Workshop nâng cao nhận thức bảo vệ động vật hoang dã cho sinh viê
(Sóng trẻ) – Sáng 27/10, tại phòng Hội thảo, khoa Thú y (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) diễn ra Workshop “Công tác bảo tồn và thú ý cho các loài rùa cạn và rùa nước ngọt Việt Nam”.
Sự kiện được tổ chức bởi CLB bảo vệ động vật hoang dã Wildhand, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với dự án “Giá như tôi biết nói” của sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Tham dự workshop có sự góp mặt của diễn giả Nguyễn Thu Thủy - điều phối viên đào tạo và huấn luyện động vật tại Chương trình bảo tồn rùa châu Á thuộc tổ chức Bảo tồn Indo – Myanmar, T.S Nguyễn Bá Tiếp - giảng viên khoa Thú y Học viện Nông nghiệp Việt Nam cùng đông đảo sinh viên có niềm đam mê với động vật hoang dã.
Các diễn giả tại buổi Workshop
Sự kiện được tổ chức với mong muốn nâng cao nhận thức cho các bạn sinh viên về bảo vệ động vật hoang dã nói chung và loài rùa nói riêng trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Qua sự kiện, các bạn trẻ biết thêm nhiều kiến thức về thú y đối với động vật hoang dã.
Đến với buổi Workshop, diễn giả Nguyễn Thu Thủy chia sẻ cho các sinh viên những kiến thức liên quan đến rùa như các loài rùa đang sống ở Việt nam, vai trò giá trị, các mối đe dọa, các loài trong sách đỏ được bảo vệ, vấn đề sức khỏe và chăm sóc thú y cho rùa,….
Chia sẻ tại buổi Workshop, diễn giả Nguyễn Thu Thủy cho rằng thế hệ trẻ nhìn thấy các loài động vật hoang dã trong tự nhiên ngày càng hiếm hoi vì cơ hội đi thực tế còn ít và số lượng các loài ngày càng giảm.
Trên thế giới có 360 loại rùa cạn và rùa nước ngọt khác nhau, con số này có sự thay đổi theo từng năm. Ở riêng Việt Nam có 25 loài rùa cạn và rùa nước ngọt, chiếm khoảng 7 – 8% các loài trên thế giới. Diện tích nhỏ bé nhưng Việt Nam là một trong những nước có số lượng rùa lớn trên thế giới. Đây cũng chính là lý do việc bảo tồn rùa trở nên cần thiết trước sự suy giảm số lượng của các loài động vật hoang dã.
Nói về hành động bảo vệ động vật hoang dã của các bạn trẻ hiện nay, diễn giả Nguyễn ThuThủy cho rằng: “Tôi cảm thấy rất vui vì ngày nay nhiều bạn trẻ có tình yêu với các loài động vật hoang dã nói chung và loài rùa nói riêng. Đây là niềm động viên tinh thần rất lớn với tôi. Các bạn trẻ sẽ mang năng lượng, trí tuệ, hành động thiết thực để bảo vệ thiên nhiên và các loài động vật đang đứng bên bờ tuyệt chủng”.
Tại buổi Workshop cũng diễn ra phần tranh luận giữa hai đội chơi với chủ đề “Nuôi rùa bảo tồn, nên hay không?” với sự tham gia của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Học viện Báo chí và Tuyên Truyền.
Mỗi đội sẽ lựa chọn quan điểm đồng tình hay phản đối. Hai đội thảo luận và trình bày quan điểm của mình trong khoảng thời gian 3 phút. Phần tranh luận được đánh giá, nhận xét từ diễn giả Nguyễn Thu Thủy và T.S Nguyễn Bá Tiếp. Sau khoảng thời gian lắng nghe và phân tích kiến thức về rùa trong thực tế, ban giám khảo đã đồng tình với ý kiến “Không nên” nuôi rùa để bảo tồn.
Phần tranh luận đến từ hai đội chơi trong buổi Workshop
Buổi workshop được tổ chức là cơ hội để nhiều bạn trẻ có thêm kiến thức về rùa, nâng cao nhận thức hành động bảo về loài động vật này. Bạn Đỗ Thị Thúy Hằng, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Qua buổi workshop mình biết thêm nhiều điều về động vật hoang dã, đặc biệt là rùa. Các kiến thức mình biết khi đến đây sẽ trở thành thông tin để mình chuyển tải đến mọi người”.
Bạn Đỗ Thị Thúy Hằng (trái) cùng bạn tham dự buổi Workshop
Workshop “Công tác bảo tồn và thú ý cho các loài rùa cạn và rùa nước ngọt Việt Nam” còn là cơ hội để sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam trao đổi kiến thức về động vật hoang dã qua nền tảng truyền thông dự án “Giá như tôi biết nói”. Đây là dự án truyền thông do nhóm sinh viên lớp Báo mạng điện tử K37A2 thành lập với mục tiêu nâng cao kiến thức, giúp cho công chúng hiểu và hướng tới các hoạt động tình nguyện bảo vệ động vật hoang dã trong hệ sinh thái tự nhiên.
Thành viên dự án "Giá như tôi biết nói" chụp ảnh lưu niệm với diễn giả và sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Dương Lan
Cùng chuyên mục
Bình luận