Xin chữ đầu năm – nét xuân mang đậm hồn dân tộc
(Sóng Trẻ) - Không cố định về thời gian. Xin chữ đầu năm chủ yếu diễn ra vào dịp đầu năm mới. Nét thư pháp mềm mại cùng ngữ nghĩa ẩn hàm mang ý nghĩa về may mắn, tài lộc, phú quý, … là mong muốn của người xin chữ cho cả một năm mới.
Ở Hà Tĩnh, sau thời khắc giao thừa, mọi người thường đi đến các đền, chùa để thắp hương, xin chữ: Đền chợ Củi (Nghi Xuân), chùa Hương Tích (Can Lộc), Miếu Trầm Lâm (Hương Khê) …
Tục xin chữ đầu năm
Xin chữ đầu năm không phải là một nghi lễ bắt buộc trong dịp Tết nhưng từ rất lâu, nó đã được duy trì như một nét đẹp văn hóa của dân tộc. Ngày xưa, xin chữ là một sự kiện rất đặc biệt, người ta chọn ngày, chọn hướng, tìm đến người mình tin tưởng, có đời sống đáng trân trọng noi theo. Người cho chữ phải là người dày công học hành, có thể chính là những ông đồ dạy học ở những làng quê hoặc phải là những người “có danh với núi sông”. Mỗi bức thư pháp khi hoàn thành bao giờ cũng có hai con người đồng cảm, đó là bộ óc, trí tuệ của người cho chữ gặp trái tim, tâm hồn người xin chữ. Nài cầu may mắn, người ta còn muốn xin cái đức độ, tài năng của ông đồ và lấy chữ để răn mình. Đó cũng là một minh chứng về truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa của dân tộc Việt Nam.
Ông Nguyễn Truyền (70 tuổi, Hà Tĩnh) bàn về tục xin chữ, ông nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt của con chữ đối với người Việt. Những con chữ được viết bởi các ông đồ trong ngày Tết không chỉ thể hiện tài năng, đức độ của người cho chữ mà nó còn mang ý nghĩa lấy chữ răn mình, truyền tải biết bao giá trị văn hóa, phản ánh nhân sinh quan, thế giới quan qua những chữ Hán, Nôm của dân tộc.
Trên phương diện văn hóa, tục xin chữ đầu năm vừa mang đậm sắc xuân vừa mang đậm hồn dân tộc. Mỗi dịp Tết các ông đồ thường hay bày nghiên bút, niềm nở đón chào những người qua đường xin chữ
Đầu năm xin chữ gì?
Tùy theo mong muốn, mục đích của mỗi người mà họ xin cho mình những chữ khác nhau. Người lớn thì thường thích các chữ “Phúc”, “Lộc”, “Thọ”, “An Khang”, “Cát Tường”, “Như Ý”, … với mong muốn cầu cho cuộc sống của họ bình an, hạnh phúc. Doanh nhân thì thích các chữ “Phát”, “Lộc”, “Tài”, “Vượng”, … mong cho việc làm ăn, kinh doanh được phát triển, thuận lợi.
Nhiều người trẻ đang phấn đấu thì thích chữ “Chí”, chữ “Thành”, chữ “Đạt”, chữ “Đắc”, chữ “Nhấn”. “Chí” nghĩa là ý chí quyết vượt mọi khó khăn; “Thành” có nghĩa là nên việc”, “Đạt” là thỏa mãn mong muốn, nhu cầu, mục tiêu của mình,… Còn các cháu thiếu nhi, học sinh thì thường được bố mẹ, ông bà tặng cho chữ “Học”, “Hiếu”, “Nghĩa”, “Lễ”,… treo vào đầu bàn học với mong muốn có được sự lễ nghĩa, hiếu thảo, chăm chỉ học hành, cầu tiến, …
Anh Nguyễn Văn Hùng (Nghi Xuân – Hà Tĩnh) chia sẻ: “Mỗi dịp năm mới tôi đều tới chùa để xin chữ. Năm nay đến đây tôi xin thầy chữ “nhẫn” vì bản mệnh của mình là mệnh hỏa, tính lại cương trực. Năm mới tôi xin chữ “nhẫn” với mong muốn có được sự bình tâm và điềm tĩnh để mọi việc thành công mỹ mãn”.
Theo dân gian, người muốn thành công trước tiên cần phải biết “nhẫn” có nhẫn có nhịn thì mới chuyển nguy thành yên, bại thành thắng, dữ thành lành…
Cuộc sống thời hiện đại, dù có nhiều cải biến trong giao lưu tiếp biến văn hóa nhưng trong tâm thức của người Việt nói chung, tục xin chữ đầu năm luôn là những món quà tinh thần để đón chào năm mới, biểu thị cho những ước vọng đầu Xuân và hơn hết đấy là nét xuân mang đậm văn hóa dân tộc.
Hồng Nhung
Cùng chuyên mục
Bình luận