“Xét xử đúng đã tốt, không xét xử lại càng tốt hơn”
(Sóng Trẻ) - Trước tình trạng tỉ lệ người chưa thành niên phạm tội ngày càng tăng và dư luận đang đặt ra câu hỏi: liệu Bộ luật Hình sự có cần sửa đổi cho phù hợp?, chàng sinh viên tài năng Phan Công Tiến đã lên tiếng kiên quyết bảo vệ quyền lợi của người chưa thành niên phạm tội.
Tối ngày 25/04, tại Hội trường D - Đại học Luật Hà Nội, vòng chung kết cuộc thi hùng biện Socrate 2012 (do Hội sinh viên Đại học Luật Hà Nội tổ chức) đã diễn ra vô cùng gay cấn, hồi hộp và quyết liệt đến những giây phút cuối cùng. Mười thí sinh xuất sắc nhất (vượt qua khoảng 400 thí sinh khác trong vòng loại) đã cùng góp mặt, thể hiện cá tính và tài năng của mình qua những phần thi hùng biện vô cùng sắc sảo, giàu tính trí tuệ và đầy thuyết phục. Mười bạn được chia làm năm cặp bày tỏ quan điểm cá nhân về những chủ đề nóng bỏng, mới lạ hiện nay của xã hội như: việc gộp kì thi tốt nghiệp với kì thi đại học và lấy kết quả kì thi tốt nghiệp làm cơ sở để đánh giá kết quả vào đại học, việc quy định quyền được chết là một quyền của người dân trong hệ thống pháp luật Việt Nam…
Đứng trước câu hỏi gây xôn xao dư luận trong thời gian vừa qua: “Có nên tăng các hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội so với quy định pháp luật hiện hành để hạn chế số lượng tội phạm?”, thí sinh Phan Công Tiến đến từ Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đã kiên quyết phản đối.
Đầu tiên, Tiến đưa ra luận điểm: “Dưới góc độ pháp lí quốc tế, ở các nước trên thế giới, các văn bản pháp lí đều thừa nhận phải đưa ra hướng giải quyết bảo đảm tối đa quyền lợi của người chưa thành niên phạm tội trong theo như Công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em và Quy tắc ứng xử của Liên hợp quốc về việc bảo vệ người chưa thành niên phạm tội.”
Tiến cũng khẳng định: “Việc tăng hình phạt chỉ là cái nhìn phiến diện của người nài cuộc. Chúng ta phải hiểu nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc người chưa thành niên phạm tội. Đó là do sự phát triển chưa đầy đủ về tâm sinh lí, bồng bột, nhẹ dạ và do sự thiếu hiểu biết về pháp luật và cuộc sống. Vì vậy cần phải có cái nhìn nhân đạo và cách xử lí nhân đạo, chứ tăng hình phạt không phải là cách giải quyết vấn đề.”
Phan Công Tiến đầy bản lĩnh trong bài hùng biện bảo vệ trẻ vị thành niên.
Không chỉ đạt lí mà còn rất thấu tình, quan điểm của Tiến xuất phát từ truyền thống nhân đạo rất cao cả, sâu sắc của dân tộc ta (“Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”). Theo Tiến, với người phạm tội nói chung và người chưa thành niên phạm tội nói riêng, xã hội cần cho họ cơ hội sửa chữa và làm lại cuộc đời ngay trong môi trường xã hội bình thường. Đó mới chính là nhân đạo.
Từ những quan điểm nêu trên, Tiến khẳng định: “Chúng ta không cần và không nên tăng hình phạt với người chưa thành niên phạm tội mà cần có những giải pháp khác như biện pháp xử lí chuyển hướng đang được các nhà làm luật Việt Nam rất quan tâm. Pháp luật sẽ là biện pháp cuối cùng để xử lí khi các thiết chế xã hội khác như tôn giáo, đạo đức, văn hóa, truyền thống… không đảm bảo được mục đích răn đe, phòng ngừa… Mục đích của chúng ta không phải là đưa người ta vào trại giam, không phải đánh vào cái tay, cái chân, đánh vào cơ thể con người mà đánh vào suy nghĩ, nhận thức để người chưa thành niên phạm tội biết mình sai, mình có lỗi ở chỗ nào để sửa đổi. Đó mới là cái cuối cùng chúng ta hướng tới.”
Đưa ra những giải pháp nhằm giảm tỉ lệ người chưa thành niên phạm tội, Tiến cho rằng chúng ta phải xuất phát từ nguyên nhân vì sao người chưa thành niên phạm tội, tăng cường, nâng cao giáo dục trong gia đình, nhà trường, xã hội để nâng cao công tác phòng, chống tội phạm đúng như chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Xét xử đúng đã tốt, không xét xử lại càng tốt hơn.”
Tuy thi đấu trên “sân khách”, nhưng với bài hùng biện lập luận chặt chẽ, đanh thép, thấu tình đạt lí, chàng sinh viên với thân hình bé nhỏ, giàu lòng nhân ái đã hoàn toàn thuyết phục Ban giám khảo và toàn bộ khán giả trong hội trường, giành 1 trong 5 tấm vé bước vào vòng chung kết.
Tại vòng chung kết, Tiến đã hoàn thành xuất sắc đề bài của giám khảo, luật sư Đức Quang (Bình luận câu danh ngôn: “Không có con đê pháp luật án ngữ thì tự do chỉ là một dòng sông phá hoại”) và vượt qua bốn thí sinh đến từ Đại học Luật Hà Nội để đứng trên bục cao nhất, trở thành Quán quân của cuộc thi hùng biện lớn nhất dành cho sinh viên trên địa bàn Hà Nội năm 2012.
Đặng Thị Hương
Lớp Báo mạng điện tử K.31
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Lớp Báo mạng điện tử K.31
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Cùng chuyên mục
Bình luận