Về Thái Bình gặp người “vẽ” Bác Hồ bằng gốm
(Sóng trẻ) - Không chọn chất liệu sơn dầu, cũng không chọn màu nước, họa sĩ Hoàng Công Tản đã phải lòng với gốm và quyết định đưa chất liệu này vào những tác phẩm của mình. Đặc biệt hơn, chỉ trung thành với đề tài Bác Hồ, họa sĩ đã cho ra đời nhiều tác phẩm vô cùng ấn tượng.
Họa sĩ Hoàng Công Tản cùng tác phẩm tranh ghép gốm của mình
Phóng viên (PV): Chào họa sĩ, họa sĩ có thể chia sẻ về cơ duyên đã đưa mình đến với nghệ thuật tranh ghép gốm?
Họa sĩ Hoàng Công Tản (Hs.HCT): Nhớ năm 1974, khi tôi vẫn đang làm việc tại Ủy ban Hành chính tỉnh Thái Bình, tôi đã quyết định từ bỏ để đi theo con đường nghệ thuật bằng việc thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật công nghiệp. Tại đây, được tìm hiểu về truyền thống sơn mài gốm sứ, tôi cảm thấy rất yêu thích. Nhưng vì điều kiện lúc bấy giờ chưa cho phép, tôi tạm gác lại việc sáng tạo các tác phẩm nhưng trong tâm trí vẫn luôn nung nấu ý tưởng làm tranh ghép gốm. Mãi đến tận bây giờ, khi đã nghỉ hưu mới có cơ hội đầu tư, tìm hiểu và theo đuổi nghệ thuật này.
PV: Có rất nhiều đề tài để đưa vào các bức tranh, nhưng vì sao bác lại chỉ lựa chọn đề tài về chủ tịch Hồ Chí Minh và các tướng lĩnh để thực hiện? Ông gửi gắm điều gì trong những bức tranh này?
Hs.HCT: Là người con của Thái Bình, rất tự hào cho Đảng bộ quân dân Thái Bình đã được 5 lần đón Bác Hồ về, tôi luôn muốn lưu lại hình ảnh người nơi đây. Hơn thế, không chỉ Bác Hồ mà đại tướng Võ Nguyễn Giáp cũng là một tấm gương sáng về cốt cách và phẩm chất. Khi tạo nên những bức tranh này tôi mong rằng mọi người sẽ học tập tấm gương ấy, hiểu hơn cuộc đời cách mạng và tấm lòng của Bác để phấn đấu vươn lên, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội.
PV: Đây là một thể loại khó và kén người thực hiện, ông có thể chia sẻ những khó khăn gặp phải trong quá trình sáng tác?
Hs.HCT: Sáng tạo bức tranh chân dung đã khó, việc làm tranh ghép gốm chân dung Bác Hồ càng khó hơn. Bởi không giống như màu vẽ có thể pha trộn để ra những gam màu ưng ý, tôi phải đi tìm kiếm những mảnh gốm để có thể nung ra tông màu đang cần.Đã không ít lần thất bại, lại tiếp tục nghiên cứu, lặn lội về làng gốm Bát Tràng để tìm, có khi phải mất đến hàng tháng trời mới có thể tìm ra. Việc tìm gốm thực sự quan trọng, bởi chỉ những mảnh phù hợp với nhau mới có thể ghép lại với nhau, thổi hồn, thổi thần thái vào bức tranh được.Nhưng không vì thế mà tôi nản lòng, mỗi khi hoàn thành xong một bức tranh tôi lại càng biết quý trọng thành quả đã đạt được hơn.
PV: Những bức tranh này rất có giá trị và đã nhận được không ít lời khen từ phía người yêu nghệ thuật. Vậy ông đã bao giờ nghĩ đến việc bán những bức tranh này chưa?
Hs.HCT: Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bán, bởi vì khi ấy, những bức tranh này không còn mang ý nghĩ về tinh thần mà lại mang ý nghĩa thương mại. Suốt cả một đời đầu tư tâm huyết để có được tác phẩm phục vụ đến nhân dân, để ai cũng được ngắm nhìn thì thực tôi không hề muốn bán. Hơn nữa để làm nên một bức tranh cần có một sự quyết tâm, tập trung cao, và để mà nói rằng làm thêm một bức thứ hai như vậy, tôi sẽ không thể làm được nữa.
PV: Hiện tại họa sĩ đã thực hiện được bao nhiêu bức tranh, dự định tiếp theo của ông trong tương lai là gì?
Hs.HCT: Hiện tại tôi đã hoàn thành 9 tác phẩm về Bác Hồ và vừa mới đây bức Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mục tiêu của tôi đến năm 2020 sẽ hoàn thành bộ tranh ghép gốm đủ 20 bức về Bác Hồ và một số tướng lĩnh quân sự Việt Nam để có thể mở một cuộc triển lãm trưng bày tại Bảo tàng Thái Bình kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2020).
PV: Cảm ơn họa sĩ đã tham gia cuộc trò chuyện này!
Hà Anh – Báo in K35A2
Cùng chuyên mục
Bình luận