“Tiên học lễ - Hậu học văn”: Chuyện không phải của ngày hôm qua
(Sóng trẻ) - Ông cha ta đã để lại cho con cháu lời răn dạy mà ngày nay rất dễ bắt gặp ở không ít trường học với câu “Tiên học lễ - Hậu học văn”. Từ lâu, đây chính là nền tảng để con người tiến tới sự hoàn thiện về trí tuệ và nhân cách.
Để đất nước có những thế hệ vàng son ở mỗi giai đoạn lịch sử của dân tộc, “Tiên học lễ - Hậu học văn” luôn là mục tiêu để ngành giáo dục nước nhà hướng tới.
Trong thời kỳ của hội nhập và mở cửa, cùng với tác động của cơ chế thị trường, nhiều lĩnh vực của nước ta đã phát triển. Song, có những mặt trái cũng đã xuất hiện ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Trong đó, đáng báo động là vấn đề đạo đức lối sống của đối tượng thiếu niên, học sinh.
Nhiều người cho rằng, một số học sinh bây giờ có thể “sợ” thầy cô, nhưng để gọi là kính trọng thì lại là chuyện khác. Theo lời các bậc ông cha, trở lại những năm 80 của thế kỷ trước, dù lúc ấy đất nước còn muôn vàn khó khăn thiếu thốn nhưng rất hiếm có chuyện trò vô lễ, thậm chí đánh lại thầy như gần đây. Không dừng lại ở đó, ngày nay, thái độ kính trọng, lễ phép đối với người lớn cũng có phần bị xem nhẹ. Ta có thể dễ dàng bắt gặp cảnh tượng học sinh thấy người lớn nhưng không chào hỏi, thậm chí là nhìn với ánh mắt thiếu tôn trọng. Chuyện học sinh văng tục, chửi thề cũng diễn ra phổ biến.
Đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao nên giới trẻ dễ dàng tiếp cận với những tiến bộ về công nghệ thông tin, các luồng văn hóa của thời mở cửa… Từ đó dẫn đến chuyện dậy thì sớm, yêu sớm, và cả quan hệ tình dục sớm là điều khó tránh khỏi. Nhưng nếu với cái cách suy nghĩ của một số người cho rằng cứ để cho các em thoải mái tiếp cận với “thế giới văn minh”, để rồi bất chấp cả thuần phong mỹ tục, truyền thống tốt đẹp vốn có của dân tộc là điều thật sự đáng quan ngại,
Điểm qua những chương trình mang tính giáo dục, chương trình dành cho lứa tuổi thiếu nhi trên các đài truyền hình, ta có thể thấy dường như các chương trình mang tính giải trí, tính thương mại đã “lấn sân”. Các em bị người lớn tạo điều kiện để “lão hóa” sớm, người lớn hướng dẫn, khuyến khích các em hát những bài hát, vở diễn của người lớn. Những bộ phim truyền hình nói về lứa tuổi thanh thiếu niên tính giáo dục cũng không thuyết phục nhiều. Trong các nhà sách, truyện tranh rất phong phú nhưng tính giáo dục, định hướng cho thanh thiếu niên không cao.
Do đó, để giảm thiểu cái “xấu xí” hữu hình và vô hình của người Việt, việc giáo dục kết hợp giữa xã hội, nhà trường và gia đình luôn luôn phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực hơn nữa. Bên cạnh đó, cần thay đổi chính là thay đổi cách thức giáo dục trẻ, thay vì áp đặt một chiều thì hãy gợi mở để trẻ sẵn lòng cất lên tiếng nói của mình. Thế hệ làm chủ đất nước phải sở hữu đầy đủ cả trí tuệ lẫn đạo đức mới có thể giúp xã hội phát triển bền vững. Vì tương lai của một nước Việt Nam vững mạnh và hùng cường, cần ngẫm nghĩ kỹ về câu nói “Tiên học lễ - Hậu học văn”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Theo đó, “Tiên học lễ, hậu học văn” xứng đáng có một đời sống bền bỉ không thể nào mai một. Nó không chỉ là một triết lý giáo dục, mà còn là nét văn hóa, truyền thống của Việt Nam.