo trợ xã hội 2 nằm trên địa phận xã Quảng Thọ, huyện Quảng Xương, Thanh Hoá, nơi đang chăm sóc, nuôi dưỡng 186 đối tượng là trẻ mồ côi, người già neo đơn, người tàn tật không nơi nương tựa.

Địa điểm đầu tiên trong chuyến thăm của chúng tôi là khu tầng 2 dành cho trẻ sơ sinh.với 1 phòng sinh hoạt chung và 4 phòng ở. Mỗi phòng ở rộng chừng 12m2 với 3 chiếc giường đôi nhỏ dành cho 8, 9 trẻ sơ sinh và 2 cán bộ phụ trách. Lúc này là buổi chiều, cán bộ nơi đây đang tất bật cho các cháu tắm. Với một chậu nước ấm, chiếc khăn bông nhỏ cô Hoa nhẹ nhàng tắm cho bé Linh. Dường như cảm nhận được sự ân cần ấy, Linh cười đáp lại rồi nghịch nước một cách thích thú. Cô Hoa chia sẻ: “Bé Linh bị mẹ bỏ lại ở bệnh viện từ khi mới lọt lòng, lúc được đưa vào đây nó khóc suốt mấy ngày, giờ quen rồi, nan lắm”.

Trường hợp trẻ bị bỏ rơi được đưa vào đây là rất phổ biến. Chị Mão, cán bộ Khoa Người già neo đơn và Trẻ mồ côi kể cho tôi nghe những trường hợp trẻ bị bỏ rơi hết sức thương tâm. Một buổi tối, khi cán bộ đi khoá cửa cổng, đá phải vật gì mềm mềm, giật mình soi đèn xuống mới nhận ra đó là một trẻ sơ sinh được bọc trong một cái tã mỏng manh, người mềm nhũn như sợi bún đã lả đi từ khi nào. Có trường hợp, trẻ bị bỏ cách trung tâm hơn 500m, người dân nhặt được đem đến…Còn nhiều trường hợp nữa mà chị Mão không nhớ hết: “Ban đầu vào làm, gặp những trường hợp như vậy mình thực sự bị sốc, chính mình đã khóc khi bế cháu trên tay. Nhưng rồi hơn 10 năm làm việc, những trường hợp ấy lại trở nên quá đỗi bình thường như cái lẽ trái tự nhiên mà không thể không chấp nhận vậy” - Chị tâm sự.

Không chỉ có các em nhỏ, những cụ già vào trung tâm cũng mỗi người một hoàn cảnh. Có người neo đơn, người tàn tật không nơi nương tựa, lại có cả những người bị hắt hủi. Cụ già mà chúng tôi gặp khi mới đến được đưa vào đây trong tình trạng bị sốc khi chứng kiến cảnh con cái đùn đẩy nhau không ai chịu nuôi mình. Từ khi vào trung tâm, được chữa trị, tinh thần cụ đã khá hơn, nhưng chiều nào cụ cũng ra cổng ngồi như vậy cho đến lúc mặt trời tắt hẳn.

Trong một căn phòng, chúng tôi gặp 4 cụ già đều bị mù bẩm sinh. Tất cả họ đều xác định sẽ gắn bó với Trung tâm cho đến khi về với đất. Ở đây họ làm bạn với nhau và giải trí bằng chiếc radio. Cụ Nguyễn Thị Tom, quê Hoàng Hoá đã sống ở đây hơn 20 năm giọng run run tâm sự: “Từ khi lọt lòng mẹ cho đến ngày nay, tàn tật chả mần được chi cả, rồi các cháu nó cũng nghèo lắm, không nuôi nấng được. Trước đây cũng đi làm thuê, cuốc mướn để kiếm ăn, nhưng bây chừ sức khoẻ yếu, không làm được nữa, giờ vào nhờ nhà nước thôi”.

5h sáng khi tiếng chuông báo thức vừa reo to đã thấy 5, 6 cụ vận động thư giãn trên sân, rồi đến các em nhỏ mắt còn ngái ngủ nhưng vẫn gắng đưa tay tập những động tác thể dục theo cô hướng dẫn. Các cán bộ trung tâm cũng đã bắt đầu công việc cuả mình: từ dọn dẹp, đến đi chợ lo bữa cơm… Thói quen ngủ, nghỉ, sinh hoạt khoa học của từng lứa tuổi luôn được trung tâm chú trọng.

Cô Đỗ Thị Chính, phó giám đốc Trung tâm, trưởng khoa Y tế, người đã 20 năm gắn bó với trung tâm cho biết : Mọi nguồn chi phí của trung tâm do Sở Lao động – Thương binh, xã hội cấp, mỗi đối tượng hiện chỉ nhận 240nghìn/1 tháng. Điều kiện tuy khó khăn nhưng trung tâm luôn cố gắng cân đối để đảm bảo sức khoẻ cho tất cả các đối tượng. Cô tâm sự thêm về công việc của mình:

- Ngày trước bọn cô nuôi mình các cháu trẻ mồ côi gần 100 cháu cũng vui, mình thấy thương và đồng cảm. Sau khi chuyển đổi có thêm đối tượng già thì công việc khó khăn hơn trước. Nhưng đòi hỏi mình đi làm công tác xã hội phải xác định cái tâm huyết, cái công việc của mình cho nên là yêu nghề.

Nơi đây như một gia đình lớn, làm sao để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của tất cả các đối tượng là nỗi trăn trở lớn của những cán bộ nơi đây. Với trẻ sơ sinh đòi hỏi phải dành gần như trọn vẹn thời gian để chăm lo, các em ở độ tuổi đi học phải chú ý đến tâm sinh lí, các cụ già người cao huyết áp, người bị thận…đòi hỏi khẩu phần ăn khác nhau… Cô Trà, cán bộ phụ trách trẻ mồ côi chia sẻ:

- Thực ra mình nghĩ ở đây cũng giống như một gia đình. Mình sống trong gia đình nuôi trẻ như thế nào thì ở đây cũng vậy. Chỉ tội là ở đây có khác chút là số lượng đông, với nhiều độ tuổi nên cái sở thích và cái tính cách của chúng cũng thay đổi theo độ tuổi. Những em nhỏ vào đây đã là những hoàn cảnh rất đặc biệt rồi. Nên mình phải tuỳ từng trường hợp mà giải quyết thôi.

Có rất nhiều người gắn bó với Trung tâm từ những ngày còn đôi mươi, đến nay đã ở cái tuổi 33, 34 mà vẫn chưa lấy chồng. Công việc ở đây hầu như là kín không có thời gian tiếp xúc với bên nài. Các cô nói đùa với nhau: anh chàng nào phải can đảm lắm mới lấy vợ ở đây. Họ bảo gắn bó nơi đây âu cũng là cái duyên và đặc biệt không có tấm lòng thì khó mà gắn bó lâu dài được. Một cô giáo trẻ, mới làm ở đây 2 năm tâm sự: “Ngày mới vào mình nhận nhiệm vụ chăm sóc trẻ sơ sinh, có hôm nửa đêm tỉnh dậy, giật mình khi thấy bên cạnh hai đứa trẻ đỏ hon hỏn kêu khóc, hốt hoảng không biết phải làm thế nào, muốn xin nghỉ luôn được. Nhưng rồi nhìn lũ trẻ tội nghiệp quá mình lại nán lại. Giờ thì mình chắc chắn sẽ gắn bó lâu dài với trung tâm vì yêu các cháu lắm”…

Chị Hiền, bí thư chi đoàn lại có kỉ niệm khác: “Mình lập gia đình rồi mới vào làm. Nhưng ban đầu do chưa phân chia công việc hợp lí nên vất vả lắm. Có hôm trực đêm chị phải ẵm cả con nhỏ đi cùng, rồi con khóc trẻ khóc, rối quá chị cũng khóc luôn. Sau dần dần quen, thế rồi gắn bó, xem trẻ như con mình.” Chị bảo công việc ở đây cũng giúp cho mình có nhiều kinh nghiệm chăm nuôi trẻ nhỏ lắm.

Sự tận tâm của họ được đền đáp bằng những thành tích học tập cao của các em học sinh. Hiện nay, trung tâm có 5 em theo học ở các trường đại học lớn như: ĐH Thuỷ Lợi, ĐH Xây Dựng… số lượng các em theo học Cao đẳng, trung cấp cũng rất cao.  Tôi tìm gặp Nguyễn Văn Tình - niềm tự hào của trung tâm. Em vừa được 2 giải trong cuộc thi thể thao của huyện. Suốt 11 năm học, năm nào Tình cũng đạt học sinh tiên tiến. Tình tâm sự: “Giờ đây với em trung tâm là gia đình thực sự. Các cô rất quan tâm và luôn động viên em học tập. Em sẽ cố gắng học tốt để không phụ công ơn các cô”.

Nơi đây đã trở thành một mái ấm thực sự của những mảnh đời cô đơn, không nơi nương tựa. Hiện nay, trên những con phố lớn ta vẫn luôn bắt gặp các em nhỏ hay cụ già lang thang đi ăn xin, nhặt rác, cuộc sống vật vờ bữa đói, bữa no. Vẫn cần lắm những trái tim hồng nâng đỡ những con người bất hạnh để cuộc sống tốt đẹp hơn.

Lê Hương
Lớp Phát thanh K.26
 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN