Xe đạp công cộng tại Hà Nội: Một năm chạy đà, doanh thu trượt dài
(Sóng trẻ) - Sau hơn một năm thí điểm tại Hà Nội, dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng vẫn chưa thể có lãi khi chi phí đầu tư giai đoạn đầu là hơn 6,4 tỷ đồng nhưng doanh thu chỉ đạt hơn 3,7 tỷ đồng.
Thông tin từ tập đoàn Trí Nam, sau hơn một năm (từ 24/8/2023 đến nay), đơn vị này đã triển khai hơn 700 xe đạp tại 88 điểm ở 6 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Thanh Xuân.
Dịch vụ công ích cho xã hội
Sở GTVT Hà Nội cho biết, dịch vụ xe đạp đô thị bước đầu đã có được kết quả tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp và giảm thiểu ùn tắc giao thông. Việc triển khai xe đạp đô thị phù hợp với xu hướng phát triển giao thông công cộng xanh, thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu di chuyển ngắn, linh hoạt của người dân.
Bạn Nguyễn Huyền Trang (sinh viên năm nhất, trường Đại học Ngoại Thương) chia sẻ: ‘Xe đạp công cộng giúp mình tiết kiệm chi phí đáng kể so với việc đi xe máy hay taxi. Chỉ với 5.000 đồng/30 phút cho xe đạp cơ và 10.000 đồng/30 phút cho xe đạp điện là có thể di chuyển cả ngày. Ngoài ra, đi xe đạp còn thân thiện với môi trường".
Dịch vụ cũng góp phần nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, xây dựng thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng thay vì phương tiện cá nhân. Bạn Hoàng Minh Quân (nhân viên Marketing, Hà Đông) cho biết: "Mình lựa chọn sử dụng dịch vụ này, vì nó giúp mình khám phá thành phố theo cách mới mẻ hơn. Thay vì chen chúc giờ cao điểm, mình vừa có thể ngắm cảnh, vừa vận động nhẹ nhàng, rèn luyện sức khỏe”.
Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn (Phó trưởng bộ môn Quy hoạch và Quản lý Giao thông vận tải, trường Đại học Giao thông Vận Tải) khẳng định: “Xe đạp công cộng phù hợp với xu thế phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi tầng lớp nhân dân sử dụng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Việc phát triển loại hình xe đạp công cộng góp phần đa dạng hóa lĩnh vực vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố, từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân".
Bất cập chồng chất, giải pháp tháo gỡ cho xe đạp công cộng tại Thủ đô
Dù mang lại nhiều lợi ích nhưng sau một năm triển khai tại thủ đô, xe đạp công cộng vẫn kém "mặn mà" với người dân. Đến nay, theo tập đoàn Trí Nam, dịch vụ này thu hút hơn 208 nghìn khách đăng ký, trung bình mỗi ngày có gần 700 khách đăng ký mới. Dự án đã có gần 340 nghìn chuyến đi, trung bình mỗi ngày hơn 1.100 chuyến. Doanh thu sau 1 năm triển khai chỉ đạt 3,7 tỉ đồng, bằng gần 60% so với tổng mức đầu tư là 6,4 tỷ đồng.
Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn nhận định, do số lượng trạm xe đạp còn thấp, hạ tầng đường bộ chưa đồng bộ với hệ thống xe đạp, một số khu vực chưa có đủ điều kiện về mặt bằng để đặt trạm... nên loại hình giao thông công cộng này chưa thực sự tiện dụng.
Đáng nói hơn, hiện vẫn chưa có phương án tích hợp kỹ thuật cho xe đạp, xe đạp điện, bãi đỗ, kết nối với hạ tầng vận tải công cộng. Các quy định pháp lý liên quan (sử dụng vỉa hè và mức phí) chưa hoàn chỉnh. Đây cũng là khó khăn khi triển khai chính thức dịch vụ xe đạp đô thị.
Chia sẻ về lý do không sử dụng xe đạp công cộng, chị Hoàng Thị Thu Thảo (nhân viên văn phòng tại Kim Mã, Ba Đình) cho biết: “Dự án xe đạp công cộng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân bởi ít trạm để xe, phương tiện này chỉ hợp để khách du lịch hoặc người dân trải nghiệm vào cuối tuần, chứ chưa đáp ứng được nhu cầu dùng để đi học, đi làm”.
Ngoài ra, một số người dân, đặc biệt là người lớn tuổi, có tâm lý e ngại khi sử dụng các ứng dụng công nghệ mới. Bà Đinh Thị Hoà (Thanh Xuân, Nguyễn Trãi) cho hay: “Việc dùng ứng dụng thanh toán qua điện thoại không hề dễ dàng với tôi, vì phải thao tác nhiều bước và đòi hỏi hiểu biết về công nghệ. Đôi khi tôi còn gặp lỗi trong quá trình thanh toán mà không biết cách khắc phục”. Do đó, các đơn vị trông giữ xe cần bố trí nhiều nhân sự hơn để hướng dẫn thực hiện tại các điểm trông giữ xe.
Ông Tuấn cho biết, để tạo môi trường thân thiện cho người đi xe đạp, cần hướng đến bố trí làn đường riêng và các biện pháp hỗ trợ khác để bảo đảm an toàn, “Các điểm đỗ xe, vị trí đặt trạm của xe đạp đô thị cần kết nối thuận tiện với các phương tiện giao thông công cộng khác, giúp tăng thêm tiện ích cho hệ thống vận tải hành khách”.
Đối với ứng dụng hỗ trợ đặt xe, ông Tuấn đề xuất: “Cần đơn giản hóa giao diện để mọi người dễ sử dụng, đặc biệt là người lớn tuổi. Ngoài ra, hệ thống cần ổn định hơn để tránh lỗi trong giờ cao điểm và tích hợp thêm nhiều hình thức thanh toán như ví điện tử và thẻ ngân hàng. Đẩy mạnh xã hội hóa để tăng hơn nữa số lượng phương tiện, quy mô điểm trạm, đưa xe đạp đô thị đến gần hơn với người dân”.