Vừa học vừa làm – liệu có đáng?
(Sóng trẻ) - Đi làm thêm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường từ lâu đã phổ biến đối với các thế hệ sinh viên.
Phần lớn sinh viên cho rằng, vừa học vừa làm vừa mang lại nguồn thu nhập và cho ta thêm kinh nghiệm sống. Thế nhưng đôi khi nó lại “mất” nhiều hơn “được”, bởi để cân bằng giữa học và làm không phải là điều dễ dàng. Ngày nay, hình ảnh các bạn sinh viên “nằm nhoài” trên mặt bàn cùng gương mặt ủ rũ vì thiếu ngủ trên giảng đường đại học thường xuyên được bắt gặp. Điều này sẽ dẫn đến vô vàn những hệ quả mà sinh viên – những người bị thao túng bởi cái lợi trước mắt của việc vừa học vừa làm phải đối mặt.
Ảnh hưởng tới kết quả học tập
Thông thường sau khi lên lớp nghe giảng, về nhà sẽ là lúc ta ngồi ôn tập lại những kiến thức đó và chuẩn bị tài liệu cho buổi học tới. Tuy nhiên, nếu đi làm thêm khoảng thời gian dành cho việc học sẽ phải dịch chuyển vào một thời điểm khác sau khi tan làm và cũng có thể bị bỏ qua luôn. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến hệ thống kiến thức bị hổng, kéo theo sự sụt giảm nghiêm trọng về kết quả học tập.
Bạn Bình Minh – sinh viên trường Đại học Giao thông vận tải cho biết: “Mình học sáng, đi làm buổi chiều và học vào buổi tối. Nhưng không phải ngày nào cũng suôn sẻ như thế, có những hôm tăng ca phải làm thêm giờ, về nhà đến ăn còn lười nữa là học, mà ngồi học với trạng thái đấy cũng chẳng hiệu quả.”
Theo kết quả nghiên cứu năm 2012 về “Tác động của việc đi làm thêm đến kết quả học tập của sinh viên trường đại học Cần Thơ”, kết quả học tập ở những sinh viên có đi làm thêm khác biệt với sinh viên không đi làm thêm. Đặc biệt, số giờ đi làm thêm có sự tác động ngược chiều liên kết quả học tập.
Sức khoẻ bị suy kiệt
Chìm đắm vào việc kiếm tiền, thậm chí nhiều bạn còn làm 2-3 công việc cùng lúc để tăng thu nhập dẫn đến tình trạng sức khỏe bị suy kiệt một cách rõ rệt, xuất hiện nhiều bệnh lý nghiêm trọng.
“Mình thường xuyên ngủ gật trên giảng đường vì làm ở quán bar, tần suất công việc cao lại làm vào ban đêm nên khi đến lớp, đặc biệt là những hôm học sáng cơ thể mình như bị vắt kiệt sức, tinh thần mệt mỏi, uể oải, thực sự không còn tâm trí để học hành.” – Bạn Minh Đức, sinh viên trường Đại học Nội Vụ bày tỏ.
Thu hẹp quan hệ xã hội
“Nhiều khi thấy các bạn cùng trang lứa với mình sinh hoạt ở các đội, nhóm mình cũng muốn gia nhập lắm. Nhưng tan học là phải về còn kịp ăn bát cơm mà đi làm nên chẳng có thời gian.” – Bạn Ngọc Anh, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ.
Bạn Huyền Trang, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội cũng thật lòng tâm sự: “Cứ bận rộn cả ngày chỉ đi học, đi làm rồi lại về với căn phòng trọ, những lúc có chuyện buồn hay gặp stress mình muốn có ai đó để tâm sự lắm. Vậy mà quanh đi quẩn lại cuối cùng chẳng có đến một đứa bạn thân để được giải toả. Vì thế mà có những đợt đầu mình lúc nào cũng nặng trĩu, cảm giác bứt rứt, khó chịu lắm”.
Là sinh viên ai chẳng muốn được tham gia các câu lạc bộ, được gặp gỡ bạn bè để học tập, vui chơi giải trí. Nhưng đối với những bạn sinh viên “sáng học, chiều làm” đây lại là niềm mong ước bởi quỹ thời gian của họ quá hạn hẹp. Điều này ảnh hưởng đến khả năng kết nối, tương tác và gặp gỡ những mối quan hệ mới trong xã hội của bản thân sinh viên đó.
Kết hợp đi học với đi làm thêm không phải là điều xấu. Nhưng những gì ta nhận lại từ việc làm thêm đó có xứng đáng với quỹ thời gian ta bỏ ra hay không lại là do lựa chọn, cách sắp xếp của mỗi người.
Vừa học vừa làm là hình thức đi học ở trường, thời gian không phải lên lớp sẽ dành ra để đi làm bán thời gian (có thể là nhà hàng, quán cà phê hay một cơ quan, tổ chức nào đó).