Tết này, vé tàu bán cho ai?
(Sóng trẻ) - Trong khi hành khách chen lấn mua vé xe khách thương hiệu về tết thì vé tàu hỏa lại "ế" do giá cao. Hình ảnh "lèo tèo" vài khách mua vé tàu báo động sự tụt lùi của ngành đường sắt nếu không có một cơ chế hợp lý.
Trái với hình ảnh hành khách chen chúc đến ngất xỉu ở bến xe miền Đông hay khu vực bán vé trên đường Phạm Ngũ Lão của Hãng xe Phương Trang, tại các ga tàu có rất ít hành khách đến mua vé. Tại khu vực bán vé chỉ lèo tèo vài khách ngồi đợi mua vé, lâu lâu có thêm một, hai hành khách đến lấy số thứ tự. Kể từ khi bán vé cho hành khách vào thời gian cao điểm tết, hành khách chỉ tập trung mua vào một, hai ngày đầu, không còn cảnh rồng rắn như mọi năm. Năm nay, vé tàu ế ẩm, còn hàng nghìn vé tồn đọng, không bán được.
Tình trạng ế ẩm tại các ga tàu vì không có người mua vé
Trước tình trạng “ế ẩm” trên, ngành đường sắt phải suy nghĩ: Tại sao tất cả các phương tiện công cộng khác đều phát triển, riêng ngành đường sắt lại thụt lùi. Điều này được lý giải bởi nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính có lẽ là bởi giá vé quá cao. “Nguyên tắc kinh doanh cơ bản là cố gắng có được lợi nhuận cao nhất có thể, nhưng nếu phải đối đầu với lỗ thì cố gắng lỗ càng ít càng tốt. Vậy nên nếu vé tồn đọng thì việc cần làm là giảm giá để bán được càng nhiều vé càng tốt”, bạn Bùi Văn Cảnh (ĐH Nội Vụ Hà Nội) chia sẻ.
Lý lẽ được đưa ra để giải thích cho việc khó điều chỉnh giá vé là: nếu giảm giá vé tàu trong thời điểm hiện tại thì sẽ khó giải quyết về với những người đã bỏ tiền mua vé cách đây 3-4 tháng. Và hệ thống thiết bị in ấn vé đã định sẵn chương trình trong máy tính về giá vé các loại nên cũng khó thay đổi.
Không chỉ vậy, hiện nay, có nhiều hành khách phàn nàn về chất lượng phục vụ của ngành đường sắt. Dịch vụ nhếch nhác dẫn đến việc mất khách là tất nhiên. Ngành đường sắt là doanh nghiệp nhà nước, được bao cấp, vẫn xem ngân sách là “bầu sữa”, “ cha chung không ai khóc”. Rốt cuộc ai là người thiệt thòi? Ai sẽ người làm thay đổi hiện trạng này? Trong khi chờ đợi thì người dân vẫn phải khổ sở vì chuyện đi lại...
Đối lập với ngành đường sắt, các hãng xe khách lại đua nhau "lột xác” về chất lượng phục vụ. Nhà xe Văn Minh, tuyến Nghệ An – Hà Tĩnh (có xe trung chuyển đón và trả khách tận nhà) được ưa chuộng bởi luôn đi đúng giờ, đội ngũ từ nhân viên lái xe, phụ lái đều được đào tạo bài bản về phong cách phục vụ, nói năng nhẹ nhàng, lịch sự, tận tình, chu đáo với khách hàng đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất. Còn ngành tàu hỏa vẫn dậm chân tại chỗ, vẫn những bữa ăn tềnh toàng khiến hành khách ngán ngẩm. Nếu không sớm ngộ ra điều này, chấp nhận thay đổi, bước vào cạnh tranh, thì đến lúc nào đó ngành đường sắt cũng sẽ bị hành khách bỏ rơi, bị thị trường đào thải.
Trong tương lai, nếu không có sự thay đổi, không linh hoạt điều chỉnh giá vé trong sự cạnh tranh của cơ chế thị trường, không biết rút kinh nghiệm và chấn chỉnh… thì đồng nghĩa với việc ngành đường sắt đã tự loại mình ra sự phát triển chung của xã hội.
Ngô Văn Cường
Báo mạng điện tử k32
Nguồn ảnh: Internet
Cùng chuyên mục
Bình luận