“Xóm chạy thận” gồng mình qua mùa dịch
(Sóng trẻ) - Cuộc sống của những bệnh nhân ở “xóm chạy thận” vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn vì họ vừa phải đối diện với những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, vừa phải chống chọi lại cái nắng gay gắt của Hà Nội.
Nằm lọt thỏm trong con ngõ nhỏ 121 Lê Thanh Nghị (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng), “xóm chạy thận” là cái tên quen thuộc mà người dân xung quanh đây ai cũng biết. Từ lâu, con ngõ nhỏ này đã trở thành chỗ lưu trú của hơn 100 bệnh nhân chạy thận theo chu kỳ tại Bệnh viện Bạch Mai.
Mỗi bệnh nhân - một câu chuyện
Bước vào khu trọ nhỏ hẹp của những bệnh nhân chạy thận, mùi ẩm thấp xen lẫn mùi thuốc tây lan tỏa khắp không gian. Giữa hai dãy trọ, lối đi lỉnh kỉnh đồ đạc, nhỏ đến mức chỉ vừa chiếc xe máy lách qua. Mỗi dãy nhà cấp 4 cũ kĩ, lụp xụp có khoảng từ 8 – 10 phòng sát nhau. Mỗi phòng vỏn vẹn gần chục mét vuông, chỉ đủ kê một chiếc giường nhỏ, đồ dùng sinh hoạt với một ít đồ dùng cá nhân và chiếc bếp nhỏ.
Trong những ngày nắng nóng 40 độ, đối với những người bình thường đã khổ thì với bệnh nhân mang trong mình “trọng bệnh” còn vất vả hơn nhiều. Do tính chất của căn bệnh nên mọi người phải ở lại để tiện cho việc sinh hoạt, điều trị chạy thận, lọc máu theo chu kì. Đa phần mọi người đã sống ở đây rất lâu, người ở ít thì 2 – 3 năm, người ở lâu thì đến cả chục năm. Họ phải xa nhà, xa quê sống chen chúc nơi phố thị xa hoa để duy trì sự sống.
Vừa gặp tôi, bà Tuất (50 tuổi, Hoà Bình) đã vui vẻ giới thiệu và kể cho tôi những câu chuyện tại “xóm chạy thận”. Có lẽ, bà đã quen với việc có người người lạ đến tìm hiểu về khu xóm này. “Căn bệnh suy thận này vất vả và khổ lắm. Chưa phải lọc máu còn được ở nhà ăn uống, kiêng khem… Nhưng khi lọc máu rồi lại phải sống xa nhà. Khi mà chưa có dịch Covid-19, những ngày không phải chạy thận cô đi bán chai nước trong bệnh viện, nhặt ve chai tối về ở nhà làm thêm. Từ khi dịch bùng phát chỉ ở quanh quẩn ở nhà thu nhập chẳng được là bao.” – bà Tuất chia sẻ.
Anh Tuấn quê ở Nam Định gắn bó với xóm trọ này đã 17 năm. Anh ở một mình, vừa nỗ lực làm thêm để chữa bệnh, "sống qua ngày" và phụ vợ nuôi con ở quê. "Tính sơ sơ một tháng tôi phải tiêu tốn 6 triệu đồng cho mọi chi phí của bản thân, đó là chưa kể tiền gửi về cho vợ con ở quê. Cũng may có thẻ BHYT nên các bệnh nhân ở đây được hỗ trợ phần nào tiền viện phí, thuốc men", anh Tuấn nói.
Đếm với “xóm chạy thận”, mỗi bệnh nhân đều có một hoàn cảnh éo le mà theo lời kể của bà Tuất “mỗi người một số phận”, nhưng tôi thấy rõ được sự lạc quan của họ trước cuộc đời mờ mịt phía trước. Họ như những bông hoa đang treo mình trước gió, không biết sẽ bị gió quật ngã bất cứ lúc nào.
Từ đám cưới như cổ tích, đến nỗi khổ tận cùng
Tiến sâu hơn vào trong con xóm nhỏ, tôi được gặp gỡ và tìm hiểu hoàn cảnh của vợ chồng anh Trần Tư Toàn (1990) và chị Đỗ Thị Hồng Thanh (1992). Anh chị là người quê Hà Nam đến sống tại "xóm chạy thận" Lê Thanh Nghị đã được 3 – 4 năm. Anh chị là câu chuyện đặc biệt trong “xóm chạy thận”. Cuộc sống của 2 vợ chồng vốn đã khó nay càng chật vật hơn dưới cái nắng 40 độ của Hà Nội, và sự bùng phát của dịch Covid-19.
Ngồi tâm sự, tôi không khỏi bất ngờ khi 2 vợ chồng có tuổi đời còn quá trẻ nhưng đã phải chạy thận nhân tạo nhiều năm nay. Theo lời chia sẻ của chị Thanh, “gia đình chị có 3 chị em nhưng cả 3 chị em đều bị bệnh”. Năm 2009 (17 tuổi), gia đình phát hiện chị bị bệnh Lupus ban đỏ, để có tiền chữa trị bệnh cho chị, bố mẹ chị đã phải bán đất, bán nhà cửa. May mắn mỉm cười với chị khi bệnh thuyên giảm mặc dù đến nay cơ thể vẫn phải sống chung với căn bệnh này. "May mắn nhất đối với em thời gian đó là được gia đình quan tâm, chăm sóc hết mực nhưng cũng vì chữa trị bệnh cho em mà kinh tế gia đình đã rơi vào cảnh khó khăn”.
Quen biết nhau qua mạng xã hội, anh chị đã quyết định đi đến hôn nhân. Tưởng chừng sau khi đám cưới diễn ra, cả 2 sẽ có cuộc sống hạnh phúc, vượt qua khó khăn bệnh tật. Nhưng sau khi đón Tết Nguyên đán 2018, biến cố bất ngờ ập đến khiến cả 2 vợ chồng tưởng chừng không thể gượng dậy được.
"Thấy người, chân tay bất ngờ phù to lên nên được gia đình đưa đi cấp cứu, lúc này các bác sĩ nói em bị suy thận nặng nên buộc phải bỏ đứa con hơn 2 tháng trong bụng để đảm toàn tính mạng. Lúc này, dù đau đớn lắm nhưng gia đình vẫn phải nghe theo bác sĩ để giữ lấy tính mạng cho mình.", chị Thanh nghẹn ngào tâm sự.
Kể từ khi vợ bị bệnh, anh Toàn cũng phải cố gắng hết sức, anh bỏ lại tất cả khăn gói cùng vợ lên trọ tại "xóm chạy thận" Lê Thanh Nghị. Những ngày đầu chăm sóc vợ, anh làm đủ thứ nghề để kiếm tiền lo cho vợ của mình, từ sửa xe thuê đến chạy xe ôm, chạy shipper.
Số phận khổ cực, bệnh tật vẫn tiếp tục hành hạ đôi vợ chồng trẻ. Đầu năm 2019, anh Toàn bất ngờ phát hiện mình bị suy thận cấp độ 1, với cấp độ này anh chỉ phải thăm khám, uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Riêng chị Thanh, cứ cách ngày lại khăn gói vào bệnh viện Bạch Mai để lọc máu duy trì sự sống.
"Bệnh đã diễn biến ở độ 5 nên cơ thể gần như không còn làm được bất cứ việc gì, ngay cả việc ăn uống, vệ sinh hay di chuyển cũng phải nhờ đến sự giúp đỡ của chồng. Ngoài ra, những ngày nắng nóng cơ thể như người bị hoang tưởng, hay sợ hãi, đêm không tài nào ngủ được.", chị Thanh nghẹn ngào.
Dù mang trong mình căn bệnh mạn tính, anh Toàn vẫn phải tranh thủ đi giao hàng bằng chiếc xe máy do một người họ hàng cho mượn. Nhưng, sức khỏe yếu cùng với sự khó khăn trong Covid-19 nên cứ vài ngày anh mới dám chạy một cuốc để mua cho vợ xuất cơm, quả trứng hay lạng thịt cải thiện bữa ăn.
Gia đình anh Toàn - chị Thanh, là một trong những hoàn cảnh khó khăn của xóm. Khó khăn bệnh tất là thế, nhưng tôi thấy được tinh thần lạc quan, kiên cường chiến đấu với bệnh tật của đôi vợ chồng trẻ qua cách họ chia sẻ câu chuyện của chính mình. Tận mắt chứng kiến, tôi hiểu khó khăn mà những bệnh nhân “xóm chạy thận” Lê Thanh Nghị đang phải trải qua. Vì dịch Covid-19, mà cuộc sống khó khăn của họ nay lại càng vất vả, nhọc nhằn hơn.