“Thực tập không lương” - Một hình thức bóc lột sức lao động?

anh-thumbnail.jpg

 

Góc sáng, tối của thực tập sinh

Xét về khía cạnh tích cực, dù thực tập không lương, bị “đổ đầu” một khối lượng công việc lớn, nhưng điều đó đem lại cho các bạn trẻ cơ hội rèn luyện kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm không thể có được ở môi trường giáo dục thuần túy hay ở kiểu thực tập “cưỡi ngựa, xem hoa”. Sau quá trình thực tập, bạn có được cái nhìn chân thực nhất về môi trường làm việc thực tế, cũng như suy nghĩ về sự phù hợp với ngành nghề đang theo đuổi. Khi đi làm, bạn cũng có nhiều cơ hội hơn để mở rộng và tạo mạng lưới mối quan hệ hay thậm chí có thể tìm được một người hướng dẫn (mentor) tận tâm sẽ giúp bạn rất nhiều trên con đường sự nghiệp sau này.

Chấp nhận việc làm thực tập sinh không lương trong 2 tháng, bạn Hồng Nhung, sinh viên năm cuối Đại học Ngoại ngữ chia sẻ: “Thời điểm vào công ty, kiến thức về công việc mình làm không có quá nhiều và gần như phải đào tạo từ đầu và công ty cho mình giá trị lâu dài nhiều hơn so với giá trị đồng tiền. Mình có cơ hội làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Project Manager, Marketing, HR, Business Analyst) và học hỏi thêm về code, kiến thức công nghệ và các kiến thức chuyên ngành.”

Thế nhưng, không phải trải nghiệm nào cũng hoàn hảo. Trường hợp của bạn Thùy Linh – sinh viên năm 4 ngành Truyền hình lại rơi vào hoàn cảnh dở khóc dở cười khi phải gánh một khối lượng công việc “khủng” trong thời gian làm thực tập sinh cho một công ty họ hàng. “Là sinh viên năm cuối, với trải nghiệm của cá nhân, mình có thể xử lý khối lượng công việc và chịu áp lực cao ở vị trí Content Planner (nhà hoạch định truyền thông). Dù các đề án mình đưa ra được phê duyệt đều đều, thậm chí còn nhiều hơn nhân viên chính thức và thời gian mình ở lại văn phòng để xử lý các công việc trên 8 tiếng/ngày nhưng nhiều tháng nay, mình vẫn không được hỗ trợ khoản phí nào, tất cả chỉ là “giúp không công.”

Việc thực tập không lương, trên thực tế, cũng ẩn chứa nhiều góc khuất. Bạn Phạm Hạnh – sinh viên năm 3 Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã chia sẻ câu chuyện “nhập nhằng” với đề nghị làm việc không lương của một doanh nghiệp tư nhân. Hạnh bộc bạch: “Hồi cuối năm 2020, mình có tham gia ứng tuyển vào vị trí Content part-time (sáng tạo nội dung truyền thông bán thời gian) tại một công ty khởi nghiệp. Tuy nhiên sau khoảng 1 tháng thử việc, công ty yêu cầu mình chuyển sang vị trí thực tập không lương để học hỏi thêm, đáng nói, các đầu việc của mình vẫn giữ nguyên. Vì vậy, mình đã không đồng ý và quyết định nghỉ việc.”

Hạnh cho rằng định hướng công việc không rõ ràng và trên thực tế, cô bạn đã phải “tự bơi” và làm một mình vị trí này, không có Content (người sáng tạo nội dung truyền thông) thứ hai. Đây là một công ty khởi nghiệp cá nhân nên công tác nhân sự cũng phải tính toán rất kỹ càng và tối giản nhất có thể. Hơn nữa, vì không có kế hoạch cụ thể, nên liên tục có những thay đổi về nội dung công việc. Từ một Content (người sáng tạo nội dung truyền thông), Hạnh kiêm cả thiết kế hình ảnh, sáng tạo video, tự quay tự dựng và tự lên concept cho sản phẩm mới.

“Mình thấy thực tập không lương là một hình thức mang tính bóc lột” trá hình” của chủ doanh nghiệp, viện cái cớ "thực tập, còn phải học hỏi thêm" để thoái thác quyền lợi người lao động” – Hạnh thẳng thắn chia sẻ.

Các bạn trẻ hiện nay rất đa năng, chịu khó cập nhật tri thức, rèn giũa kỹ năng và trải đời từ rất sớm. Thậm chí, nhiều bạn được coi là “người thợ trẻ lành nghề” mà nhiều nhà tuyển dụng nhỏ, start-up (khởi nghiệp) mong muốn sử dụng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều công ty đã lách luật lao động để bóc lột sức lao động của sinh viên. Họ đều sử dụng chiêu bài “giúp hỗ trợ đào tạo” để tuyển thực tập viên nhưng vẫn đổ đầu công việc, buộc sinh viên phải đáp ứng khối lượng công việc lớn, nhằm bóc lột sức lao động và chất xám của sinh viên. Biện minh bằng lý do sinh viên thiếu kinh nghiệm, năng suất lao động không cao..., họ từ chối trả lương, hoặc hỗ trợ thù lao cho các lao động trẻ.

Dẫu biết thực tập sinh không lương là nguồn nhân lực không bền vững, nhưng khi tuyển họ về làm bán thời gian hoặc theo mong muốn hỗ trợ đào tạo, cần có sự sòng phẳng trong việc trả công xứng đáng khi tuyển dụng, cũng như hỗ trợ kịp thời khi sinh viên thực tập làm việc hiệu quả, có cống hiến cho đơn vị. Thực tế, sinh viên phải chịu áp lực từ học phí cao và các chi phí sinh hoạt đắt đỏ, việc phải “cõng” thêm phí thực tập khiến nhiều sinh viên không thể trụ lâu, cũng như không thể cống hiến hết mình để tạo ra giá trị cho doanh nghiệp.

Trả lương khi phát sinh quan hệ lao động

Hình thức thực tập không lương rất phổ biến ở các công ty tư nhân, công ty mới khởi nghiệp, có quy mô nhỏ. Không khó để bắt gặp thông tin tuyển dụng của các công ty này trên các hội nhóm tuyển dụng, các trang web tìm việc làm. Yêu cầu với những đối tượng thực tập sinh không lương thường không cao, đánh vào tâm lý muốn tăng cường năng lực chuyên môn, xây dựng kỹ năng hay chuẩn bị hồ sơ đẹp cho tương lai.

Hơn nữa, việc nhiều công ty tuyển dụng thực tập sinh chính là để đào tạo cho nguồn lao động tương lai, đầu tư sớm để “hớt tay trên” những tài năng đang trong giai đoạn dễ tiếp cận. Khi hai bên cùng có lợi như vậy thì quyền lợi người lao động cũng phải được đảm bảo.

Luật pháp Việt Nam hiện nay không quy định rõ các chế độ, quyền lợi cho thực tập sinh trong thời gian thực tập, cũng như không có quy định ràng buộc về nghĩa vụ của doanh nghiệp sẽ chi trả các lợi ích cho thực tập sinh trong khoảng thời gian này. Tuy nhiên khi đã phát sinh quan hệ lao động, nhà tuyển dụng cần trả một mức lương xứng đáng. Đôi bên sẽ tự thỏa thuận một mức lương phù hợp.

Theo ông Nguyễn Chí Linh, Phó Tổng biên tập Báo Quảng Trị cho biết: “Sinh viên thực tập trong các cơ quan báo chí, hoặc các đơn vị khác đều không có lương, bởi đó là công việc giúp họ nâng cao trình độ nghiệp vụ. Với trường hợp sinh viên đã tốt nghiệp, dựa trên hợp đồng hoặc thử việc tại các cơ quan đơn vị doanh nghiệp, trực tiếp là người sử dụng lao động sẽ ký hợp đồng thỏa thuận tiền lương tùy theo thời gian lao động được Bộ luật Lao động quy định để trả chế độ cho người lao động.”

anh.jpg
Ông Nguyễn Chí Linh - Phó Tổng biên tập Báo Quảng Trị nhận định thực tập không lương là bóc lột chất xám (Nguồn ảnh: nhân vật cung cấp)

 

Tuy nhiên, có một thực tế khác, nhiều bạn sinh viên đi làm vẫn sẽ có một khoản lương theo hợp đồng nhưng không được trả đúng theo các điều khoản mà bị cắt xén đi.

Chia sẻ từ bạn Khánh Linh, sinh viên năm 4, Đại học Hà Nội: "Mình đã từng nhiều lần đi phỏng vấn vị trí thực tập sinh ở các công ty. Nhưng có khá nhiều công ty đến lúc phỏng vấn không trả đủ số lương mà họ đã đề cập trước đó trong phần mô tả công việc. Có một số công ty đề mức lương trong bài tuyển dụng là 4 triệu, nhưng lúc phỏng vấn chỉ trả 3 triệu thậm chí là 2 triệu. Điều này khiến cho mình cảm thấy rất là bức xúc, cảm thấy sức lao động mình bỏ ra không xứng đáng".

Việc sinh viên, người lao động tham gia thử việc tại các cơ quan, doanh nghiệp…mà đơn vị đó không trả lương hoặc không ký kết hợp đồng lao động, không chi trả tiền bồi dưỡng hằng tháng cho người lao động là không minh bạch.

Trước khi bước chân vào thị trường việc làm, sinh viên hoặc đối tượng lao động non trẻ cần nhìn nhận thật rõ những giá trị mà bản thân đang sở hữu, cũng như kết quả muốn đạt được sau quá trình thực tập. Bởi người lao động có quyền lợi yêu cầu người sử dụng lao động chi trả một phần tiền lương tùy theo mức độ để phục vụ công việc của mình. Việc xác định được nhu cầu và mục tiêu là hết sức quan trọng để tránh việc bóc lột chất xám và sức lao động.

Vậy độc giả nghĩ sao về vấn đề thực tập không lương là một hình thức bóc lột sức lao động? Quý độc giả có thể tham gia bình luận, đóng góp ý kiến ý kiến của mình qua địa chỉ: [email protected].

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN