Xử lý nước thải chăn nuôi: cần cái tâm của người làm chủ
Nước thải chăn nuôi không qua xử lý, hoặc xử lý không đúng cách sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Muốn ngăn chặn tình trạng này từ nguồn gốc, cái tâm của những người làm chủ trang trại sẽ là một trong những yếu tố quyết định.
Đặc tính của nước thải chăn nuôi
Nước thải chăn nuôi có thành phần chủ yếu là Hàm lượng các chất hữu cơ, chất dinh dưỡng được biểu thị qua các thông số như: COD, BOD5, TN, TP, SS… những thông số này biểu thị mức độ gây ô nhiễm môi trường. Đây là những thành phần dễ phân hủy, gây mùi hôi thối, đồng thời phát sinh khí độc, làm sụt giảm lượng ôxy hòa tan trong nước và đặc biệt nếu không được xử lý khi thải ra nguồn tiếp nhận sẽ gây ô nhiễm môi trường, gây phì dưỡng hệ sinh thái, làm ảnh hưởng đến cây trồng và là nguồn dinh dưỡng quan trọng để các vi khuẩn gây hại phát triển.
Ngoài ra trong nước thải của trang trại chăn nuôi có chứa hàm lượng lớn các vi khuẩn gây bệnh dịch, đây là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của con người cũng như động vật trong khu vực.
Tại các nước đó nền chăn nuôi công nghiệp phát triển mạnh như Hà Lan, Anh, Mĩ, Hàn Quốc,… thì đây là 1 trong những nguồn gây ô nhiễm lớn nhất. Ở Việt Nam khía cạnh môi trường của ngành chăn nuôi chỉ được quan tâm trong vài năm trở lại đây khi tốc độ phát triển chăn nuôi ngành chăn nuôi ngày càng tăng, lượng chất thải do chăn nuôi đưa vào môi trường ngày càng nhiều.
Ứng dụng công nghệ trong xử lý chất thải chăn nuôi
Xử lý chất thải chăn nuôi hiệu quả nhất là khi không gây hại đến môi trường, và có thể tái sử dụng một các chất tồn tại trong nó.
Để khám phá một mô hình xử lý chất thải như vậy, chúng tôi tìm đến trang trại chăn nuôi Hiền Thục, nằm ở xã Trực Thái, huyện Trực Ninh, thành phố Nam Định.
Chủ của trang trại này là ông Nguyễn Văn Thục, người nổi tiếng khắp xã Trực Thái với tài năng kinh doanh từ những loại hàng hóa sinh ra từ miền quê Việt Nam. Ông Thục hiện tại sở hữu một mô hình V-A-C trên diện tích đất rộng khoảng 4000m2: ông nuôi cá, trồng các loại hoa để sản xuất nước hoa, các loại cây ăn quả và đặc biệt là có một trang trại lợn nuôi khoảng 500 con mỗi lứa.
Đặc biệt, cũng từ năm 2015, trang trại lợn của ông Thục được tham gia dự án phát triển chăn nuôi theo hướng VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices). Đây là các quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản ở Việt Nam; bao gồm những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, sơ chế đảm bảo sản phẩm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khoẻ người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Nổi bật, trang trại của ông được Viện nghiên cứu Thủy lợi chuyển giao công nghệ xử lý nước thải sau Bioga xuất xứ từ Đức, có tên là DAIWAL. Ở thời điểm dịch tả lợn châu Phi bùng phát, được các nhà chăn nuôi tư vấn, anh Thục đã dùng FOMOL 0,005% và FOMOL 0,015% phun phía ngoài và trong chuồng có lợn nên đã khống chế được dịch.
Ông Thục chia sẻ: “Mô hình của tôi áp dụng công nghệ hiện đại, hạn chế được rất nhiều mùi hôi từ chất thải, nước dọn vệ sinh chuồng lợn. Hầm bioga cũng được nghiên cứu kỹ lưỡng để đạt hiệu quả cao nhất.”
Cách làm nông nghiệp đầu tư, hiện đại, khoa học đã giúp ông Thục thu về lợi nhuận lớn. Nhưng hơn cả, ông không chỉ nghĩ về lợi ích của bản thân, mà môi trường sống xung quanh cũng được ông giữ gìn trọn vẹn.
Người làm nông trại cần có cái tâm
Làm nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, hay bất kỳ ngành nghề nào khác, mục đích chính cũng là để thu về lợi nhuận. Tuy nhiên, “dọn dẹp” hoàn toàn những thứ “thải” ra từ quá trình này, cần đến cái tâm của mỗi người.
Với nước thải từ quá trình chăn nuôi, toàn xã hội sẽ rất cần đến cái tâm của những người làm chủ trang trại.
Ông Thục chọn cho mình một mô hình trồng cây, chăn nuôi hiện đại, tính toán kỹ lưỡng các ưu, nhược điểm của từng loại cây trồng, từng nguồn thức ăn cho lợn, cả cách xử lý chất thải, xây dựng hầm bioga cũng được thực hiện công phu. Bởi vậy, dòng nước cuối cùng sau khi qua xử lý rất trong, đảm bảo tiêu chuẩn nước thải chăn nuôi ra môi trường, có thể tái sử dụng để tắm cho chính vật nuôi, tưới các loại cây trồng.
Ông cũng không ngần ngại chia sẻ cách thực hiện mô hình của mình, nhưng chắc chắn, phải có được tâm và tầm, mới làm được thành công đến vậy. Không phải ngẫu nhiên mà “người nông dân” 49 tuổi này được HTX bầu làm Chủ tịch HĐQT và Giám đốc điều hành. Tại phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” mà Hội nông dân các cấp đã phát động, vai trò của ông ngày càng được khẳng định.
Hiện nay, rất nhiều hộ chăn nuôi không có sự quan tâm đúng mực tới vấn đề xử lý nước thải để giảm thiểu chi phí sản xuất. Điều này trực tiếp gây nên ô nhiễm môi trường, đặc biệt là đất và nước.
Những chủ trang trại này thường chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt, và không tồn tại được lâu dài dưới sức ép từ xã hội. Hiện tại chưa thể xử lý triệt để những cơ sở chăn nuôi như vậy, nhưng các cơ quan chức năng vẫn đang hàng ngày điều tra, xử phạt các trường hợp vi phạm.
Ngày 1/8/2020 vừa qua, Phòng PC 05 chủ trì phối hợp với Công an TX Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đã bắt quả tang trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp, quy mô hơn 400 con lợn nái và hàng ngàn con lợn giống của Công ty TNHH Khánh Giang do ông Đậu Tiến Sỹ (SN 1965, trú tại TDP 4, phường Nam Hồng, TX Hồng Lĩnh) làm giám đốc, đang có hành vi xả trực tiếp nước thải có màu đen bốc mùi hôi thối ra môi trường tự nhiên.
Ông Thục được tôn vinh vì những thành công trong nghề, và cả hành động bảo vệ môi trường sống. Ông Sỹ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những sai phạm, gây ảnh hưởng nặng nề tới môi trường.
Cũng từ cái tâm với nghề, với môi trường, xã hội, số phận của hai chủ trang trại đã rẽ theo hai hướng khác nhau.