Phóng viên Đoàn Bổng và những kỷ niệm khó quên với Khoa Phát thanh - Truyền hình

(Sóng trẻ) – Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Khoa Phát thanh – Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), BBT Sóng trẻ đã có cuộc trò chuyện với anh Nguyễn Đình Đoàn Bổng – cựu sinh viên lớp Báo mạng điện tử K32, để nghe anh kể về những ký ức tươi đẹp khi còn là sinh viên của Khoa Phát thanh – Truyền hình.

Khoa Phát thanh – Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền – nơi nuôi dưỡng biết bao thế hệ sinh viên, những con người có đóng góp lớn trong sự nghiệp báo chí Cách mạng Việt Nam. Nguyễn Đình Đoàn Bổng – cựu sinh viên lớp Báo mạng điện tử K32 là một trong những sinh viên xuất sắc, trưởng thành từ Khoa Phát thanh – Truyền hình. Hiện anh Bổng đang là Phóng viên Ban Thời sự, báo điện tử VietNamNet – một tòa soạn  lớn và uy tín. Nhân dịp hướng tới Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Khoa, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với anh Đoàn Bổng để lắng nghe những chia sẻ thú vị của anh về thời sinh viên. 

b14ee10b3_4822032_1377081575778895_1732862825392504832_n.jpg

Phóng viên Đoàn Bổng tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa

Phóng viên: Chào anh Đoàn Bổng, anh có thể chia sẻ cơ duyên gắn bó của mình với Khoa Phát thanh – Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền?   

Anh Đoàn Bổng: Tôi theo học về khối xã hội, nên thời học phổ thông không có quá nhiều lựa chọn ngành Đại học. Trong giai đoạn chọn trường, chọn ngành làm hồ sơ dự thi, tôi được bố tư vấn và động viên, rằng: "Bố thấy con có khả năng viết lách, nên chọn học trường Báo sẽ phát huy được lợi thế, mà xác định thi trường này thì phải chọn ngành khó và thử thách nhất". Rồi tôi quyết định chọn ngành Báo mạng điện tử thuộc khoa Phát thanh - Truyền hình.  Có thể nói, từ đầu khi bố phát hiện khả năng viết lách, đến ngày tôi nhập học tại Học viện, với tôi nghề báo vẫn còn rất mơ hồ, khác nhiều với những gì tôi nghĩ trước đó. 

Tôi đến với Học viện, đến với Khoa đầy cơ duyên như thế, trong quá trình học, ra làm nghề, tự chăm lo cho gia đình, bản thân từ những đồng nhuận bút viết báo, tôi cảm thấy mình thật may mắn để rồi tôi không bao giờ quên những kỉ niệm đẹp thời sinh viên. Dù sau này cuộc sống nhiều đổi khác, nghề nghiệp có khá nhiều khó khăn, nguy hiểm nhưng tôi luôn tự hào về mình đã từng là một sinh viên Báo chí, là một phần của Khoa Phát thanh - Truyền hình.

Phóng viên: Khoa Phát thanh - Truyền hình có nhiều chuyên ngành, anh có thể chia sẻ lý do khi đến với Báo mạng điện tử? Đến thời điểm hiện tại, sau khi làm việc lâu dài ở một tòa soạn lớn, uy tín, như VietNamNet, anh thấy lựa chọn vào ngành học này đã hỗ trợ anh nhiều như thế nào?

Anh Đoàn Bổng: Lý do chính khiến tôi chọn học Báo mạng điện tử thời điểm đó là để hy vọng sau khi ra trường sẽ có một công việc ổn định, thu nhập tốt. Vì thời điểm ấy, với lực học của một học sinh trường "làng", học lực trung bình, việc đến với học báo mạng là một mục tiêu rất cao mà bản thân tôi phải cố hết sức. Vì mục tiêu cao, càng lôi cuốn tôi  khao khát đạt được. Nài ra, thời điểm đăng kí dự thi, mạng xã hội, internet đang phát triển khá mạnh, len lỏi vào đời sống ở vùng nông thôn tôi ở. Lý do chọn báo mạng cũng một phần xuất phát từ đó, để bắt kịp với xu thế của xã hội.  Còn nếu nói chọn báo mạng vì hiểu rõ về ngành học này thì thú thật, tôi chưa biết nhiều, quyết định thi, rồi đỗ và chịu khó học hỏi để hoàn thiện bản thân, nắm chắc về chuyên ngành đang học để theo đuổi công việc được đào tạo.  

Cho đến hiện tại, sau nhiều năm hoạt động nghề nghiệp tại VietNamNet, từ những mẩu tin nhỏ đến bài viết dày công thực hiện, từ cách xử lý video, hình ảnh, đồ họa (gọi chung là media), tất cả, tôi đều mang kiến thức từ Học viện, từ chuyên ngành của Khoa để ứng dụng, rồi phát triển, tự sáng tạo trên nền tảng kiến thức ấy.  Với tôi, cái tôi nhận được nhiều nhất bên cạnh những bài học làm nghề là sự nhiệt huyết mà các giảng viên đã truyền cho tôi, kích thích khả năng sáng tạo tác phẩm báo chí ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Môi trường năng động mà tập thể Khoa mang đến, đã giúp tôi tự tin, mạnh mẽ và quyết liệt hơn khi tiếp cận các đề tài báo chí. Quyết định chọn báo mạng điện tử với tôi luôn là một sự lựa chọn đúng đắn, giúp mở ra những chân trời mới trong cuộc đời của mình.

b14ee10b3_70605841_455415908516334_8004825283095953408_n.jpg
Phóng viên Đoàn Bổng tác nghiệp tại vùng lũ Hà Giang

Phóng viên: Ở Học viện hiện nay có 2 luồng ý kiến về việc học và thực hành khi đang ngồi trên giảng đường. Nhiều bạn sinh viên cho rằng, chỉ nên chuyên tâm học, không tham gia các hoạt động đoàn, đội để hy vọng ra trường với một tấm bằng đẹp. Nhiều bạn lại cho rằng, cần tham gia nhiều hơn các hoạt động đoàn, đội sinh viên và tham gia câu lạc bộ nghiệp vụ để học hỏi kinh nghiệm. Anh nghĩ sao về những ý kiến trên và với anh, việc rèn luyện nghiệp vụ từ thời sinh viên quan trọng như thế nào?

Anh Đoàn Bổng: Thật ra, việc học tại Học viện và sinh hoạt trong trường thế nào là do nhận định  và sự lựa chọn riêng mỗi người, câu chuyện ở đây theo tôi rất khó định lượng đúng hay sai bởi trong cuộc sống không cho ta quá nhiều sự lựa chọn cùng lúc, được cái này sẽ mất cái kia.  Cá nhân tôi, tôi ủng hộ việc tham gia nhiều hoạt động nghiệp vụ, các hoạt động đoàn tại Học viện. Hiệu quả của việc này có thể không tác động tức thì, nhưng sau này, dần dần tôi hiểu, từ những bài học thực hành, những trải nghiệm thời sinh viên đã cho tôi những vốn sống nhất định, đặc biệt, nó giúp kĩ năng giao tiếp, khả năng tự tin bày tỏ ý kiến trước đông người hay đơn giản chỉ là 1 nhân vật tôi sẽ phỏng vấn. Rất may mắn cho sinh viên Khoa Phát thanh - Truyền hình khi các chuyên ngành đều được Khoa tạo các "sân chơi" nghiệp vụ như Truyền hình STV hay báo mạng tôi học là Sóng trẻ News. 

Thời điểm sinh viên, tôi có 3 mục tiêu chính, một trong số đó là được đặt chân vào trang tin Sóng trẻ. Rồi sau 2 lần thi trượt, tôi chính thức là một phần của Sóng trẻ, được làm báo thời sinh viên mà theo một giảng viên của Khoa nói với tôi rằng: "Ở Sóng trẻ các em được học nghề, được sáng tạo và có một điều rất đặc biệt, đó là ở Sóng trẻ em được phép sai và sửa sai".

Phóng viên: Theo như chia sẻ của anh, phóng viên cảm nhận anh có một quãng sinh viên rất nhiều trải nghiệm, kỉ niệm đẹp và ý nghĩa. Anh có thể kể về một kỷ niệm đáng nhớ nhất khi còn theo học ở khoa Phát thanh – Truyền hình?

Anh Đoàn Bổng:  Ở Khoa Phát thanh - Truyền hình với tôi nếu kể về kỉ niệm thì quá nhiều, và muốn kể thật nhiều, nài những câu chuyện làm báo thời sinh viên, tôi ấn tượng và biết ơn những tình cảm mà các thầy, cô trong Khoa đã dành cho tôi. Tôi may mắn được cô Phương Lan, giảng viên chủ nhiệm lớp quan tâm, động viên từ việc học đến những câu chuyện gia đình, những biến cố gia đình có lúc khiến tôi tiêu cực. Kỉ niệm vui nhất mà giờ tôi nhớ với cô là có lần viết nhầm cả họ của cô (cô cười). 

Một kỷ niệm rất đẹp ở Khoa, tôi nhớ mãi giờ phút trước khi tôi ra trường, tôi có cuộc gặp chân tình với PGS.TS. Nguyễn Thị Trường Giang tại phòng làm việc của cô. Tôi cảm nhận, cô biết và hiểu những mục tiêu thời sinh viên của tôi, dù có cái tôi đạt được, có những mục tiêu còn nhiều tiếc nuối. Cô động viên rằng, cuộc sống đôi khi không trọn vẹn một chút, không hoàn hảo hay tiếc nuối cũng là một động lực để chúng ta hoàn thiện bản thân hơn trong tương lai. Rồi, có khi ta cảm ơn những thất bại trong quá khứ. Rồi ra trường, tôi vẫn sống với suy nghĩ không bao giờ tự bằng lòng với những gì mình đang có, tôi làm mọi việc với sự hứng khởi và nhập cuộc bằng lòng say nghề như cô vẫn nhắc nhở các thế hệ sinh viên.

b14ee10b3_70764235_429953827879878_4565386253796638720_n.jpg

Nguyễn Đình Đoàn Bổng: "Mở đầu cho những khoảnh khắc về Trường Sa, tôi muốn "khoe" cô giáo của mình - PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang - Trưởng Khoa Phát thanh - Truyền hình - Học viện BCTT. Chắc nhiều người sẽ hiểu cảm xúc của tôi khi nhiều năm về trước, tôi gặp cô khi còn là một tân sinh viên, rồi một ngày thật duyên, hai cô trò cùng trên một chuyến tàu đến với Trường Sa".
Phóng viên: Nhiều sinh viên hiện nay vẫn mơ hồ về việc làm cách nào để được cộng tác với một tờ báo và cọ xát với thực tế. Chắc hẳn anh cũng từng trải qua cảm giác ấy, với những gì đã trải qua, anh có thể chia sẻ một số kinh nghiệm hay lời động viên gửi đến các bạn sinh viên đang theo đuổi ngành báo chí, đặc biệt là báo mạng điện tử?  

Anh Đoàn Bổng: Câu hỏi của bạn rất đúng, tôi và nhiều bạn bè từng trải qua thời kì khủng hoảng khi không thể tập trung nghĩ đựơc đề tài để viết, và làm sao để cộng tác. Thật ra, kinh nghiệm của cá nhân tôi, tôi thấy rằng, để cộng tác hay thực hành, trước hết các bạn sinh viên cần chứng minh được niềm yêu thích viết báo, vì không ai đòi hỏi một - hai ngày hay 1-2 năm là sẽ viết giỏi, viết chắc được ngay, nhưng thái độ của chúng ta với công việc, nó thể hiện và tạo dựng niềm tin cho người khác về việc có hoặc không theo đuổi dài lâu với nghề báo.  Khi chúng ta có niềm yêu thích, thì bằng nhiều cách, chúng ta sẽ đọc, học và nghiền ngẫm về những gì ta quan tâm. Mà không ai khác, thầy cô và các anh chị sinh viên là người chắp cánh cho những ước mơ, dù nhỏ nhắn.  Như câu chuyện của tôi khi đến VietNamNet, bắt đầu từ một cuộc điện thoại của cô Xuân Hòa, cô gợi ý vào kiến tập ở Tòa soạn để trải nghiệm, rồi từ cuộc gọi ấy, tôi gắn bó với VietNamNet cho đến hôm nay. Tôi có một lời khuyên nhỏ thôi, rằng với những người hoạt động báo chí, phần lớn đều rất cởi mở và nhiệt thành hỗ trợ, điều quan trọng là chúng ta hãy chủ động, mạnh dạn mở lời với lòng say sưa, còn kết quả thì chúng ta hãy tự cảm nhận.  

Phóng viên: Sắp tới, Khoa Phát thanh - Truyền hình tổ chức lễ kỉ niệm 40 năm thành lập, anh có muốn gửi một lời chúc hay cảm xúc trong không khí sự kiện trọng đại này?

Anh Đoàn Bổng: Tôi rất vui và tự hào, đặc biệt trong những ngày này. Tôi ra trường nhiều năm, nhưng mỗi lần về Khoa hay nhắc nhở đến, tôi đều xem công việc của nơi đây như câu chuyện của gia đình vậy. Rất ấm cúng và trân quý tình nghĩa thầy trò. Mong muốn Khoa sẽ ngày càng lớn mạnh, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên năng động, chất lượng và giàu lòng yêu nghề như những gì Khoa đã, đang và sẽ làm ở chặng đường phía trước. Còn nhiều nữa, nhưng tôi để dành cho ngày 29/9, ngày hội ngộ của thầy trò Khoa Phát thanh - Truyền hình với chặng đường 40 năm.

Rất cảm ơn anh đã tham gia buổi phỏng vấn, chúc anh luôn thành công trong công việc và mãi nhớ về ngôi nhà chung – Khoa Phát thanh- Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Nguyễn Thương - Nguyễn Sơn

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN