“Drag Queen” Lê Hải Phong: “Nghệ thuật chính là sự ăn cắp có sáng tạo”

(Sóng trẻ) - “May mắn”, “an nhiên” và “hạnh phúc” là ba từ khóa mà Lê Hải Phong (24 tuổi, Hà Nội), chàng trai theo đuổi “nghệ thuật Drag queen” (diễn viên hóa trang giả nữ), chia sẻ về hành trình làm việc với bộ môn nghệ thuật vô cùng mới mẻ tại Việt Nam.

Sau 4 năm gắn bó với sân khấu của riêng mình, Fiona Hi-Lee (Lê Hải Phong) khẳng định ‘sứ mệnh’ theo đuổi nghệ thuật Drag, đó là truyền cảm hứng cho mọi người xung quanh. 

Khi xuất hiện tại những sân khấu cùng với màn đêm, nơi tràn ngập ánh đèn nhiều màu sắc, Fiona Hi- Lee thể hiện phong thái đầy kiêu sa, lộng lẫy và duyên dáng. Chúng tôi đã có dịp gặp gỡ và trò chuyện với Hải Phong, lắng nghe những chia sẻ đầy cảm hứng và nhân văn của anh về hành trình theo đuổi đam mê và truyền cảm hứng tới cộng đồng.

img_2562.JPG
Lê Hải Phong luôn nhiệt huyết trong từng bài diễn của anh (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Được biết môn Nghệ thuật Drag Queen là bộ môn mới tại Việt Nam, vậy anh Hải Phong có thể chia sẻ rõ hơn về khái niệm Drag Queen được không? 

Đối với khái niệm chung của Drag, Drag là một môn nghệ thuật. Ở đây không có giới hạn cụ thể về giới tính, hình ảnh, tuổi tác của người biểu diễn. Miễn sao mỗi người biểu diễn phải có trách nhiệm thể hiện được tài năng hóa trang, thể hiện được tư tưởng và nhận định của họ về mọi vấn đề trong xã hội họ mang được vào một bài diễn. Đó là một nghệ sĩ Drag chân chính. 

Drag cũng chính là bộ môn nghệ thuật khiến tôi có thể thoải mái thể hiện sự sáng tạo của mình. Tôi được bộc phá mọi giới hạn thường ngày xã hội kìm nén. Tôi có thể đi guốc, biểu diễn, mặc những bộ đầm lộng lẫy, đội những bộ tóc giả nặng nề, cồng kềnh. Tôi cảm thấy đó như một tấm áo giáp “Super hero” (siêu anh hùng) của mình. Đối với tôi, Drag vừa là một bộ môn nghệ thuật để theo đuổi và vừa là cộng đồng để tôi tìm thấy những người thân thiết nhất của mình. 

Theo chia sẻ của anh, một Drag Queen sẽ cần hóa trang và biểu diễn. Vậy nên Drag Queen chắc hẳn hoạt động trong ngày sẽ thường không cố định và sẽ vất vả trong việc hóa trang, chuẩn bị trang phục, di chuyển. Vậy công việc hàng ngày của anh diễn ra hàng ngày cụ thể như thế nào, anh có gặp khó khăn gì với nghề không?

Trước đây, tôi hoạt động riêng lẻ, “solo” (biểu diễn với tư cách cá nhân) nên rất khó khăn, gặp nhiều thách thức. Tôi vừa phải tự lên ý tưởng, tự chuẩn bị trang phục, tự tập diễn. Nhưng hiện tại, tôi là nhóm trưởng của Dập Dìu Drag Haus, mọi khâu chuẩn bị sẽ có các ban chịu trách nhiệm. 

Khi chúng tôi kết hợp với nhau, mọi khó khăn được nới lỏng dần. Hiện tại, thời gian bận nhất của một Drag là sắp xếp lịch làm tóc, thử đồ, tập nhảy, tập diễn, lên ý tưởng cho những sân khấu trong tương lai. 

Khi quyết định Drag là một nghề toàn thời gian, mình phải bỏ thời gian công sức hơn. Nhưng tôi nhận lại được nhiều show diễn, kinh nghiệm diễn, chi phí biểu diễn, cơ hội việc làm cho nhiều bạn xung quanh mình. 

Cuộc sống của một Drag quả thực rất thú vị. Vậy cơ duyên nào đã đưa anh tới với bộ môn nghệ thuật mới mẻ và thú vị? 

Cơ duyên đến với Drag của tôi đơn giản là tình yêu với nghệ thuật biểu diễn, thời trang, màu sắc, sự chuyển biến hình tượng từ người này thành người kia. Từ nhỏ tôi đã yêu thích ca nhạc, biểu diễn. Chính vì vậy, khi lớn lên bản thân tôi đã cởi mở với văn hóa mới, thích theo đuổi sự màu mè, lung linh của sân khấu. 

Tôi thích xem những chương trình như “Thúy Nga Paris”, thích hội họa, nên khi kết hợp đc những khả năng của tôi thì tạo ra một tài năng hài hòa cho nghệ thuật Drag. Drag đòi hỏi vừa đòi hỏi tính sáng tạo hội họa trong make up, cần có nhịp, có sự uyển chuyển, khả năng biểu diễn, bản lĩnh sân khấu. 

Thời gian đầu biết đến Drag qua video make up các Drag Queen trên Youtube. Lúc đầu là do hiếu kỳ và dần dần tôi hiểu ra đó một bộ môn nghệ thuật chân chính được mọi người công nhận, họ đang hoạt động nghiêm túc hàng ngày, hàng giờ, vậy tại sao mình không theo. Mà đã theo phải rất là nghiêm túc, nên mình quyết định theo tới tận bây giờ. 

Anh đã được truyền cảm hứng từ lúc còn nhỏ, vậy những nhân vật đó có ảnh hưởng đến các tác phẩm của anh không? 

Nghệ thuật chính là sự ăn cắp nhưng có sáng tạo. Khi tôi thấy những người đi trước, những nghệ sĩ hoạt động lâu năm trong nghề Drag và cả trong loại hình như nhảy múa, tôi thấy sự chỉn chu và nghiêm túc với nghề, phải tôn trọng khán giả, phải hình ảnh đẹp chau chuốt. 

Tôi phải đặt bản thân vào tầm nhìn của khán giả xem cần gì, thiếu gì. Tôi rất may mắn khi có được những hình tượng từ bé để theo đuổi. Kể cả đến giờ đối với anh chị đi trước trong nghề, tôi vẫn tôn trọng vì họ là nguồn cảm hứng mình học tập và phát triển hàng ngày. 

Để mà nói về một câu chuyện đi diễn hay một sân khấu đáng nhớ nhất, anh sẽ nhắc tới câu chuyện nào ạ?

Đối với nghề Drag, có rất nhiều câu chuyện đáng nhớ. Chúng tôi từng quyết định tổ chức một show diễn ở Hà Nội lấy cảm hứng từ “Paris by night”, lấy tên là “Bede by night”. Đấy là nơi phô diễn tất cả những gì tôi có liên quan tới nghệ thuật, ‘pop culture’ (văn hóa pop) của Việt Nam để hướng tới khán giả người Việt.

Ở nước ngoài nhiều người biết nhưng Việt Nam rất hiếm. Chúng tôi đã làm show “BeDe by night" để người Việt hiểu được các văn hóa Drag Queen lên sân khấu đều rất tương đồng với bản thân mình. Tôi đã thành công ở Hà Nội và muốn tổ chức ở Sài Gòn. 

May mắn show lần đầu ở Sài Gòn của tôi rất thành công, tôi đã mời được những Drag Queen nổi tiếng nhất ở SG tham gia như đội Venus Drag Queen Team, chị Angelina Phạm - người đã có mười mấy năm hoạt động trong nghề. Đó là kỷ niệm rất đáng nhớ, đó là sự thúc đẩy cho tôi phát triển hơn nữa. 

Đó là những thành tích rất quan trọng. Nhưng trong con đường sự nghiệp chắc hẳn sẽ có nhiều khó khăn để đạt được  điều đó. Với nhiều bậc phụ huynh ở Việt Nam, con cái ở trong cộng LGBT sẽ khó được chấp nhận, anh đã phải vượt qua những định kiến như thế nào?

Nhiều bậc phụ huynh khó khăn thì xuất hiện ở mọi nơi dù có là nước phát triển nhất, tùy vào suy nghĩ và văn hóa của mỗi người. Tôi rất may mắn khi gia đình cởi mở, hiểu biết và có học. Họ tiếp xúc với văn hóa nước ngoài như vậy rất lâu rồi. 

Họ chỉ cần biết con trai của họ hạnh phúc hay không. Họ đặt lên hàng đầu là sức khỏe và hạnh phúc của người con. Từ nền tảng như vậy nên tôi được bung xõa nhất tới thời điểm bây giờ. Tôi đã có sự ủng hộ từ hậu phương vững chắc nhất thì mọi định kiến ngoài xã hội chỉ là phù du thôi. 

Sau các bài báo, phóng sự trên truyền hình và các video trên mạng xã hội, anh nghĩ sao về việc mình được nhiều người biết tới? Anh nhận thấy hiệu ứng lan tỏa đối với cộng đồng nói riêng và xã hội nói chung là như thế nào? 

Tôi cảm thấy đó cũng là một sự may mắn và tôi luôn không ngừng phải khiêm tốn, cảm thấy bản thân chưa làm đủ, có thể làm tốt hơn. Tôi sẽ không ngừng học hỏi để giữ được sự yêu quý của mọi người. 

Chúng ta thường phải đi tìm bản ngã của chính mình để thấu hiểu bản thân, nếu để miêu tả hành trình đi tìm chính mình, anh nghĩ đó là 3 từ như thế nào sẽ phù hợp nhất ạ?

Ba từ đó là: may mắn, an nhiên và hạnh phúc. Vì may mắn là từ để tôi nói về người thân, trong đó có gia đình, bạn bè đồng nghiệp, khả năng mình có được sau nhiều năm làm nghề. Thứ hai, an nhiên là tôi tìm đến những gì bình yên nhất, muốn mọi thứ trơn tru nhất. Còn hạnh phúc luôn là một trong những tiêu chí hàng đầu, tôi được bố mẹ dạy như vậy. Sau này khi ta già đi, tôi sẽ thấy điều đó chính là sự hạnh phúc. 

Chắc chắn rằng bố mẹ và những người yêu mến sẽ luôn ủng hộ mọi quyết định của anh. Nhưng bên cạnh đó cũng sẽ có rất nhiều chông gai, thử thách, có những người chưa kịp thời tiếp nhận, anh đã bao giờ có ý định từ bỏ chưa? 

Thực ra với ngành Drag ở Việt Nam, chúng tôi cũng là những bước đi đầu tiên, viên gạch đầu tiên. Những chị em Drag Queen trong Sài Gòn cũng nhiều lần bị từ chối biểu diễn không vì một lý do nào cả, lý do rất mơ hồ như là không được ủng hộ cộng đồng LGBT lộ liễu như vậy, dù họ được mời tham gia chương trình ‘catwalk’, ‘fashion show’, với tư cách là những người mẫu biểu diễn. Nhưng một vài ngày trước khi show diễn diễn ra, họ nhận được thông tin từ ban tổ chức là chính quyền hay một thế lực nào đó không đồng ý sự xuất hiện của Drag Queen dù đó là một sàn diễn thời trang. 

Thế nên Drag Queen hai đầu Bắc - Nam hay gọi cho nhau và hỏi nhau là: “Bây giờ làm thế nào hả em, bây giờ làm thế nào hả chị?”. Chúng tôi cũng chỉ có một câu trả lời… (Anh xúc động). Chúng tôi luôn cố gắng làm tốt nhất có thể để chinh phục khán giả của mình thôi.

Với những bạn trẻ đang chông chênh trong việc tìm kiếm bản thân mình, anh Hải Phong với vị trí là người đi trước, có thể gửi tới các bạn những chia sẻ của mình về “bản ngã” trong mỗi người?

Tôi cũng không dám nhận là người đi trước gì đâu. Với mỗi người, ta chỉ có một số lượng thời gian cụ thể để sống với những gì mình yêu thích nhất. Nếu công việc, sự yêu thích của bạn không gây hại cho ai, làm bạn cảm thấy vui vẻ sống một cuộc sống có ý nghĩa thì đừng vì lời nói nào mà từ bỏ. Hãy tìm được cộng đồng ủng hộ và cùng chí hướng, giữ một tinh thần, sức khỏe tốt nhất. Khi đó bạn sẽ nở rộ nhất. Hãy nhớ chỉ có một số lượng năm ngắn ngủi có đủ sức để làm thôi nên hãy cứ làm đi, ông trời đã có kế hoạch sẵn cho mình rồi (cười). 

Vậy những dự định sắp tới của anh là gì? 

Tôi cùng team Dập Dìu Drag Haus đang ở trong những ngày đầu thành lập nhóm. Chúng tôi dự định sẽ chuyên nghiệp hóa hình ảnh của nhóm, nâng cao chất lượng của các bạn Queen biểu diễn, nhân rộng văn hóa Drag, tìm thêm những bạn trong cộng đồng có khả năng để cùng phát triển Dập Dìu Drag Haus, có thể tầm cỡ quốc gia, một ngày nào đó là quốc tế. Nếu ai chưa biết tới chúng tôi, tôi mong họ có thể nhìn những gì chúng tôi làm, chứ đừng vội buông những lời phán xét.  

Cảm ơn anh đã tham gia phỏng vấn!

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN