Về bài thơ “Đôi mắt” trên Sóng trẻ

(Sóng trẻ) - Điều mà Hoài Thanh e ngại nhất khi viết xong cuốn Thi nhân Việt Nam, là ông sẽ bị gọi là nhà phê bình bởi “bình” thì được chứ sao lại “phê”. Dẫu vậy, Thi nhân Việt Nam đã đưa Hoài Thanh lên vị trí của một nhà phê bình văn học uyên bác và tinh tế.


Tôi không hy vọng sau này mình sẽ là một nhà phê bình, nhưng vẫn mong muốn được coi Hoài Thanh là một người thầy. Và đã là học trò thì việc mở đầu một bài viết có chút hơi hướng bình thơ thì sự xuất hiện của người thầy cũng là hợp lẽ. Hoài Thanh bình thơ vì trái tim say mê văn học, còn tôi chia sẻ quan điểm của mình về “Đôi mắt” với tư cách là một người bạn, cũng là một người yêu thơ.

Tôi biết tác giả là ai, nhưng có lẽ không tiện nói ở đây. Tôi chỉ thắc mắc đôi điều, trong đó có bút danh mà tác giả tự đặt cho mình “Gió hạ”. Hiểu thế nào cho phải về một bút danh vốn chẳng có gì đặc biệt nếu người ta coi nó bình thường. Gió của mùa Hạ, gió cho mùa Hạ hay gió và mùa Hạ. Thông thường khi quan hệ từ bị lược bớt thì cũng đồng nghĩa có một câu hỏi đang bỏ ngỏ. Câu hỏi cháy bỏng da diết như mùa Hạ, câu hỏi có giá trị như những cơn gió mát mùa hè hay câu hỏi của sự thôi thúc tình cảm đang chất chứa trong lòng. Tôi không biết tác giả có ý đấy không, nhưng nếu được hỏi tác giả đã thành công điều gì nhất ở bài thơ này, tôi sẽ không ngần ngại mà trả lời, đó là bút danh.

Sự thực mà nói “Đôi mắt” là một bài thơ bình thường theo đúng nghĩa văn chương, nếu không muốn nói là vội vàng, có chút cẩu thả câu từ. Nhưng nó là một bài thơ “lạ”, mà ở đời, phàm của “lạ” mới là cái có nhiều điều để bàn luận. Có thể tác giả sẽ phản bác, bài thơ này đã được ấp ủ từ lâu chứ chẳng phải viết cho nhanh như điều tôi nói. Tuy nhiên tôi tin rằng không có cái cảnh sinh tình, có môi trường để làm dung môi văn học, thì một nhà thơ muốn “xuất khẩu” cũng khó như bắc thang lên trời vậy. Tác giả lại không mấy khi thấy làm thơ hay đam mê văn học  thì cái khó lại còn nhân lên gấp bội.

Thế nên, tác giả có lẽ đã ép mình phải làm một bài thơ dẫu nó có khởi nguồn từ chính những cảm xúc thật lòng, của một tâm hồn luôn ắp đầy tâm sự những điều muốn nói. “Đôi mắt” đó, có thể đã ấn tượng từ lâu nhưng chỉ có “chiều nay” nó mới khiến tác giả phải viết một bài thơ dẫu khi đọc người ta thừa biết tác giả không phải là người có khiếu văn chương. 

“Đôi mắt”-  bài thơ “mỏi mắt” không tìm thấy vần, thấy nhịp, “đau đầu” cũng không thấy sự hài hòa, logic đoạn thơ. Thơ tự do có thể không quá quan trọng vần nhưng nhịp thơ thì là cái không thể thiếu. Tiếc thay vì một lý do nào đó, tác giả đã làm mất đi hoặc chưa tạo được nhịp điệu bài thơ. Mà thơ không nhịp thì có khác chi khuông nhạc chỉ độc tôn một nốt. Cách mà tác giả triển khai tứ thơ, ý thơ của mình cũng có vấn đề. Theo trật tự thời gian tuyến tính ư? Chắc không phải! Theo logic vấn đề ư? Không! Theo mạch nguồn cảm xúc ư? Càng không! Thế thì chỉ có thể giải thích tác giả viết vậy vì tác giả thích vậy. Mở đầu bằng một câu hỏi rồi đi đến nhận định cá nhân. Một mở đầu hấp dẫn, nhưng thật như “đá rơi giữa trời”, ngay đầu đoạn hai tác giả vụng về trong việc đưa ý kiến của “người ta” – trong tiếng Việt người ta thường để chỉ một cách chung chung những người không có mối quan hệ thân thiết. Mà đã không thân thiết thì việc biết được đôi mắt đấy “lạnh lùng, tàn nhẫn” như tác giả nói dường như là điều không tưởng.

Dẫu là vậy, nhưng bài thơ lại “ghi điểm” bằng chính thông điệp mà có thể còn là tâm tư mà tác giả muốn truyền tải, gửi gắm. Đôi mắt là đối tượng của sự khao khát trong lòng nhân vật “em”, cũng là đối tượng để nhân vật “em” muốn chinh phục, muốn sở hữu, và hơn cả là muốn sáng tỏ. Với nhân vật “em”, “đôi mắt” mang đến cả tình yêu, sự bình yên lẫn nỗi sợ hãi, sự tủi hờn. Đôi mắt xa mà gần, gần mà xa. 

Đôi mắt của nhân vật “anh”, nài đời có thể hoàn toàn xấu hoặc đẹp, có thể dung dị bình thường cũng có thể lạnh lùng tàn nhẫn. Nhưng điều đó, trong văn học không còn quan trọng, những cảm nhận của nhân vật “em” là điều kiện đủ để người ta thấy rằng “cửa sổ của tâm hồn” không hề đơn giản như chúng ta nghĩ. Ánh mắt là thiên nhiên, là ánh nắng ban mai, là hoàng hôn lúc chiều tà, mà ai đã say nó, khó lòng nào có thể gỡ bỏ. Nhân vật “em” đã say ánh mắt đó, hiểu như vậy chúng ta sẽ bỏ qua cho những thô vụng mà bài thơ còn tồn tại để lưu giữ nó như một bài thơ "lạ" mà ta vô tình đọc được. Và một bài thơ "lạ" liệu có khi nào "bén rễ" từ một tình yêu "lạ"?

EO: Queen of the night

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật5 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN