“Livestream” rác - Giải pháp nào để dọn sạch?
Một trong những hệ lụy nghiêm trọng của ứng dụng livestream trên mạng xã hội là vô tình biến không gian mạng này thành một bãi rác văn hóa khổng lồ bởi những phát ngôn, hình ảnh đi lệch chuẩn.
“Nhộn nhạo” rác livestream
Khi tìm kiếm từ khóa "livestream chửi nhau" trên Google, hiển thị khoảng 1.620.000 kết quả trong 0,39 giây. Có thể thấy, thực trạng này đang ngày càng nhức nhối khi nhiều "giang hồ mạng", "thánh chửi" sau khi được "nổi tiếng" vẫn tiếp diễn hoạt động vô văn hoá này mà không bị cơ quan nào cảnh cáo, xử phạt.
Điều đáng buồn là nhiều người có ảnh hưởng trong cộng đồng như nữ doanh nhân N.P.H, người mẫu T.K, ca sĩ Đ.V.H, ca sĩ N.L ... đã mượn livestream để tranh thủ “chửi” với những ngôn từ xấu xí, đả kích: “một con quỷ đội lốt người”, “một con rắn độc”, “một sát thủ không hề tầm thường”. Một điều lạ là, họ càng chửi, số người lao vào xem lại... càng đông. Người đồng tình, hùa theo, người góp ý, phản đối. Nhưng đằng sau đó là những tổn thương tinh thần, danh dự của những nạn nhân mà chẳng ai hay nếu như không nhờ đến sự can thiệp của pháp luật.
Không chỉ có “rác” ngôn từ trên livestream, những hình ảnh dung tục, thiếu đứng đắn xuất hiện nhan nhản khiến nhiều người e ngại về một không gian hỗn tạp, độc hại với những người dùng trẻ tuổi. “Rác” hình ảnh xuất hiện liên tục trên nhiều trang bán hàng online. Để thu hút lượng tương tác cao, các trang này thường xuyên thuê người mẫu ăn mặc “mát mẻ”, “khoe thân”. Với tiêu chí dù bán bất cứ mặt hàng gì, người bán vẫn phải đảm bảo càng hở, càng lố lăng, càng thiếu vải thì càng có nhiều người xem. Họ mặc những trang phục hớ hênh, lộ trước, hở sau, thậm chí không ngại ngần tuyên bố “sẵn sàng cởi” nếu bán hàng đạt doanh số mong muốn. Những trang bán hàng online này thu hút được hàng nghìn lượt xem và tương tác từ cư dân mạng.
Nguy hiểm hơn, với nhiều trang bán hàng kiểu này, chất lượng sản phẩm bán ra không có một cơ quan, tổ chức nào đứng ra đảm bảo. Nhiều trang lợi dụng sự nhộm nhoạm của thị trường livetream tuồn vào những sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo những nhãn hiệu nổi tiếng, được bán ra thị trường với mức giá chỉ bằng 1/10 so giá trị thực. Điều đáng buồn là nhiều người nổi tiếng “vô tư” xuất hiện và dùng tên tuổi của mình để PR, quảng cáo sản phẩm hay trở thành đại sứ thương hiệu mà chẳng quan tâm chất lượng thực sự của sản phẩm ra sao.
Điển hình, đầu tháng 6 vừa qua, cửa hàng của vợ một diễn viên hài bị phát hiện kinh doanh hàng hóa không nhãn phụ và giả mạo nhãn những hiệu nước hoa nổi tiếng như Chanel và Gucci. Trước đó, nam diễn viên hài này cũng từng nhiều lần livestream bán nước hoa trên trang cá nhân.
Cộng đồng mạng vẫn “kẻ tung, người hứng”
Điều đáng tiếc ở đây là một số người dùng mạng xã hội đã tiếp nhận thông tin không chọn lọc. Họ cổ vũ, tích cực xem và chia sẻ các livestream lệch chuẩn này. Khi lượt người xem tăng lên đồng nghĩa với việc những video này càng lan truyền rộng rãi và được nhiều người biết đến hơn.
Dưới những livestream như vậy nhận về rất nhiều phản ứng khác nhau. Tài khoản Thanh Trúc chia sẻ: “Tôi nghĩ bạn nên xem lại cách nói chuyện của mình vì trẻ em vô tình xem và sẽ bắt chước theo thì không tốt”
“Đây là phong cách ăn mặc hiện đại à, tôi cứ tưởng là trang phục đi biển hay đi tắm gì chứ, cái này không phù hợp để phát trực tiếp trên mạng đâu” – tài khoản Hằng Thị bình luận.
Một tài khoản “ Hồng Hạnh” chia sẻ: “ Hay quá chị H ơi, phong sát hết chúng nó đi chị, thay trời hành đạo đi ạ, em luôn về phía chị”
Tất cả mọi vấn đề đều có hai mặt, việc livestream bẩn cũng giống như vậy. Khi một video bẩn có độ tương tác cao, được người dùng chia sẻ rộng rãi thì các cá nhân, tổ chức này vẫn sẽ tiếp tục thực hiện mặc dù biết những hành vi này gây ra hậu quả rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, nhận thức của người xem.
Vì vậy, nếu như một livestream không có sự tung hứng, không có người xem thì đương nhiên cá nhân ấy sẽ không tiếp tục nữa.
Quan trọng vẫn là ý thức của người dùng
Liên quan đến vấn đề này PGS.TS.Nguyễn Thị Tố Quyên - Phó trưởng khoa Xã hội học (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Tôi nghĩ để nâng cao hiệu quả của hình thức Livestream và nâng cao văn hóa trên mạng xã hội, đầu tiên cần nâng cao ý thức của người dùng, giúp họ hiểu được như nào gọi là đúng đắn, công bằng và khách quan.”
PGS.TS.Nguyễn Thị Tố Quyên cho rằng, mạng xã hội được sử dụng với những mục đích lành mạnh, tích cực chứ không phải là đả kích, lăng mạ, chửi bới lẫn nhau. Có rất nhiều người nổi tiếng nhưng lại có những phát ngôn không phù hợp, làm cho người nghe rất bức xúc, có thể là họ không xuất phát từ ác ý nhưng cách thức truyền tải của họ vẫn chưa thật sự chuẩn mực với văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần có chế tài, quy định phù hợp sao cho vừa đảm bảo được quyền tự do ngôn luận của người dân vừa thắt chặt quản lý những hạn chế còn tồn tại.
Đồng quan điểm về vấn đề này PGS. TS Phạm Hương Trà Phó Trưởng khoa, Giảng viên cao cấp (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhận định: “Livestream giống như con dao hai lưỡi, không có biện pháp chính xác nào để thay đổi thực trạng trên ngoài sự tự ý thức của khán giả trong việc chọn lọc thông tin một cách sáng suốt hơn”.
Theo PGS. TS Phạm Hương Trà, phải coi những thứ lệch chuẩn, phản cảm đã và đang tồn tại trên mạng là “rác” – “rác văn hóa”, để mỗi người chủ động tránh xa, đồng thời mạnh tay loại bỏ tận gốc, tránh những hệ lụy khôn lường ảnh hưởng tới đời sống hiện tại và thế hệ tương lai.
Ngày 28.5, Bộ TT&TT có Công văn số 1800/BTT&TT-PTTH&TTTĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý thông tin vi phạm trên mạng xã hội.
Tiếp đó, ngày 17-6, Bộ TT&TT ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Nhằm đưa việc quản lý không gian mạng đi vào nề nếp quy củ hơn.
Dự thảo sửa đổi Nghị định 72 bổ sung thêm một vài quy định mới trong đó có các quy định về thu phí sử dụng dịch vụ dưới mọi hình thức và quy định cụ thể đối với việc cung cấp dịch vụ livestream trên mạng xã hội. Đối với hoạt động livestream của thành viên mạng xã hội, dự thảo Nghị định quy định, chỉ những nội dung về hoạt động văn hóa, giải trí, quảng cáo, khoa học công nghệ, thưởng thức mới được phép sử dụng livestream”.
Mặc dù Bộ TT&TT đã ban hành nhiều quy tắc, quy định, chế tài xử phạt từ giữa năm nhưng tình hình nhộn nhạo khi livestream vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Trao đổi về giải pháp dọn “rác” livestream trên mạng xã hội, Luật sư Trương Hồng Tú Giám đốc công ty Luật TNHH MTV Vạn Tâm An chia sẻ: “Số lượng người dùng lên đến con số chục triệu trên mỗi kênh mạng xã hội thì việc quản lý từng tài khoản khá khó khăn nếu bên chủ quản mạng xã hội không phối hợp. Đối với các mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Youtube,… thì pháp luật Việt Nam chưa kiểm soát được chặt chẽ đối với các công ty công nghệ đa quốc gia này. Điều quan trọng là cách tiếp nhận thông tin của mỗi cá nhân, nếu mỗi người đều là những người tiêu dùng thông tin thông minh, có chọn lọc thì vấn đề kiểm soát của cơ quan an ninh mạng cũng sẽ dễ dàng hơn.”
Quy định tại Mục 4, Chương V Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định định về xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm về thông tin trên mạng với mức phạt tối đa 70.000.000 triệu đồng Đối với cá nhân cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức; danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, hành vi chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân…. . có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Nếu tiết lộ thông tin bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác (mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự) thì bị phạt tiền lên đến 30 triệu đồng. Về trách nhiệm hình sự, các đối tượng tùy vào hành vi, tính chất mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về tội “Làm nhục người khác” (theo Điều 155 BLHS 2015), tội “Vu khống” (theo Điều 156 BLHS 2015), hoặc các tội liên quan đến nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia, an toàn xã hội. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng ban hành thêm Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội ban hành kèm theo Quyết định 874/QĐ-BTTTT. Mặc dù, đây không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng là khung cơ sở, là mức chuẩn mực để cá nhân, tổ chức sử dụng mạng xã hội đánh giá về hành vi ứng xử của mình trên mạng xã hội sao cho phù hợp. |
Bạn nghĩ thế nào về vấn đề:“Livestream” rác - Giải pháp nào để dọn sạch? Quý độc giả có thể tham gia bình luận, đóng góp ý kiến ý kiến của mình qua địa chỉ: [email protected].