Vấn đề đạo đức nghề nghiệp của người làm báo

(Sóng trẻ)- Việc nghiên cứu những phẩm chất nghề nghiệp của người phóng viên báo chí trong bối cảnh hiện nay nhằm góp phần nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn và phẩm chất, đạo đức của những người làm báo. Nó giúp chúng ta nhìn nhận rõ hơn về những ưu điểm và hạn chế trong phẩm chất nghề nghiệp của họ và thông qua đó tìm kiếm những biện pháp để mỗi tác phẩm báo chí gắn liền với lợi ích của nhân dân, của đất nước.

Những đòi hỏi của thực tiễn

Kể từ khi công cuộc đổi mới được khởi xướng, đội ngũ các nhà báo Việt Nam đã phát huy truyền thống và phẩm chất chính trị của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Bản lĩnh chính trị và trình độ nghề nghiệp của đội ngũ các nhà báo ngày càng được khẳng định. Với năng lực, phẩm chất nghề nghiệp sắc bén, họ đã góp phần tổng kết thực tế vận động của cuộc sống, từng bước điều chỉnh chính sách và pháp luật của Nhà nước cho phù hợp với thời kỳ đổi mới; tích cực và dũng cảm đấu tranh chống âm mưu diễn biến hoà bình, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần làm lành mạnh các quan hệ xã hội.

Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, sự nhạy bén giúp cho người phóng viên phát hiện và kịp thời lên tiếng chỉ mặt vạch tên những cái xấu, bênh vực lẽ phải. Lòng trung thực, tinh thần dũng cảm, vững vàng trước mọi cám dỗ, thử thách trở thành điểm tựa chắc chắn cho người phóng viên khi đối mặt với những thế lực xấu. Nhiều tên tuổi nhà báo - nhất là những nhà báo tham gia đấu tranh chống tiêu cực trong những năm vừa qua đã in dấu ấn sâu đậm trong lòng đông đảo công chúng. Nhiều nhà báo đã thể hiện một bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp, trở thành tấm gương đối với đồng nghiệp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường và cơ chế thị trường, vấn đề đạo đức nghề nghiệp của người làm báo đang trở thành một trong những vấn đề bức xúc của nền báo chí nước ta. Trong Đại hội lần thứ VI, Hội Nhà báo Việt Nam (3-1995), các đại biểu đã thông qua “Quy ước đạo đức nghề nghiệp báo chí”.  

Trong hội thảo “Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo” (11-1998), các đại biểu đã lên tiếng cảnh báo hiện tượng vi phạm đạo đức người làm báo và nêu rõ: nhà báo phải thực hiện tốt trách  nhiệm xã hội của mình, có phẩm chất chính trị và giữ vững đạo đức nghề nghiệp. Chúng ta cần có những nhà báo giỏi nghiệp vụ và điều quan trọng hơn nữa là các nhà báo có bản lĩnh và sự nhạy cảm về chính trị có kỷ luật trong thông tin có lương tâm và trách nhiệm - trách nhiệm xã hội trong thông tin.

Việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ những người làm báo cũng chính là nâng cao tính tư tưởng, tính chân thật, tính chiến đấu của các sản phẩm báo chí, hướng nội dung thông tin vào nhiệm vụ trung tâm là phục vụ sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nâng cao đạo đức nghề nghiệp của nhà báo, xét cho cùng cũng chính là nhằm nâng cao trình độ tư duy, phẩm chất chính trị và nghiệp vụ của người phóng viên.

Theo tài liệu của lớp học về đào tạo báo chí ở Đức tại Phân viện báo chí và Tuyên truyền (từ ngày 3-1 đến 8-1-2005) do nhà báo Mai-cơn Mu-sai (Michael Múcheid) giảng dạy, ở nước Đức cũng có những quy định rất cụ thể về vấn đề này. Đây là nội dung gồm 16 điều của “Nguyên tắc báo chí” (Pressekodex) do Hội đồng báo chí Đức nêu ra:

“1. Tôn trọng sự thật, tôn trọng nhân phẩm và đưa tin xác thực tới công luận là những nguyên tắc tối cao của báo chí.

2. Trước khi đưa tin ra công luận bất kỳ tin tức hoặc thông tin nào, dưới dạng lời hoặc hình ảnh, đều phải kiểm tra tính xác thực của chúng với một sự cẩn trọng mà hoàn cảnh cho phép.

3. Sau khi phát hiện được rằng những thông tin hoặc nhận định nào đó, đặc biệt là những thông tin có liên quan tới người cụ thể, mà mình đã đưa tin ra công luận là sai, thì cơ quan báo chí phải chủ động và ngay lập tức đính chính lại theo một hình thức phù hợp.

4.Khi thu nhập dữ liệu, thông tin, tin tức và hình ảnh liên quan tới con người cụ thể, không được áp dụng các phương pháp không trung thực.

Phải đảm bảo nguyên tắc giữ bí mật như đã thoả thuận.

6.Mỗi người làm việc trong lĩnh báo chí đều có nghĩa vụ bảo vệ uy tín của toà báo. Các phóng viên, biên tập phải hết sức ý thức về bí mật nghề nghiệp, phải sử dụng quyền từ chối cung cấp chứng cứ và không báo về người đã cung cấp thông tin cho mình nếu không có sự đồng ý rõ ràng của người này.

7.Trách nhiệm của toà báo đối với công luận đòi hỏi rằng việc đưa tin không chịu tác động bởi lợi ích cá nhân hay lợi ích kinh tế của người thứ ba hoặc phóng viên. Nhà xuất bản và ban biên tập phải ngăn chặn những ý đồ kiểu như vậy và phải đảm bảo sự tách bạch rõ ràng giữa nội dung tin tức và quảng cáo.

8.Báo chí phải tôn trọng đời tư và lĩnh vực riêng tư của con người. Tuy nhiên nếu hành vi cá nhân của một người nào đó động chạm tới lợi ích cộng đồng, thì những trường hợp riêng rẽ đó có thể được đưa ra trao đổi trên báo. Tuy nhiên cần lưu ý xem việc làm đó có vi phạm quyền cá nhân của những người không liên quan hay không.

Báo luôn tôn trọng quyền tự quyết về thông tin và đảm bảo bảo vệ dữ liệu biên tập.

9.Việc công bố những nhận định không cơ sở, hoặc những lời buộc tội, đặc biệt là những gì làm tổn hại thanh danh người khác là ngược với đạo đức của người làm báo.

10.Việc đưa tin bằng lời hoặc hình ảnh mà hình thức hoặc nội dung của nó có thể làm xúc phạm tới tình cảm đạo đức hoặc tôn giáo của bất kỳ nhóm người nào đều là ngược với trách nhiệm của báo chí.

11.Báo chí không đưa những tin giật gân về bạo lực và sự tàn bạo. Phải quan tâm tới vần đề bảo vệ thanh thiếu niên khi viết bài và đưa tin.

12.Không được phép kỳ thị bất kỳ người nào vì giới tính, chủng tộc, dân tộc, tôn giáo và tầng lớp xuất thân của họ.

13. Việc đưa tin về các quy trình điều tra, các vụ án hình sự và vụ việc khác phải được tiến hành không có định kiến. Báo chí vì vậy nên tránh thể hiện quan điểm có định kiến (cả trong trình bày lẫn tiêu đề) trước hoặc trong quá trình xử lý vụ việc. Trước khi có phán quyết của toà không được phép coi người bị tình nghi là người có tội. Nếu không có lý do quan trọng thì không nên đưa tin trước khi toà án công bố phán quyết.

14.Khi đưa tin về các chủ đề y tế nên tránh cách trình bày gây kích động không cần thiết, tạo ra ở độc giả những lo lắng hay hi vọng không có căn cứ. Các kết quả nghiên cứu hiện còn trong giai đoạn mới không nên trình bày là đã hoặc gần hoàn thành.

15. Việc nhận và cho những ưu đãi thuộc mọi loại thể, mà những ưu đãi này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới sự tự do trong quyết định của nhà xuất bản và ban biên tập, là hoàn toàn không phù hợp với uy tín, tính độc lập và nhiệm vụ của báo chí. Người nào nhận hối lộ để rồi đưa tin hoặc ngăn ngừa việc đưa tin đều là hành động không trung thực và đi ngược lại đạo đức nghề nghiệp của mình.

16. Việc một cơ quan báo chí, đặc biệt là cơ quan báo chí bị khiển trách, in công khai lời khiển trách của Hội đồng báo chí Đức đối với mình, chứng tỏ rằng cơ quan đó làm việc nghiêm túc”.


Việc nhấn mạnh vấn đề đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo không thể tách rời với vấn đề quan điểm, lập trường và sự hiểu biết về luật pháp của họ.

Trong bối cảnh của xã hội hiện đại, sự hiểu biết luật pháp của nhà báo là cực kỳ quan trọng. Có thể lấy ví dụ bằng Điều 49 của Luật Liên bang Nga “Về các phương tiện thông tin đại chúng”. Theo đó, các nhà báo phải:

“- Kiểm tra độ xác thực của thông tin mình đưa ra; thoả mãn yêu cầu của những cá nhân cung cấp thông tin về việc nêu rõ nguồn tin cũng như tác giả có lời nói được trích dẫn, nếu lần đầu tiên được công bố;

-Giữ bí mật thông tin và nguồn tin;

-Nhận được sự đồng ý của chính các cá nhân hoặc đại diện hợp pháp của họ (trừ trường hợp đặc biệt, khi phải bảo vệ lợi ích xã hội) về việc phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng đời sống riêng tư của công dân;

-Khi thu nhận tin tức từ các công dân hoặc quan chức phải cho họ biết về việc ghi âm, thu băng video, quay phim và chụp ảnh;

-Phải thông báo cho Tổng biên tập toà soạn biết về các khiếu kiện có thể xảy ra và các đòi hỏi về mặt luật pháp liên quan tới việc cho đăng hay phát tin bài của mình;

Từ chối công việc do Tổng biên tập hoặc lãnh đạo toà soạn giao nếu việc thực hiện công việc đó vi phạm luật pháp;

-Xuất trình khi hoạt động nghiệp vụ giấy giới thiệu của toà soạn hoặc loại giấy tờ khác chứng nhận về bản thân và quyền hạn của nhà báo;

-Nhà báo cũng chịu các trách nhiệm khác theo các quy định trong Luật Liên bang “Về các phương tiện thông tin đại chúng”;

-Khi thực hiện hoạt động chuyên môn, nhà báo có nghĩa vụ phải tôn trọng các quyền, lợi ích hợp pháp, danh dự, nhân phẩm của công dân và các tổ chức”.[1]

Ở nước ta, Luật Báo chí đã được Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 28/12/1989 và đã được sửa đổi, bổ sung ngày 12/6/1999 gồm 7 chương, 30 điều. Sau đó, Chính phủ đã ra Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật báo chí (ngày 26/4/2002). Đó là những cơ sở pháp lý để nhà báo thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình.

Như đã nêu ở trên, năm 1995, Hội nhà báo Việt Nam đã nêu ra “10 điều đạo đức nhà báo”, cụ thể như sau:

1.Mục tiêu cao cả của báo chí Việt Nam là phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhà báo hoạt động trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng hướng về mục tiêu cao cả đó.

2.Báo chí thực hiện quyền thông tin của nhân dân. Nhà báo phải khách quan, trung thực, tôn trọng sự thật. Mọi thông tin đưa ra công luận phải phản ánh đúng bản chất sự thật khách quan trong bối cảnh xã hội của nó, tuyệt đối không được xuyên tạc hoặc cường điệu sự việc, sự kiện. Nhà báo có trách nhiệm cung cấp cho công chúng hình ảnh chân thực, đúng bản chất về quá trình của sự kiện và tình huống được thông tin, thông qua đó hướng dẫn dư luận.  

3.Báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu với đời sống xã hội, là công cụ văn hoá. Nhà báo tôn trọng và thực hiện tự do báo chí, chịu trách nhiệm trước xã hội, trước nhân dân và tự do hành nghề trong khuôn khổ luật pháp. Nhà báo thực hiện đúng tôn chỉ của cơ quan báo chí; không vì bất kỳ sức ép nào mà làm trái mục tiêu cao cả của báo chí Việt Nam, đi ngược lại lợi ích của đất nước.

4.Cùng với quyền tự do thông tin, thực hiện quyền trả lời và quyền cải chính trên báo chí là một nguyên tắc cấu thành tự do dân chủ báo chí. Nhà báo có quyền kiên trì quan điểm và thông tin đúng đắn của mình, nhưng tôn trọng quyền trả lời và quyền cải chính của công dân theo đúng luật pháp.

5.Nhà báo có nghĩa vụ bảo vệ nguồn tin và giữ bí mật do người khác cung cấp, phù hợp với luật pháp.

6.Báo chí Việt Nam phát huy văn hoá dân tộc đồng thời tôn trọng các nền văn hoá khác và những giá trị tinh thần phổ biến của loài người: phấn đấu vì đại đoàn kết dân tộc, vì hoà bình hữu nghị, hiểu biết giữa các dân tộc và quốc gia trên thế giới.

7. Nhà báo góp phần phát triển lợi ích cộng đồng, tôn trọng quyền con người, không lợi dụng thông tin để xúc phạm nhân phẩm và làm thiệt hại đến lợi ích người khác.

8.Nhà báo luôn luôn giữ phẩm chất trong sáng, không vụ lợi. Tuyệt đối không vì lợi ích cá nhân mà cố tình công bố hoặc bỏ qua không công bố một thông tin. Nhà báo không được dùng uy tín của mình để trục lợi.

9.Nhà báo tôn trọng chính kiến và quan điểm xã hội, nghề nghiệp của đồng nghiệp; đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau trong hoạt động và đời sống; đấu tranh không khoan nhượng chống mọi hành vi làm tổn hại đến đất nước, lợi ích nhân dân và trái với đạo đức báo chí.

10.Nhà báo sống lành mạnh, văn minh, khát khao học hỏi, khiêm tốn cầu tiến bộ. Nâng cao bản lĩnh, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của mình là ước vọng và sự phấn đấu suốt đời của người làm báo.


Đạo đức nhà báo gắn liền với phẩm chất nghề nghiệp

Đạo đức nhà báo phải được đặt trên cơ sở của những phẩm chất nghề nghiệp của người phóng viên báo chí. Những phẩm chất này được biểu hiện qua các mặt sau đây:

-Tính khoa học

Một trong những đặc điểm nổi bật của phẩm chất nghề nghiệp của người phóng viên là tính khoa học. Tính khoa học của tư duy báo chí tạo ra cho người phóng viên có khả năng lựa chọn những dữ kiện để phân tích, đánh giá thực tiễn một cách đúng đắn, hợp lý. Tính khoa học xét cho cùng chính là năng lực tư duy lý luận của người phóng viên báo chí. Nó giúp cho người phóng viên có thể nhìn thấy bản chất của các sự kiện, hiện tượng trong quy luật vận động của nó.

-Tính chính trị

Nghề báo là một nghề thuộc lĩnh vực chính trị - xã hội thông qua hoạt động nghiệp vụ. Tư duy báo chí thể hiện rõ tính chính trị. Nó cho phép người phóng viên có thể xác định vị trí chính trị của mình trong quá trình thông tin. Trong thực tế của hoạt động báo chí, tính chính trị luôn chi phối toàn bộ quá trình hoạt động sáng tạo tác phẩm của người phóng viên - kể từ việc lựa chọn chủ đề, đề tài đến các hoạt động thực tiễn khác như phỏng vấn, quan sát, nghiên cứu tài liệu…

Có thể nói tính chính trị là một đặc điểm gắn liền với hoạt động tư duy báo chí. Nó đòi hỏi người phóng viên phải luôn luôn xác định vị trí chính trị của mình trong quá trình thông tin về sự thật. Chính vị trí đó sẽ chi phối nội dung và cách thức thông tin, gắn liền với thái độ chính trị của người phóng viên và tờ báo của họ.

Tư duy chính trị luôn luôn chi phối toàn bộ quá trình hoạt động sáng tạo tác phẩm của người phóng viên - từ việc lựa chọn chủ đề, đề tài cho đến hoạt động thực tiễn (phỏng vấn, quan sát, nghiên cứu tài liệu…) và nhất là trong việc thể hiện tác phẩm báo chí. Cùng phản ánh một sự kiện, vấn đề nhưng hai phóng viên có quan điểm chính trị khác nhau sẽ có cách phản ánh hoàn toàn khác nhau.

Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, nghề làm báo cũng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Nó vừa phải đáp ứng được nhu cầu của số đông độc giả thuộc nhiều đối tượng khác nhau, đồng thời lại phải luôn giữ vững được định hướng chính trị trực tiếp trong quá trình thông tin. Do đó, có thể nói thông tin trên báo chí là một nghệ thuật, đòi hỏi sự kết hợp hài hoà giữa nhiều yếu tố, nhu cầu, thị hiếu và sở thích. Làm báo là một nghề đòi hỏi trình độ rất cao về nhiều mặt, gắn liền với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ thông tin hiện đại.

Bản lĩnh chính trị vững vàng là một yêu cầu không thể thiếu đối với mỗi người phóng viên báo chí hiện nay. Khác với báo chí trong cơ chế thị trường tư bản chủ nghĩa, báo chí của chúng ta phải làm tốt chức năng thông tin giáo dục vận động và tổ chức quần chúng thực hiện những nhiệm vụ của Đảng. Nhà báo phải năng động trong nền kinh tế thị trường, phấn đấu tăng nguồn thu nhưng không hạ thấp tính chiến đấu của báo chí; tích cực và chủ động hội nhập với thế giới nhưng vẫn giữ vững bản sắc người phóng viên báo chí cách mạng.

- Sự nhạy cảm nghề nghiệp

Sự nhạy cảm nghề nghiệp cũng được coi là một trong những phẩm chất nghề nghiệp quan trọng trong hoạt động sáng tạo của người phóng viên báo chí hiện nay. Nhạy cảm để phát hiện những nhân tố mới, điển hình mới. Nhạy cảm để nhận ra đúng bản chất đích thực của những vấn đề, con số, sự kiện… Người phóng viên khi thông tin phải luôn tỉnh táo và có sự nhạy cảm nghề nghiệp. Sự nhạy cảm trong tư duy báo chí giúp cho người phóng viên có thể nhanh chóng nhận biết, nắm bắt được những quy luật vận động của đời sống và thông tin về nó đảm bảo các yêu cầu khách quan, thời sự và tính định hướng.

Có thể khẳng định nhạy cảm nghề nghiệp là một yêu cầu quan trọng đối với phẩm chất cần có của một nhà báo. Thực tế cho thấy rằng, thông tin dù có tính chân thật cao nhưng còn phải xem thông tin đó có lợi hay hại. Đã có rất nhiều thông tin khi được ra mặt báo rất chính xác nhưng có hại cho xã hội, thiệt hại cho nhân phẩm con người hoặc cho nền kinh tế đất nước. Như vậy, tuy tin tức đưa ra là hoàn toàn đúng, nhưng đúng mà không có lợi thì vẫn chưa đủ. Chính vì thế mà nhà báo phải luôn tỉnh táo và phải biết quan tâm đến cái lợi, cái hại của mỗi thông tin trước khi quyết định truyền đi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Vốn tri thức phong phú

Trong thời đại bùng nổ thông tin, một trong những yêu cầu nóng bỏng đang đặt ra đối với người phóng viên báo chí nước ta là phải có vốn tri thức phong phú. Có thể coi đây là một trong những yêu cầu khách quan, đòi hỏi sự nỗ lực của mỗi phóng viên nếu họ muốn vươn lên trong xu thế khu vực hoá và toàn cầu hoá mạnh mẽ như hiện nay.

Từ khi đổi mới, nhà báo phải tự trang bị mình cho các phương tiện nghiệp vụ hiện đại và nhất là phương pháp hoạt động thực tiễn ngày càng tích cực và hiệu quả hơn để thích ứng được với sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt đó. Điều đó cho thấy năng lực hoạt động thực tiễn của người phóng viên ngày càng trở thành một trong những yêu cầu quan trọng trong phẩm chất nghề nghiệp của họ.

Những tác động của cơ chế thị trường vào báo chí tạo ra những tiền đề khách quan cho việc phát triển năng lực nghề nghiệp của người phóng viên báo chí trong bối cảnh của đời sống báo chí hiện đại.

Cũng cần phải nhấn mạnh rằng: trong bối cảnh hiện nay, nài những phẩm chất nêu trên, những người làm báo Việt Nam còn phải có sự năng động, linh hoạt thâm nhập cuộc sống để phản ánh những điển hình và nhân tố mới. Đồng thời, họ còn phải có tinh thần dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, chống lại cái xấu, cái ác...  

Nói tóm lại, việc nghiên cứu những phẩm chất nghề nghiệp của người phóng viên báo chí trong bối cảnh hiện nay là nhằm đáp ứng một đòi hỏi cấp bách của thực tiễn đời sống báo chí nước ta hiện nay. Công việc này vừa có tính lý thuyết, đồng thời mang tính thực tiễn cao nhằm góp phần nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn và phẩm chất, đạo đức của những người làm báo. Nó giúp chúng ta nhìn nhận rõ hơn về những ưu điểm và hạn chế trong phẩm chất nghề nghiệp của họ và thông qua đó tìm kiếm những biện pháp khắc phục thích hợp và hiệu quả để lao động của nhà báo gắn liền với lợi ích của nhân dân, của đất nước.

Lam Thanh

 CHÚ THÍCH:


(1) A.A. Chertưchơnnưi, Báo chí điều tra, Nxb Thông tấn, Hà Nội, 2004. Tr. 378, 379.

                                                                                                                       

 

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN