“Thủ phủ” vàng mã lớn nhất miền Bắc hối hả cận rằm tháng 7
(Sóng trẻ) - Xã Song Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) nổi tiếng là công xưởng sản xuất hàng mã, xuất đi cả nước. Gần dịp rằm tháng 7, nhiều đơn đặt hàng độc lạ như biệt phủ, siêu xe,... gia tăng, người dân gấp rút hoàn thiện các công đoạn.
Làm suốt ngày đêm để kịp đơn hàng
Nức tiếng cả nước với tranh dân gian Đông Hồ, xã Song Hồ giờ đây còn được nhiều người biết đến là nơi cung cấp vàng mã lớn nhất cả nước.
Dọc đường vào xã những ngày cận lễ Vu Lan không khó để bắt gặp hình ảnh những đoàn xe lớn bé nối đuôi nhau. Được biết, xã Song Hồ cung cấp hàng mã cho hầu hết các tỉnh thành miền Bắc, nhiều nhất là Hà Nội và xuất đi cả các tỉnh miền Trung như: Nghệ An, Hà Tĩnh... Trong làng, người dân tất bật chở hàng hóa từ nhà ra cửa tiệm suốt ngày đêm.
Theo chia sẻ của bà Hương, người có hơn 10 năm sản xuất và bán hàng mã chia sẻ: “Làm nghề này thì làm quanh năm, nắng mưa gì chúng tôi cũng làm vì đơn đặt lúc nào cũng nhiều. Nhưng nhiều nhất là vào dịp Tết Nguyên Đán, rằm tháng 7, tháng 8”. Được biết, các thương lái bắt đầu mua hàng mã số lượng lớn vào từ đầu tháng 7 để phục vụ nhu cầu dịp lễ Vu Lan.
Số lượng hàng hóa bán ra cao gấp 2, 3 lần so với những ngày thường. Dịp cao điểm, nhiều hộ gia đình phải thuê thêm nhân công với giá từ 400.000 - 500.000 đồng/người/ngày. Dù đến làm việc từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều nhưng vẫn có những ngày anh Giang (24 tuổi) vẫn phải làm xuyên trưa, làm thêm giờ tối để kịp chuyến hàng.
Vào mùa cao điểm, người dân ở các vùng lân cận như thôn Tam Á, phố Chẹm,... sẽ đến làng làm thuê hoặc nhận hàng làm tại nhà. Mỗi gia đình chuyên làm một loại hàng hóa như: quần áo, bát đĩa, nhà cửa, hình nhân, ngựa long... Ngay cả những nguyên vật liệu như: giấy bồi, giấy quét màu, tre nứa, bành... cũng được cung cấp chuyên biệt.
Thế nhưng, theo chia sẻ của người dân, so với thời điểm này những năm trước, khách ít hơn và hàng hóa tiêu thụ chậm hơn. “Năm nay, công việc khó khăn nên người lao động không mua mấy, nhà tôi vẫn ế”, chị Hiền - chủ cửa hàng bán vàng mã Hải Hiền cho biết.
“Trần sao âm vậy”
Lễ Vu lan chính là dịp để gia đình thắp hương cho gia tiên. Do đó, đồ dùng cá nhân như quần áo, trang sức, giày dép và đồ dùng sinh hoạt như: nồi, xoong, chảo, tủ lạnh, ti vi... được mua với số lượng lớn nhất. Ngoài ra, biệt phủ, xe sang, điện thoại đắt tiền đều được thiết kế tỉ mỉ, màu sắc như thật. Một vài gia đình đặt hàng với mẫu mã riêng.
Qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ, các sản phẩm vàng mã ở xã Đông Hồ luôn khiến người mua phải ngỡ ngàng bởi độ giống với các sản phẩm trên thực tế. Hàng mã ở đây luôn phong phú và liên tục cập nhật các mẫu mã mới nhất trên thị trường.
Giữa trưa nắng, bà Hương vẫn miệt mài bồi giấy và đem phơi, bà chia sẻ: “Dịp rằm tháng 7 này, mỗi ngày nhà tôi làm 40 - 50 con ngựa to với đủ các màu: đen, trắng, tím, xanh, đỏ, vàng”.
Hiện nay, khoảng 90% các hộ gia đình ở thôn Đạo Tú, xã Song Hồ sản xuất và buôn bán hàng mã. Sở dĩ, có nhiều người theo nghề vì nhu cầu mua sắm của người dân với mặt hàng này ngày càng tăng cao.
Theo chia sẻ của người dân trong làng, dù đã được máy móc hỗ trợ nhưng đa số người dân vẫn làm thủ công nên mất nhiều thời gian. “Làm được 1000 bộ quần áo trải qua nhiều công đoạn như: in, dán, gấp giấy, vào cổ, đóng túi... và cần khoảng 5 nhân công làm một ngày mới xong”, chị Hiền cho hay.
Được biết, năm nay, giá nhập buôn hàng mã tại làng đối với giày dép dao động từ 6.000 - 7.500 đồng/đôi, quần áo dao động từ 2.500 - 20.000 đồng/bộ, xe máy dao động từ 32.000 - 60.000 đồng/chiếc, ngựa có giá 130.000/con... Giá bán từng loại khác nhau, phụ thuộc vào mẫu mã, kích cỡ và chi phí nhân công.
Thu nhập ổn định nhưng ẩn chứa nhiều mối lo
Trước đây, người làng Đông Hồ chỉ làm hàng mã vào lúc nông nhàn, còn bây giờ nó đã trở thành nghề chính. Nhiều gia đình bỏ ruộng hoang hoặc thuê người làm thuê, còn cả gia đình tập trung làm vàng mã.
Trong ngôi nhà khang trang, bà Hương chia sẻ: “Vợ chồng tôi đã có tuổi nên ở nhà làm nghề này nhưng thu nhập cũng ổn định. Trung bình mỗi tháng, nhà tôi cũng dư ra khoảng 15.000.000 đồng, đủ ăn và cho con cháu thêm tiền. Những nhà làm ăn lớn hơn họ còn thu về nhiều hơn”.
Bà Hương tâm sự: “Hồi trẻ, tôi là công nhân ở công ty dệt may nhưng lương thấp lại ở xa nhà nên tôi bỏ việc, về nhà làm nghề này đã được hơn 20 năm”.
Không chỉ người lớn làm vàng mã mà cả trẻ con cũng tham gia vào các công đoạn. Các em nhỏ cắt giấy, bồi giấy, dán hoa văn... khi rảnh rỗi. ó những em mỗi ngày đã kiếm được 100.000 - 150.000 đồng.
Dọc đường Đông Khê, các cửa hàng bán hàng mã lớn nằm sát cạnh nhau. Để mở rộng quy mô sản xuất, một số hộ gia đình không ngần ngại đầu tư máy móc với số tiền lên đến 200.000.000 - 300.000.000 triệu đồng.
Thu nhập ổn định nhưng người dân xã Song Hồ vẫn nơm nớp nhiều nỗi lo. Bởi lẽ, cả làng làm vàng mã, đi đến nhà nào cũng có giấy, tre nứa nên nguy cơ cháy rất cao. Được biết, hàng năm, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đều đến các thôn tập huấn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho người dân.
Để bảo vệ an toàn cho gia đình và mọi người xung quanh, hầu hết các cửa hàng vàng mã tại xã Song Hồ đều lắp đặt các thiết bị phòng chống cháy nổ. Người dân cũng cẩn thận trong mọi khâu sinh hoạt để tránh xảy ra sự việc ngoài mong muốn.