Vùng cao khát nước, trách nhiệm do ai?

(Sóng trẻ) - Tới Mèo Vạc, Hà Giang vào mùa khô, điều khiến tôi ngạc nhiên không phải là những dãy núi đá tai mèo sừng sững hay những thửa ruộng bậc thang bám chặt vào triền đồi mà là cảnh trường học phải tốn hàng triệu đồng để “mua” nước. Tuy nhiên, theo các thầy cô giáo bám bản, thực trạng này vẫn còn là điều may mắn khi bà con “chưa" lâm vào cảnh không có nguồn nước sạch, phải tận dụng những giọt nước cuối cùng từ hồ treo, hoặc men theo triền đồi, khe suối để tìm nước.

Điều này một phần xuất phát từ địa hình tự nhiên. Hà Giang nằm trong khu vực địa chất đặc thù, với phần lớn diện tích là núi đá vôi, khiến việc tích trữ nước tự nhiên trở nên khó khăn. Theo thống kê, lượng mưa hàng năm tại đây không thấp, đạt 8,27 tỷ m3/năm nhưng nước mưa lại nhanh chóng thấm vào lòng đất hoặc trôi đi, để lại người dân trong cảnh “giữa biển mà khát”.

Một trong những hồ treo cạn trơ đáy giữa địa hình Hà Giang hiểm trở. (Ảnh: Trần Khánh Linh)
Một trong những hồ treo cạn trơ đáy giữa địa hình Hà Giang hiểm trở. (Ảnh: Trần Khánh Linh)

Gần 121 hồ treo lớn nhỏ được khởi công xây dựng, mở ra hy vọng cho bà con được giải bài toán “vùng cao khát nước”. Thế nhưng, phương trình dường như vô nghiệm khi đến mùa khô, nhiều hồ treo trơ đáy, thay vì trở thành nguồn cung cấp nước sinh hoạt, lại được tận dụng làm sân phơi quần áo, phơi ngô, khiến cho ước mơ về nguồn nước ổn định dường như vẫn còn xa vời. Trên thực tế, mật độ xây dựng hồ treo hiện nay vẫn ở mức thấp, chỉ đủ đáp ứng 20% nhu cầu sử dụng nước của người dân.

Một mặt, Hà Giang có hệ thống sông suối phong phú, với 132 con sông, suối, nhưng hạ tầng thủy lợi và cấp nước lại chưa được đầu tư một cách đồng bộ và hiệu quả. Thực tế, tỷ lệ dân số tại Hà Giang sử dụng nước sạch chỉ đạt khoảng 60% trong khi mức trung bình toàn quốc hiện nay là 95% (theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn năm 2023).

Giữa thế kỷ 21, khi chúng ta đang dần bước vào “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình”, nước – một điều kiện sống cơ bản, vẫn trở thành nguồn tài nguyên khan hiếm, cản trở đời sống sinh hoạt và sự phát triển của người dân. Liệu có phải là một sự mâu thuẫn, ngoài điều kiện tự nhiên, trách nhiệm sẽ thuộc về ai?

Không thể phủ nhận nỗ lực của các cấp chính quyền khi không ngừng đưa ra nhiều chính sách, sáng kiến nhằm cải thiện tình trạng thiếu nước mùa khô ở vùng cao như xây dựng hồ treo, bơm nước truyền thống từ sông suối, thu gom nước từ các mỏ trữ nước phân phối cho các hộ gia đình. Tuy nhiên sự thiếu đồng bộ trong phát triển cơ sở hạ tầng cấp nước và sự phụ thuộc quá lớn vào các giải pháp ngắn hạn đã khiến mọi nỗ lực như “muối bỏ bể” khi tình trạng nước vào mùa khô ngày càng khan hiếm.

Nhìn sang các quốc gia khác, tôi nghĩ Việt Nam có thể học hỏi nhiều bài học quý giá. Ở vùng núi Andes của Peru, người dân bản địa đã hồi sinh các hệ thống dẫn nước cổ xưa từ thời Inca để tận dụng nguồn nước mưa. Tại Bolivia, chính quyền đã cho thành lập các tổ chức quản lý nước cộng đồng để phân phối và bảo tồn nước tại các khu vực khan hiếm, đảm bảo sử dụng nước công bằng và hiệu quả hơn giữa các cộng đồng. Hay tại Israel, quốc gia khô hạn bậc nhất thế giới, công nghệ khử mặn và tái sử dụng nước thải đã biến sa mạc thành những cánh đồng xanh tốt.

Theo tôi, công nghệ chính là điểm then chốt để giải bài toán thiếu nước tại Hà Giang. Tại Việt Nam, chúng ta đã đi vào thử nghiệm nhiều công trình, phát minh xử lý nước. Điển hình phải kể đến hệ thống bơm không dùng điện với 2 tổ bơm, tổng công suất 19 lít/s, có thể bơm cấp 1.800m3 nước/ngày. Các công nghệ tưới tiêu tiết kiệm, xử lý và tái sử dụng nước thải, giám sát tài nguyên nước thông minh và năng lượng tái tạo đều là những giải pháp giúp cải thiện hiệu quả sử dụng và bảo vệ nguồn nước.

Với địa hình dốc và dân cư phân bố không đồng đều, điều này tạo ra rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng và triển khai các hệ thống cấp nước hiện đại. Vì vậy, để thực sự đạt hiệu quả đồng bộ, cần sự quyết liệt, đầu tư mạnh mẽ hơn nữa của các cấp chính quyền, nhân rộng các giải pháp hiệu quả để bà con không phải sống chung với tình trạng thiếu nước.

Nhiều điểm trường, các em học sinh phải “chia sẻ
Nhiều điểm trường, các em học sinh phải “chia sẻ" với nhau nguồn nước sạch. (Ảnh: Trần Khánh Linh)

Việc áp dụng công nghệ không thể chỉ dừng lại ở việc triển khai các dự án đơn lẻ. Chính quyền cần phải làm tốt hơn vai trò quy hoạch, đầu tư và hỗ trợ cộng đồng. Người dân cần chủ động hơn trong việc tiết kiệm nước và bảo vệ môi trường sống. Các tổ chức cần đóng vai trò cầu nối và hỗ trợ bền vững hơn, tránh chỉ mang tính chất tạm thời. Nếu thiếu đi sự đồng thuận và sự cam kết mạnh mẽ từ các bên, các công nghệ dù tiên tiến đến đâu cũng không thể được áp dụng triệt để.

Tôi rất mong khi trở lại Mèo Vạc, Hà Giang vào năm sau, vùng cao nguyên đá này sẽ không còn cảnh “khát nước”, để mỗi ngày, mỗi mùa, đá đều có thể nở “hoa”.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN