Liền anh Dương Đức Thắng: 30 năm mải miết tìm và lưu giữ câu hát và kỷ vật Quan họ

(Sóng trẻ) - Ròng rã hơn ba thập kỷ, anh hai Dương Đức Thắng, Phó Chủ nhiệm CLB Quan họ làng Hoài Trung (xã Liên Bão, huyện Tiên Du) đau đáu, mải miết đi tìm câu hát cổ và các kỷ vật Quan họ để bảo tồn, nối dài vốn quý của ông cha.

Vốn dòng dõi nhà nòi

Xuất thân trong gia đình có truyền thống sáu đời chơi Quan họ, anh Thắng là cháu nội của hai cụ nghệ nhân nức tiếng mẫu mực một thời Dương Văn Quyến và Nguyễn Thị Hạp ở làng Quan họ gốc Hoài Trung. Từ thuở còn trong nôi, anh đã được ru ngủ và nghe kể chuyện bằng những bài hát và câu chuyện Quan họ, khiến cho "dòng máu Quan họ" đã thấm nhuần vào anh từ rất sớm.

anh-1-9.jpg
Anh hai Dương Đức Thắng (hàng đầu) trong buổi phục dựng lối hát truyền thống "Hát chúc hát mừng". (Ảnh: NVCC)

 

Khi mới 4 tuổi, anh Thắng đã thuộc bài “Lòng vẫn đợi chờ”. Đến năm 10 tuổi, anh đã ghi nhớ khoảng 50 câu Quan họ và có thể ca giọng “La rằng” - giọng hát khó nhất của Quan họ. Đến khi 16 tuổi, anh đã tiếp thu toàn bộ vốn kiến thức từ ông bà nội và 5 cụ nghệ nhân khác trong làng.

Nhân duyên đã thôi thúc anh Thắng sưu tầm và bảo tồn Quan họ cổ bắt đầu từ năm 1996. Sau khi được tham dự Liên hoan tiếng hát người cao tuổi Hà Bắc, lắng nghe các cụ ở thôn khác thể hiện những bài Quan họ mới mẻ và độc đáo và được giải thích rằng “Quan họ mênh mông thiên kinh vạn quyển, ai biết lối nào đi lối ấy, không bao giờ hết”, anh Thắng quyết tâm tìm kiếm những nghệ nhân tiêu biểu trong khu vực để học hỏi những câu Quan họ mà làng Hoài Trung chưa có.

Việc sưu tầm thời điểm đó cũng khó khăn vì chưa có thiết bị ghi âm, chủ yếu học truyền miệng, nghe các cụ rồi tự nhẩm, nhập tâm thật kỹ, kết hợp ghi chép rồi về nhà tự luyện, nếu lấn cấn chỗ nào thì sau lại đến để các cụ uốn nắn lại. Càng học lại càng say, anh Thắng thấy nhiều bài làng mình không có lại càng muốn học cho bằng được.

“Nhiều năm trước, một lần đang làm việc, bỗng dưng tôi nghĩ đến câu hát ‘Năm cung’. Nhẩm lại thấy quên một câu, tôi vội phi xe thẳng đến nhà cụ Nhi (nghệ nhân Ngô Thị Nhi) ở làng Diềm để hỏi nhưng cụ đi vắng không có nhà. Bứt rứt, vì không thể nhớ lại câu hát, hỏi thăm biết cụ đến chơi nhà con gái ở Lạng Sơn. Tôi lập tức bắt xe khách đến tìm gặp cụ hỏi cho bằng được. Giữa vùng đồi trồng na bạt ngàn, dưới ánh nắng chói chang vậy mà vừa thoáng thấy bóng tôi cụ Nhi nhận ra ngay và bảo Thắng tìm lên tận đây để hỏi Quan họ đấy à”, anh Thắng hồi tưởng.

Trong quá trình học hỏi, anh Thắng không chỉ biết thêm nhiều câu Quan họ mà còn biết được nhiều câu chuyện nhân văn từ các nghệ nhân. Mỗi một câu chuyện, anh đều ghi chép rất cẩn thận và kể lại mỗi khi có dịp. 

Đến nay, nhờ quá trình sưu tầm và học hỏi, vốn liếng của anh Thắng đã lên tới hàng trăm bài Quan họ cổ. Nhiều nghệ nhân vì trân trọng đã tặng anh những cuốn sổ chép tay quý giá. Hiện tại, anh Thắng đang lưu giữ 18 cuốn sổ ghi chép chữ viết tay của các cụ nghệ nhân với khoảng 1.500 bài; bên cạnh đó là hàng trăm bản ghi âm các làn điệu cổ và giọng hát của các nghệ nhân. Về hệ thống giọng lề lối, anh Thắng đã chắt lọc được 7 câu giọng Hừ la, 86 câu giọng La rằng, 36 câu giọng Kim lan, 19 câu giọng Tình tang, 23 câu giọng Cây gạo, 17 câu giọng Đón khách gió mát, và 15 câu giọng Cái hừng.

anh-2-10.jpg
Liền anh Dương Đức Thắng giống như một cuốn "Bách khoa toàn thư" về Quan họ. (Ảnh: NVCC)

Ngoài việc học hỏi từ các nghệ nhân trong vùng, anh Thắng còn không ngừng tìm kiếm tư liệu tại các đơn vị trung ương như Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam. Ngược lại, anh cũng đã đóng góp rất nhiều tư liệu quý giá cho Học viện Âm nhạc Quốc gia cũng như cho các cơ quan chuyên môn, các nhà nghiên cứu và truyền thông - báo chí. Nhiều người đã công nhận rằng anh Thắng giống như một “Bách khoa toàn thư” về Quan họ; cần thông tin hay muốn trò chuyện về Quan họ, cứ gặp anh Thắng là nhanh nhất.

Mải miết sưu tầm kỷ vật Quan họ

Năm 2024 đánh dấu tròn 15 năm dân ca Quan họ Bắc Ninh được công nhận là Di sản phi vật thể của nhân loại. Hành trình 15 năm ấy cũng ghi nhận những đóng góp không hề nhỏ của anh hai Dương Đức Thắng trong việc nỗ lực gìn giữ và lan tỏa dân ca Quan họ.

Ngoài việc hỗ trợ các cơ quan chuyên môn, truyền thông - báo chí của trung ương và địa phương trong công tác sưu tầm, làm phim tư liệu để bảo tồn di sản; anh Thắng còn chủ động cùng CLB Quan họ Hoài Trung phục dựng rất nhiều các canh hát truyền thống như Hát chúc, hát mừng; Hát canh, Hát thờ…

Ngoài ra, anh Thắng còn sưu tầm được hơn 200 kỷ vật Quan họ gắn liền với các nghệ nhân thời trước. Đó là những kỷ vật anh cùng các thành viên CLB Quan họ Hoài Trung cất công sưu tầm hơn 30 năm nay.

Mỗi đồ vật đều được ghi tên và địa chỉ cụ thể, từ đó khắc họa dấu ấn, thói quen và cuộc đời của các bậc nghệ nhân tiền bối. Những kỷ vật này thường có tuổi đời từ 70 đến 100 năm, gắn liền mật thiết với các lớp nghệ nhân tiêu biểu, những người đã được công nhận là “báu vật nhân văn sống” hoặc là những nghệ nhân tinh hoa đã được phong tặng trong đợt đầu tiên khi dân ca Quan họ chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2009.

anh-3-1.jpg
anh-3-2.jpg
anh-3-3.jpg
Một số kỷ vật sưu tầm của anh hai Dương Đức Thắng. (Ảnh: NVCC)

“Đây là cái cơi trầu bằng gỗ khảm trai tranh vinh quy bái tổ - kỷ vật của bà nội em (nghệ nhân Nguyễn Thị Hạp) đấy ạ! Cụ vốn là con gái cụ Đàm Phú - một gia đình Quan họ có tiếng phong lưu ở Hoài Trung. Thuở ấy, đây là thứ không thể thiếu mỗi lần cụ đi chơi để mời Quan họ bạn. Sau này, khi lấy ông nội em là cụ nghệ nhân Dương Văn Quyến, cơi trầu này cũng được mang theo nhưng bị thất lạc. Lần tìm theo lời kể của hai cụ, em biết được thông tin về kỷ vật quý giá này đang ở làng Chọi. Nhưng cũng phải mất mấy năm thuyết phục ròng rã, người ta mới cảm động mà để lại cho”, anh Thắng thuyết minh cho khách tham quan về những kỷ vật Quan họ bằng cách nói chuyện theo đúng kiểu đối đáp, thưa gửi của người Quan họ.

Với vẻ mặt phấn khích, anh Thắng tiếp tục say sưa giới thiệu về những kỷ vật khác: “Còn đây là bộ ấm chén bằng đồng chạm họa tiết, hoa văn độc đáo gắn với cụ nghệ nhân Nguyễn Văn Thị của làng Diềm bị thất lạc nhiều năm. Em cũng phải mất công dò tìm và chuộc lại được ở trên Bắc Giang. Rất may là vẫn còn nguyên vẹn cả cái khay và bộ ấm gồm 5 chén”.

anh-4-7.jpg
Anh hai Dương Đức Thắng chia sẻ những câu chuyện về các kỷ vật Quan họ với khách tham quan. (Ảnh: NVCC)

Anh Thắng cầm lên một con dao nhỏ và ngân nga bài thơ: “Con dao bé bé sắc thay/ Chuôi sừng bít bạc về tay ai cầm/ Yêu ai nhớ vụng nhớ thầm/ Trách ông Nguyệt lão se nhầm duyên ai”.

“Đây là con dao đặc trưng của Quan họ. Đầu hình rồng và đuôi hình phượng, nhưng bịt đầu này (lưỡi dao) lại thành cái lá trúc. Một con dao thôi mà đủ các hình tượng. Nhiều người có thể biết tới bài thơ trên qua ca dao, nhưng phải về với Quan họ mới biết hình dáng nó thế nào”, anh Thắng tiếp tục.

Dành gần nửa ngày, đôi khi còn không đủ thời gian để lắng nghe trọn vẹn tất cả câu chuyện xoay quanh hơn 200 kỷ vật mà anh Thắng đã dày công sưu tầm.

Từ chiếc nón quai thao, ô soạn lục, dải yếm cho đến bao lưng, tất cả đều được làm từ những chất liệu như gấm, the sồi, lụa... cho đến chiếc đèn dầu dùng trong hát canh; cùng với cơi trầu, bình vôi, cối giã, ống phóng, ấm chén, nồi đồng, mâm cỗ Quan họ... Mỗi kỷ vật như đưa người tham quan lạc vào miền ký ức sống động của Quan họ từ thuở xa xưa, khiến mọi người không thể quên.

Soạn giả, nhà báo Mai Văn Lạng, Trưởng phòng Dân ca, Đài Tiếng nói Việt Nam nhận xét: “Anh hai Dương Đức Thắng kế thừa sự nghiệp của ông cha và có niềm đam mê sâu sắc với Quan họ. Anh Thắng luôn cầu thị, học hỏi những gì là tinh túy nhất của Quan họ để làm dày cái vốn liếng của mình và truyền trao lại cho các liền anh, liền chị trong và ngoài làng Hoài Trung cũng như các lớp thế hệ sau này. Anh hai Hoài Trung cũng rất chịu “chơi”, sẵn sàng bỏ tiền, bỏ của để phục dựng lại cái vốn của cha ông”.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật5 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN