‘Cây cao bóng cả’ giữ gìn điệu hồn sông núi

(Sóng trẻ) - Bằng sự tài hoa và niềm đam mê, bà Bùi Thị Bẹ ở tuổi 75 vẫn “thổi hồn” vào tiếng chiêng và câu hát Mường để tiếp tục gìn giữ hồn cốt dân tộc.

Thanh âm ngàn đời vẫy gọi

Từ nhỏ, bà Bùi Thị Bẹ đã thấm nhuần nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mường. Sinh ra và lớn lên ở xã Lạc Sĩ, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình, bà được nuôi dưỡng từ câu hát ru của mẹ. Không biết tự bao giờ, những làn điệu thân quen ấy đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bà, tưới mát tâm hồn bà từ thuở ấu thơ.

Suối những năm tháng tuổi trẻ, bà Bẹ không chỉ học hát mà còn tích cực giao lưu với các xóm làng để học thêm nhiều làn điệu. Người thiếu nữ khi ấy dần quen với giai điệu, thuộc những bài hát. Từ đó, những câu hát, lời ca được cất lên mọi thời điểm trong ngày như khi làm đồng, lên rẫy, chăn trâu, cắt cỏ... “Tôi nhớ mãi lần hát giao lưu khi còn trẻ. Đối phương hát hay nên tôi phải sáng tác câu hát đối ngay lúc đó để đáp lại. Từ những lần đó tôi biết cách ‘ứng khẩu’ để dần hoàn thiện kỹ năng của mình”, bà kể lại.

anh-1-1.jpg
Ảnh 1: Bà Bẹ (bên trái) luôn dành tình cảm đặc biệt với những làn điệu dân ca Mường. (Ảnh: Minh Chuyên)

 

Theo bà, để có thể hát được một làn điệu hay, cần có sự kết hợp của nhiều yếu tố: “Ngoài việc sở hữu một chất giọng truyền cảm, người hát cần biết đưa lời ví và dành sự khen ngợi cho đối phương. Không chỉ vậy, một câu hát Mường có thể được chuyển đổi thành nhiều giai điệu khác nhau, người hát phải đặt lời phù hợp với hoàn cảnh, đối đáp sao cho khéo léo mà vẫn gieo vần nhịp nhàng”.

Bà Bẹ cho biết thêm, bên cạnh tình yêu đối với hát Mường, bà còn dành nhiều thời gian để luyện tập đánh chiêng. Từ lóng (nhịp điệu của cồng chiêng) cơ bản “bình bống binh, bình bống khầm”, bà sáng tạo ra những lóng mới như “mười chín thương, mười chín khầm - thương chín mười, thương chín khầm’’. Các lóng chiêng này không chỉ làm phong phú thêm giai điệu mà còn gắn liền với các bài dân ca Mường như “Bông trắng bông vàng”, “Trầm khầm”... Bà Bẹ khẳng định: “Tiếng chiêng chính là hồn của núi rừng sông suối”.

Từ những những giai điệu “Thường rang, Bộ mẹnh”, bà đã xây dựng cho mình một nền tảng nghệ thuật vững chắc, trở thành người lưu giữ và bảo tồn cái nôi di sản văn hóa của dân tộc mình.

Từng bước lan tỏa văn hóa Mường

Năm 2000, khi chính thức nghỉ hưu, bà Bùi Thị Bẹ dành toàn bộ tâm huyết cho việc bảo tồn và lan tỏa văn hóa dân tộc khi trở thành chủ nhiệm của cả hai câu lạc bộ hát dân ca Mường và chiêng Mường tại địa phương. 

“Ban đầu tôi cùng vài người bạn có chung sở thích thường tụ tập nhóm nhỏ để tập hát với nhau. Tuy nhiên sau khi nhận thấy có nhiều người muốn học, tôi được các cơ quan ban ngành đề xuất để thành lập câu lạc bộ, tạo điều kiện cho bà con. Đến nay, câu lạc bộ ngày càng lớn mạnh với khoảng 20 thành viên hoạt động”, bà Bẹ nhớ lại.

anh-2-1.JPG
Ảnh 2: Dù tuổi đã cao, bà vẫn luôn tích cực tham gia các phong trào của đoàn thể. (Ảnh: NVCC)

Xuất thân là một nhà giáo, sau khi đã về hưu, bà Bẹ vẫn nhận lời về các trường để truyền dạy những làn điệu dân ca Mường cho thế hệ trẻ. Bà kể có lần được mời về dạy ở một trường tiểu học gần nhà, các em học sinh do bà trực tiếp đào tạo đã xuất sắc giành giải nhất trong cuộc thi văn hóa cấp tỉnh khi hát tiếng đời hơ (tiếng Mường cổ). “Nhiều lúc đang đi ngoài đường, tôi thường được gọi vui là ‘cô giáo kìa, cô giáo của xóm mình đấy’, tôi cảm thấy hạnh phúc vì bản thân được mọi người yêu quý”, bà chia sẻ.

Dẫu tâm huyết với nghề, bà Bùi Thị Bẹ cũng đối mặt với không ít khó khăn. Ở tuổi 75, việc mang cả bộ chiêng 12 chiếc để đi dạy không hề dễ dàng. Bà tâm sự: “Tôi phải nhờ các cháu đưa đón và hỗ trợ mang chiêng. Nếu không có các cháu giúp, tôi khó có thể duy trì công việc”. Ngoài ra, cũng vì tuổi tác, nhiều thành viên trong câu lạc bộ gặp khó khăn khi di chuyển xa để giao lưu văn hóa.

anh-3-1.JPG
Ảnh 3: Hình ảnh của bà Bùi Thị Bẹ gắn liền với bộ chiêng, váy Mường. (Ảnh: Ngọc Hà)

“Nguyện vọng của tôi là mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc. Trong những dịp trọng đại như cưới hỏi hay dự lễ hội, tôi thường nhắc nhở mọi người, đặc biệt là những người lớn tuổi ăn mặc đúng với văn hóa dân tộc mình, đội khăn chíp, đeo vòng bạc, mặc váy Mường”, bà Bẹ tâm sự.

Bạn Thu Hằng (19 tuổi), cháu gái bà Bùi Thị Bẹ chia sẻ: “Mình cảm thấy biết ơn và tự hào vì bà không chỉ dạy hát mà còn kể cho con cháu nghe về lịch sử, về văn hóa của người Mường. Mình sẽ luôn cố gắng học hỏi và trau dồi để có thể tiếp nối những giá trị văn hóa mà bà đã dày công gìn giữ”. 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật2 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật2 tuần trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN