“Lạm phát” điểm học bạ, từ đâu mà ra?

(Sóng trẻ) - Trong thời điểm cả nước đổ dồn sự chú ý vào kỳ thi đại học, tình trạng “lạm phát” điểm học bạ không còn là nỗi lo riêng của các bậc phụ huynh, mà dần trở thành một vấn đề đáng báo động hiện nay.

Thi đại học vốn là sự kiện quan trọng không chỉ đối với học sinh mà còn đối với các bậc phụ huynh. Vài năm trở lại đây, điều này trở nên nhạy cảm hơn khi “cánh cửa vào đại học” ngày càng nhiều trong khi chỉ tiêu trúng tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) có xu hướng bó hẹp lại.

Các hình thức xét tuyển không thông qua điểm thi tốt nghiệp THPT như xét điểm học bạ, xét chứng chỉ ngoại ngữ,... đã không còn xa lạ. Tuy nhiên, liệu rằng đây có phải là một biểu hiện khác của bệnh thành tích khi xu hướng “lạm phát” các loại điểm, đặc biệt là điểm học bạ đang dần rõ nét và trở thành mối lo lớn cho các sĩ tử?

anh-1.jpg
Giáo viên xem hồ sơ dự thi đại học của học sinh (Nguồn: Internet) 

 

Tôi còn nhớ những năm 2010 - 2017, người ta rầm rộ bàn tán chuyện “phải cho con vào trường trọng điểm” đến mức trong chương trình "Gặp nhau cuối năm” cũng khéo léo “cà khịa”. Nhưng không chỉ mỗi chuyện này khiến ta thấy được bệnh thành tích trong ngành giáo dục đang tồn tại thế nào mà nhiều vấn đề khác, nhỏ có lớn có. Ví dụ, phụ huynh cần con đạt điểm 9, điểm 10 trong các kỳ kiểm tra hơn bất cứ điều gì khác; giáo viên âm thầm giúp học sinh nâng điểm để nâng thành tích lớp; nhà trường trở nên qua loa trong việc đánh giá; hay như việc các lớp luyện thi được mở ra nhiều mà không có sự kiểm soát;... Tất cả đều là biểu hiện của bệnh thành tích từ xưa đến nay, gọi nôm na là “bệnh thành tích truyền thống”. 

Cho đến nay mọi thứ vẫn vậy, có cải thiện nhưng chỉ được đôi phần và ngày càng được bình thường hóa. Hơn thế từ đấy còn tạo nên “bệnh thành tích hiện đại”, tinh vi và hiệu quả hơn. Đặc biệt phải kể đến vấn nạn chạy điểm, cấy điểm, mua các khóa học, khóa từ thiện, thiện nguyện không thực chất để làm đẹp học bạ, giúp cho việc xét tuyển đại học bằng học bạ hay đi du học dễ dàng hơn bao giờ hết. Lâu dần, tình trạng “lạm phát” điểm học bạ hình thành. Điển hình, năm 2021 và 2022, cả xã hội xôn xao vì nhiều thí sinh đạt 29 điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn trượt đại học. 

Năm nay, vẫn là câu chuyện điểm cao chót vót cũng không thể đỗ nguyện vọng mong muốn xảy ra ở một phương thức xét tuyển khác đó là dựa vào điểm học bạ. Nỗi lo “lạm phát” điểm học bạ không chỉ là nỗi lo của riêng các bậc phụ huynh có con thi đại học năm nay mà vấn đề này còn báo động đến mức có cử tri đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo: Bỏ xét tuyển đại học bằng học bạ. 

Lời hồi đáp từ phía Bộ rất rõ ràng: "Giữ nguyên, không điều chỉnh". Lý do khách quan được đưa ra là ngày càng có nhiều trường sử dụng phương án xét tuyển này và có kết hợp cùng phương án khác. Bởi lẽ, đây là phương án tiết kiệm chi phí tuyển sinh của trường. Đồng thời, mục đích của phương án này ngay từ ban đầu cũng rất đúng đắn: “Đánh giá được nỗ lực học tập trong thời gian dài của học sinh”. Quan điểm này cũng có cơ sở khoa học nhất định khi nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng, điểm học bạ phổ thông tỷ lệ thuận với mức độ sẵn sàng học tập của học sinh. 

Dù vậy, khi nhìn từ thực tế, người ta thấy xu hướng chạy điểm làm đẹp học bạ hay tình trạng các trường nới lỏng trong việc đánh giá học sinh hiển hiện vô cùng rõ ràng. Vậy điểm học bạ có thực sự xứng đáng là tiêu chuẩn đầu vào đại học hay không? Hay phương thức xét tuyển này đang ngấm ngầm tiếp tay cho bệnh thành tích và liệu rằng nó có đang nuôi dưỡng sự gian dối trong mọi quá trình từ học tập của học sinh đến đánh giá của giáo viên cùng nhà trường, tạo nên một thế hệ “giỏi ảo”? 

anh-2.png
Các sĩ tử làm bài thi đại học (Nguồn: Tapchitaichinh.vn)

 

Xét cho đến cùng, điều các bậc phụ huynh mong mỏi là làm thế nào để con em mình vào được trường đại học hàng đầu, nhưng đồng thời cả xã hội cũng hoang mang về những lỗ hổng trong việc đánh giá kết quả học tập của học sinh các cấp và vấn đề kiểm soát điểm trong khi bệnh thành tích vẫn luôn tồn tại và không ngừng biến hoá dưới nhiều cách thức. 

Nhìn rộng ra, chúng ta cần những giải pháp ngăn chặn tình trạng này diễn ra nhiều hơn. Từ phía gia đình, phụ huynh cần sát sao việc học của con em theo những chương trình bắt buộc trong quá trình học tập, nhưng không nên quá đặt nặng vấn đề thành tích. 

Về phía nhà trường, cần đảm bảo minh bạch trong việc đánh giá kết quả và xây dựng lại các quy định, chính sách để hỗ trợ học sinh say mê với kiến thức trong quá trình theo đuổi việc học. 

Đối với các cấp quản lý, cần xem xét rằng tuyển sinh đại học có thể sử dụng các phương thức không quy thành điểm số như thư giới thiệu của giáo viên chủ nhiệm, thành tích hoạt động xã hội, bài luận giới thiệu bản thân,... Các phương thức này cũng có thể bị gian lận một cách tinh vi, có thể làm nhà trường tốn nhiều nhân lực và vật lực gấp bội cho tuyển sinh, nhưng không vì thế mà chúng ta bỏ qua những yếu tố khách quan khác, ngoài kết quả học tập của các em học sinh. 

Nhưng dù thế nào, điều cơ bản nhất vẫn là việc tự học đến từ những chủ nhân tương lai của đất nước. Chỉ có tự học, tự tiếp thu mới có thể giúp cho các em có một nền tảng vững vàng trước khi bước vào giảng đường đại học. Bởi lẽ, điểm học bạ đẹp mà không thực chất chưa chắc đã giúp các em có một tương lai tốt, nhưng những tri thức mà các em tự trau dồi chắc chắn sẽ giúp các em đến gần hơn với tương lai mà các em mong muốn. 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN