Đoàn tàu đánh cá về với đất mẹ trong ngày đầu năm mới
(Sóng trẻ) - 5 giờ sáng tại bãi biển Mân Thái (Đà Nẵng), hàng nghìn chiếc thuyền đánh bắt cá nối đuôi nhau cập bến trong không khí tấp nập, khẩn trương, hòa lẫn tiếng cười hân hoan của ngư dân vì thêm một vụ “trúng lớn”. Phiên chợ cá đầu năm mới vì thế mà tràn đầy niềm tin vào một năm sóng yên biển lặng.
Đầy ắp quà tặng từ biển
Sau một kỳ nghì Tết dài, phiên họp chợ cá lại đông vui, tấp nập. Chợ đầu mối diễn ra tại bãi biển Mân Thái, quận Sơn Trà, Đà Nẵng lại náo động và nhộn nhịp với các hoạt động giao thương diễn ra tấp nập. Hàng nghìn thuyền đánh cá đã cập bến mang theo đó là đầy ắp quà tặng từ thiên nhiên trù phú. Tiếng cười giòn tan của những người ngư dân vùng biển vang lên trong những ngày đầu năm mới mang theo đó là hy vọng về một mùa “làm biển” mới thuận lợi hơn.
Tết về trên bãi biển Mân Thái, Đà Nẵng
Tết về trên khắp mọi miền của Tổ Quốc. Trong ánh nắng rực rõ của ngày xuân, hàng trăm thùng hải sản được đưa vào bờ với những nụ cười và cả những giọt mồ hôi đong đầy hạnh phúc. “Nhiều tôm, cua, cá, mực lắm anh ơi. Năm mới mà như ri là vui cả năm rồi” – anh Đỗ Trang Long (thuyền viên tàu ĐNA 921675) hồ hởi.
Đầy ắp những món quà từ thiên nhiên
Để có được những khoang tàu đầy ắp tôm cá, những ngư dân phải đón Tết giữa mênh mông biển khơi. Anh Trần Văn Minh (thuyền trưởng Tàu ĐNA 218767) chia sẻ: “Tết là những ngày long đong trên thuyền cùng với các anh em trên tàu. Tàu chúng tôi đánh bắt xa bờ từ 15-20 ngày mới cập bến, có khi là cả tháng hoặc hơn. Công việc vất vả nhưng cũng nhiều ý nghĩa lắm...”
Ông Đỗ Minh Tòng, thuyền viên trên con tàu ĐNA920797 vừa bê những thùng cá vừa nói chuyện với chúng tôi: “Tết đối với ngư dân chúng tôi là biển đảo quê hương, là mùi mặn từ biển đã gắn bó với chúng tôi. Vất vả nhưng vui lắm chú ạ, nhìn hàng trăm thùng chứa đầy tôm, cua, cá thế này mà chúng tôi thấy Tết trên biển thật ý nghĩa...”
Thiêng liêng hai tiếng “Biển đảo”
Con đường dọc bãi biển Mân Thái trong ngày đầu năm mới ánh lên sắc màu rực rỡ của bình minh. Con đường đầy ý nghĩa mang tên “Hoàng Sa” kéo dài từ cuối đảo Sơn Trà lên đến con đường cắt ngang mang tên “Võ Nguyên Giáp” rồi được nối tiếp với con đường “Trường Sa”.
Nghề đánh bắt cá đã gắn bó với con người nơi đây từ hàng trăm năm nay, là nghề truyền thông cha ông để lại. Không chỉ là nghề mưu sinh, nghề đánh bắt cá còn mang theo đó nhiều ý nghĩa lớn lao hơn cả.
Con đường Hoàng Sa chạy dọc biển Sơn Trà
Ông Đỗ Minh Tòng là thuyền viên trên con tàu ĐNA920797 và đã gắn bó với nghề chài lưới hơn 50 năm. Từ khi còn bé, ông đã được bố mẹ dẫn theo trong những chuyến ra khơi. Đến lúc lớn lên, ông vẫn quyết tâm làm nghề “gắn bó với biển khơi” này. Ông tâm sự: “Nghề này vất vả lắm chú ạ, phụ thuộc vào thiên nhiên nhiều. Hôm biển yên sóng lặng, ngư trường giàu có thì được mùa, có hôm trời biển động suốt ròng rã hơn 2 tháng trời, thuyền đánh cá nằm lại bờ thì có nghĩa là trong 2 tháng đó chúng tôi đói luôn. Thế nhưng, nguy hiểm thế, vất vả thế nhưng chúng tôi vẫn kiên quyết bám biển”.
Anh Trần Văn Minh (thuyền trưởng Tàu ĐNA 218767) tiếp lời ông Tòng: “Ừ, đúng rồi chú ơi, vì biển cả quê hương, chúng tôi sinh ra ở đây thì làm sao bỏ được. Biển cả là của chúng ta, chúng tôi ra khơi để khẳng định chủ quyền biển đảo. Không ra khơi, không có thuyền đánh cá của chúng ta, biển đảo của Việt Nam sẽ chẳng còn là của Việt Nam nữa...”
Không ngại khó khăn, không ngại gian khổ, họ lại tiếp tục cuộc hành trình mới lênh đênh trên biển. Để mang về một “vụ mùa cá” mới và để thực hiện nỗi niềm “yêu biển, yêu Tổ Quốc” của một ngư dân rất đỗi bình thường. Ánh mặt trời đầu năm mới lại ánh lên một sắc hồng rực rỡ.
Nguyễn Việt Nam
Lớp Truyền Hình K31A1
Cùng chuyên mục
Bình luận