“Hà Nội, quán xá phố phường”: Hành trình khám phá nét đẹp Thủ đô qua từng trang văn

(Sóng trẻ) - Nằm trong danh sách đề cử Giải “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” hai năm liên tiếp (2019 - 2020), cuốn sách “Hà Nội, quán xá phố phường” của nhà văn Uông Triều đã khắc họa nét đẹp Hà Nội từ góc nhìn mới - góc nhìn ẩm thực.

Hà Nội là thành phố với bề dày nghìn năm lịch sử, là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội của cả nước - đây được xem là một “vị thế” đặc biệt mà hiếm thành phố nào có thể thay thế được. Trong bối cảnh đô thị hiện đại, việc khám phá lịch sử và văn hóa của Thủ đô giống như một hành trình tìm kiếm nét đẹp “trầm tích” giữa thời đại hối hả. 

Mang trong mình một trái tim yêu thương những nét đẹp Thủ đô, nhà văn Uông Triều đã đem đến những điểm nhìn thú vị trong cuốn tản văn “Hà Nội, quán xá phố phường”.

anh-1-2.JPG
Tác phẩm “Hà Nội, quán xá phố phường”. (Ảnh Hải Anh)

Không giống như Vũ Bằng, Tô Hoài - những người con của Hà Thành, cũng chẳng trùng lặp với Đỗ Phấn hay Nguyễn Trương Quý - những người đã gắn bó với mảnh đất Thủ đô từ tấm bé, nhà văn Uông Triều lần đầu đến với Hà Nội vào những năm tháng sinh viên. Rồi một lần nữa, tác giả quay trở lại mảnh đất này cũng là 10 năm sau đó, khi đã là một nhà văn, nhà báo quân đội. Chính vì vậy mà “con mắt nhìn” Hà Hội của nhà văn cũng rất mới mẻ, mạch lạc, xuất phát từ chính những trải nghiệm “thực địa” của tác giả,. Từ “hàng đậu phụ mắm tôm của người đàn bà quê Thái Bình, hay “người đàn bà trung niên quê Nam Định bán hàng miến trộn, bún riêu” đến những con ngõ nhỏ như “ngõ Trạm, “ngõ Huyện”, “ngõ Gạch”, “ngõ Hội Vũ”, … đều được miêu tả một cách vừa đủ, chân thật. 

anh-2-1.JPG
“Ngõ là thế, nhỏ và hẹp, thường là một nhánh của phố nhưng đôi khi có những con ngõ lại giống những con phố độc lập, có tên riêng, rộng rãi, ngõ là phố với tất cả các đặc điểm của nó”. (Ảnh: Hải Anh)

 

Hà Nội dù ở bất kỳ thời khắc nào cũng trở thành “nguồn cảm hứng” đặc biệt cho các nhà văn, nhà thơ. Mỗi cây bút đều chọn cho mình những “điểm nhìn” riêng khi viết về mảnh đất này - đó có thể là Thạch Lam với “Hà Nội băm sáu phố phường”, hay “Chuyện cũ Hà Nội” của Tô Hoài,…Nhà văn Nam Cao đã từng nêu rõ quan điểm nghệ thuật: “Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, biết khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có” (Đời thừa). Quả thực, trong phiên chợ náo nhiệt của văn chương, mỗi tác giả phải để lại cho mình một cái “tôi” riêng biệt, để không trùng lặp với những người đi trước. 

Tác giả Uông Triều chia sẻ: “Mình cũng cố gắng viết nó một cách tương đối mềm mại, để tạo ra  một cái phong cách riêng và không giống với các bậc tiền bối, không những mình mà các bạn trẻ hay bất cứ ai đều có quyền làm như vậy, miễn là nó được độc giả chấp nhận và quan trọng là nó phù hợp với thời đại này, không khí này.”

anh-3-1.JPG
Nhà văn Uông Triều (Ảnh: Hải Anh)

 


“Hà Nội, quán xá phố phường” nhẹ nhàng, bình dị, phù hợp với người muốn tìm hiểu về Thủ đô một cách chân thực, cơ bản và khái quát nhất từ quán xá đến các món ăn. Thậm chí, người đọc có thể xem đó là một “bản đồ du lịch” thu nhỏ, vừa gợi mở, vừa có những giá trị văn chương, khảo cứu nhất định. Hà Nội trong từng trang văn của tác giả Uông Triều gần gũi, dân dã đến lạ thường, nhưng có lẽ cái độc đáo của tác phẩm xuất phát từ chính hành trình khám phá, tìm hiểu của nhà văn. Tác giả đặt trọn tâm hồn vào những quán xá, phố phường Hà Nội để kể lên những câu chuyện đầy màu sắc về cuộc sống. Đồng thời, nhà văn nhấn mạnh vào nét đẹp trong sự gần gũi, giản dị và ấm cúng của các quán xá với các món ăn dân dã làm tăng thêm vẻ thân quen chốn Thủ đô từ ly “Cafe kiểu Hà Nội”, chiếc “Bánh rán cổ truyền” đến “Thanh nhẹ bún cá”, “Đặc sắc phở gà” hay “Trà đá vỉa hè”, … “Hà Nội, quán xá phố phường” không chỉ là một hình ảnh đẹp về những quán xá mà còn là một bức tranh lịch sử về sự thay đổi và phát triển của những nơi này qua thời kỳ lịch sử. Nhà văn Uông Triều sử dụng lịch sử để làm nổi bật vẻ đẹp của Hà Nội qua từng phố phường, tạo nên một hòa âm diệu kỳ giữa quá khứ và hiện tại.

anh-5.JPG
Cầu Long Biên “là con đường đi lại mưu sinh của nhiều người lao động” và chỉ cần “nhìn hướng di chuyển của dòng người là biết bên nào là trung tâm thành phố” (Ảnh: Hải Anh)

 

Văn chương như một gương phản chiếu của tâm hồn con người, không chỉ là nơi thể hiện cái đẹp nghệ thuật văn hóa mà còn là cầu nối vững chắc giữa quá khứ và hiện tại, là bảo tàng của những giá trị văn hóa. Những tác phẩm văn học trở thành cửa sổ mở ra quá khứ, kể cho chúng ta nghe về câu chuyện của một thời đại. Việc giữ gìn di sản văn hóa qua văn chương giúp kế thừa và bảo tồn những giá trị tinh thần của xã hội. Văn chương là nghệ thuật của sự sống, là đỉnh cao của tình yêu thương và là cầu nối bất diệt giữa các thế hệ. 

Và đó cũng chính là mong muốn của nhà văn Uông Triều khi “Hà Nội, quán xá phố phường” tiếp cận được lượng lớn bạn đọc: “Điều tâm đắc nhất với mình là đã lưu giữ được khoảnh khắc của Hà Nội trong con mắt của chính mình và người đọc cũng có thể tra cứu được điều đó. Thực ra có những điều mà  hiếm ai lưu lại được, nhưng văn chương, văn học thì có thể lưu lại đến 5-10 năm sau, và độc giả sẽ nhớ rằng đã từng có Hà Nội như vậy. Thế nhưng, việc lưu giữ đó càng ngày càng khó, thậm chí nó mai một đi rất nhanh theo sự phát triển, hiện đại của thành phố, các giá trị truyền thống dần mất đi, và các thế hệ trẻ sẽ càng khó để tiếp cận. Đồng thời, việc lưu giữ khoảnh khắc, thời điểm đó, nó cũng mang lại hứng khởi cho rất nhiều bạn đọc và đây cũng là cuốn sách mình nhận được nhiều phản hồi nhất từ độc giả.”

anh-4-1.JPG

Góc nhỏ trong phòng làm việc của nhà văn (Ảnh: Hải Anh)

 

Theo chia sẻ của tác giả, hai cuốn sách viết về Hà Nội bán chạy hơn hẳn so với các tiểu thuyết, truyện ngắn khác và được Nhà xuất bản Văn học in ra đến 15000 cuốn các thể loại, thu về lượng bạn đọc đông đảo hơn, đồng thời đưa nhà văn Uông Triều đến gần hơn với độc giả. Đặc biệt, “Hà Nội, quán xá phố phường” đã trở thành đề cử Giải Tác phẩm, Giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” trong hai năm liên tiếp (2019 - 2020). 

Như vậy, văn học không chỉ là một phương tiện để lưu giữ khoảnh khắc, thưởng thức vẻ đẹp của Hà Nội mà còn là một công cụ quan trọng giúp duy trì và phát triển di sản văn hóa độc đáo của Thủ đô, đưa nét đẹp nghìn năm văn hiến đến gần hơn với độc giả trong và ngoài nước. 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN