“Hạt giống” ước mơ từ trung tâm Hy vọng
(Sóng trẻ) - Với hy vọng giúp những bạn nhỏ khuyết tật trí tuệ có cuộc sống tốt hơn bằng cách can thiệp sớm và giáo dục đúng cách, gần 20 năm qua, bà Nguyễn Thị Thu cùng trung tâm Hy vọng luôn kiên trì xây dựng môi trường học tập an toàn, ươm mầm ước mơ cho các em.
Trẻ nào cũng cần thương yêu
Trước khi thành lập trung tâm Hy vọng, bà Nguyễn Thị Thu (74 tuổi, Hà Nội) từng làm giáo viên tiểu học. Trong quá trình dạy dỗ các em, không ít lần, bà gặp những trường hợp trẻ nghịch ngợm, chậm tiếp thu. Bà chia sẻ: “Chúng tôi lúc đó chỉ cho các con ngồi một góc riêng để tránh ảnh hưởng đến các bạn khác, không có thời gian để kèm cặp từng em”.
Sau này, khi tham gia khóa đào tạo tại Hà Lan, bà mới biết đó có thể là một biểu hiện của bệnh rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ. Xuất phát từ tình yêu thương dành cho những đứa trẻ kém may mắn, bà Thu cùng bác sĩ Đỗ Thúy Nga và nhà giáo Trần Tú Bình (nay đã mất) thành lập Trung tâm Hy vọng vào tháng 6/2002.
Vốn quen dạy theo chương trình phổ thông, thời gian đầu, các cô giáo tại Trung tâm Hy vọng gặp không ít khó khăn để tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp với trẻ đặc biệt. Bà Thu tâm sự, nhiều lần, trẻ la hét, nghịch ngợm, chạy nhảy trong lớp học, các cô đều bình tĩnh, nhẹ nhàng dỗ dành. Mọi sự nóng vội, trách móc có thể trở thành nguyên nhân khiến các em trở nên quậy phá, “khó bảo” hơn.
“Các bạn nhỏ tuổi thường nghe lời, dễ bảo hơn các bạn lớn.. Có những bạn không kìm nén được cảm xúc mà bộc lộ rõ hẳn ra. Các cô không muốn nhận, nhưng vì thương các em, bố mẹ các em tha thiết xin cho con đến học nên lại nhận. Nếu trẻ bị mắc bệnh mà cứ để ở nhà, không tiếp xúc với ai, không được can thiệp thì bệnh sẽ càng ngày càng nặng hơn”, bà Thu bày tỏ.
“Một nội dung có thể chia thành nhiều tiết, tùy theo sở thích, mong muốn và khả năng tiếp nhận bài của các con. Ví dụ với môn Toán, các cô linh hoạt lựa chọn dạy bằng mô hình hoặc phép tính, đa dạng cách dạy để trẻ có hứng thú học hơn. Qua quá trình giảng dạy, giáo viên mới có thể thấu hiểu tính cách trẻ, nhìn ra khả năng phát triển đặc biệt để định hướng, giúp đỡ các con sau này”, bà Thu cho biết thêm.
Thành công “nảy mầm” từ kiên trì
Trong một tiết học vẽ do trung tâm phối hợp với CLB Tò he của các bạn sinh viên Trường Đại học Greenwich tổ chức, 2 - 3 học sinh được chia thành một nhóm, được hướng dẫn chi tiết về màu sắc, vật thể. Sau nhiều buổi học như vậy, một số em đã biết tự chọn màu tô phù hợp hay vẽ những hình ảnh đơn giản tuy nét còn nguệch ngoạc.
“Chúng tôi dạy nhiều em cả tháng, có khi cả năm không tiếp thu được. Một phần do bản thân chưa hiểu trẻ, phần khác do áp lực từ phụ huynh. Nhưng qua những năm tháng đầu tiên như vậy, tôi dần nắm bắt được sở thích của các em, biết cách làm việc với từng bạn, làm việc với phụ huynh thì mọi thứ cũng dần suôn sẻ”, cô Đoàn Tố Quyên, một giáo viên gắn bó với trung tâm từ những ngày đầu tiên cho biết.
Nhờ can thiệp sớm, nhiều trẻ ban đầu không thể nói rõ ràng, không nhớ được mặt chữ, hay cáu gắt, quậy phá… nay đã biết đọc, biết viết, biết vẽ và làm toán; ngoan ngoãn, lễ phép, tự chăm sóc bản thân trong những sinh hoạt hàng ngày.
“Có những trẻ chậm phát triển nhờ can thiệp sớm đã tiến bộ rất nhanh và sau đó chỉ trong khoảng nửa năm hoặc vài tháng đã ra trường và đi học phổ thông bình thường”, cô Quyên nói thêm.
Bà Nguyễn Thị Thu dù đã 74 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh để tham gia dạy học cùng những cô giáo trẻ. Nhiều học sinh được bà giảng dạy đến nay đã trở thành nhân viên văn phòng hay thậm chí tự thân mở cửa hàng kinh doanh ăn uống.
Theo bà, để những đứa trẻ đặc biệt có thể hòa nhập cuộc sống , sự nhận thức và đồng hành của phụ huynh là vô cùng quan trọng. “Khi phát hiện con bị chậm phát triển, bố mẹ nên có những biện pháp can thiệp sớm. Độ tuổi ‘vàng’ là từ lúc hai tuổi rưỡi để điều trị, vì vậy phụ huynh cần hiểu biết và quan tâm các con nhiều hơn. Tuy nhiên, bây giờ vẫn còn nhiều gia đình thấy con bị như thế, lại che giấu vì sợ bị đánh giá. Bố mẹ hiểu thì con được hạnh phúc, được phát triển bình thường”, bà Thu tâm sự.
Tuy còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và nhân lực nhưng các giáo viên tại trung tâm Hy vọng vẫn luôn cố gắng giúp đỡ, hỗ trợ những đứa trẻ đặc biệt, chia sẻ gánh nặng với gia đình các em. Học phí cũng được trung tâm duy trì ở mức cơ bản, thậm chí giảm cho một số trẻ ở ngoại tỉnh xa xôi đến để đảm bảo các em được giáo dục theo phương pháp phù hợp, phụ huynh cũng vơi bớt nỗi lo về tài chính trong suốt quá trình cho con theo học.