“Chuồn chuồn tre Thạch Xá” đứng trước nguy cơ bị mai một

(Sóng Trẻ) - Thời đại công nghệ số, kinh tế phát triển, máy móc có thể thay thế nhiều công đoạn của con người. Vì vậy các sản phẩm thủ công mỹ nghệ càng gặp nhiều khó khăn, nhiều làng nghề đã và đang dần mai một. Chuồn chuồn tre Thạch Xá nằm trong danh sách những làng nghề thủ công có nguy cơ bị mất đi.

Về làng Thạch Xá bắt chuồn chuồn tre

Làng Thạch Xá nép mình dưới chân núi chùa Tây Phương, thuộc huyện Thạch Thất, Hà Nội, nơi đây được ví như "vương quốc chuồn chuồn tre". Về với Thạch Xá, đi đến đâu người ta cũng nhìn thấy những chú chuồn chuồn tre xinh xắn đủ màu sắc, hình dáng và chỉ ngắm chúng thôi là bao nhiêu ký ức tuổi thơ ùa về sinh động, đẹp đẽ như vừa mới hôm qua.

c65edd2a4_anh_1.jpg

Chuồn chuồn tre đã thành phẩm

Chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân làm chuồn chuồn tre nổi tiếng nhất vùng Thạch Xá là vợ chồng anh Nguyễn Văn Tái (SN 1970) và chị Khương Thị Tân (SN 1972). Những chú chuồn chuồn do gia đình anh Tái làm có tiếng là bền, đẹp và đa dạng mẫu mã hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Anh Tái hào hứng kể: “Gia đình anh làm chuồn tre thoát cũng hơn 19 năm. Những năm trước đây gia đình anh cứ làm đến đâu là "cháy" tới đó. Có nhiều người ở tận mãi Sài Gòn, Cần Thơ đặt hàng một lúc cả trăm nghìn con. Đến nay món quà quê dân dã này không chỉ tiêu thụ trong nước mà đã có những đơn hàng xuất khẩu ra nước nài. Những người con xa xứ nhìn chuồn chuồn tre như nhìn về quê hương của mình”.

c65edd2a4_anh_2.jpg

 Công nhân đang tạo hình những chú chuồn chuồn tre

Trung bình một ngày gia đình anh Tái làm khoảng hơn 300 chú chuồn chuồn tre, nài ra còn làm thêm rùa, chim công hay những chú bươm bướm xinh đẹp. Dù hiện nay nghề đã dần bị mai một nhưng đây vẫn là nguồn thu nhập chính của gia đình. Anh vẫn sống và giữ được cái nghề truyền thống cha ông để lại.

c65edd2a4_anh_3.jpg

 Uốn đầu của chuồn chuồn tre bằng que sắt nóng

Có tận mắt chứng kiến mới hiểu được làm chuồn chuồn tre cần sự kiên trì lớn đến như thế nào. Trung bình, mỗi mẻ chuồn chuồn mất gần 1 tháng. Người thợ từ chặt tre để tạo thân chuồn chuồn, sau đó khoan hai lỗ nhỏ bên thân, vuốt đuôi, hơ mỏ để tạo hình cong của đầu chuồn chuồn. Tiếp tục vót cánh, mài đầu và lắp ghép thành 1 con chuồn chuồn mộc.

c65edd2a4_anh_4.jpg

Sau khi sấy khô chuồn chuồn được tô vẽ màu

Từ những chú chuồn chuồn mộc được đặt lên một chiếc que nhỏ, người thợ lại tiếp tục căn chỉnh thăng bằng và dính keo cố định các vị trí trên thân. Anh Tái kể: “Có những tháng trời mưa suốt, chuồn chuồn không phơi kịp để chuyển đi nên phải sấy. Có khi cả chục nhân công làm mới kịp để giao hàng cho khách. Những năm gần đây được quảng cáo nhiều nên nghề ổn định. Có những năm trước đây nghề có thời gian ngắn chững lại, chỉ có thể làm các đơn trong nước”.

“Chuồn chuồn tre”- Kí ức tuổi thơ đang dần bị lãng quên

Nghề “chuồn chuồn tre” ở Thạch Xá không còn thịnh hành như những năm 1999, 2000, một phần do thị hiếu người tiêu dùng khiến những chú chuồn chuồn tre không tìm được chỗ đứng, nguyên vật liệu khan hiếm. Một phần xã hội phát triển nên những món quà quê này ít người còn nhớ đến, mà thay thế vào đó là những đồ chơi hiện đại như smartphone, ipad hay robot điện tử,… Đến nay làng Thạch Xá chỉ còn khoảng 3 hộ gia đình vẫn duy trì và phát triển nghề. 

a38f3ae3c_anh_5.jpg

 Nghệ nhân Nguyễn Văn Tái và những sản phẩm của mình

Đứng trước những khó khăn và thách thức lớn về thị trướng như hiện nay có rất nhiều làng nghề đã mai một, không thể duy trì được. Nhưng thật may mắn khi vẫn còn những nghệ nhân yêu nghề như gia đình anh Tái. Họ giữ nghề và đang phát triển cùng nghề. Sau khi nghe những chia sẻ về nghề với anh Tái tôi có một mối băn khoăn lớn: “Con đường gìn giữ, phát triển nghề truyền thống còn rất dài, liệu sau 30-40 năm nữa có còn những nghệ nhân như anh Tái, có còn những chú chuồn chuồn tre hay không? Hay chúng sẽ như tranh Đông Hồ, giấy Nghĩa Đô, chỉ là một kí ức bị lu mờ. Cần có một hướng đi cho những làng nghề truyền thống này”.

Bên chén trà nóng và nói về nghề, anh Tái chia sẻ: “Anh chỉ mong chuồn chuồn tre này có thể phát triển và đừng mất đi. Nó không những có giá trị về kinh tế mà còn có giá trị về văn hóa. Văn hóa mất đi thì không bao giờ tìm lại được”.

Tuổi thơ là khoảng thời gian quý báu nhất đối với mỗi người và ai cũng nên có những ký ức về tuổi thơ. Và mỗi  một chú chuồn chuồn tre ở Thạch Xá không chỉ lưu giữ kí ức tuổi thơ của mỗi con người mà còn là một giá trị văn hóa trong đời sống. Món quà quê giản dị này cần được giữ gìn và phát triển, bay xa, bay cao hơn nữa đem kí ức tuổi thơ của người Việt đến mọi miền trên thế giới.

Tô Thanh

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN