Cảnh báo nguy cơ ngày càng nhiều người trẻ mắc bệnh cột sống
(Sóng trẻ) - Theo TS. BS Nguyễn Hoàng Long, số lượng người trẻ mắc các vấn đề cột sống nhiều sẽ là gánh nặng cho gia đình và xã hội vì giảm giờ làm, giảm năng suất lao động và tăng chi phí cho điều trị.
Ngày càng xuất hiện nhiều người trẻ khám bệnh cột sống
Theo ghi nhận của phóng viên những ngày đầu tháng 3 tại khoa Phẫu thuật Cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, không ít người còn rất trẻ tới khám các vấn đề liên quan tới cột sống.
Cầm trên tay tệp giấy tờ trong hồ sơ bệnh án, anh Lê Quang Vũ (21 tuổi, trường Đại học Hàng Hải Việt Nam) chia sẻ: “Tôi thi thoảng đau mỏi lưng, các hoạt động như vặn mình, cúi gập trở nên khó khăn. Ban đầu, tôi nghĩ đó chỉ là vấn đề bình thường, chỉ cần nghỉ ngơi một thời gian là sẽ hết. Nhưng tình trạng ngày càng tiếp diễn và đau nhức hơn nên tôi đã quyết định đi khám bệnh”.
Vì đang là sinh viên, thời gian chính thường dành cho học tập. Khi có thời gian rảnh, Vũ lại chọn các trò chơi điện tử để giải trí và ít khi vận động. Trong lúc giải trí, Vũ thường nằm hoặc ngồi các tư thế sai lệch trong một thời gian rất lâu. Sau khi nhận kết quả, Vũ cho biết: “Tôi cảm thấy rất tự ti nếu ai biết mình bị vẹo cột sống. Giá mà tôi quan tâm tới sức khỏe mình hơn hơn”.
Tìm đến bệnh viện Việt Đức để thăm khám, Nguyễn Minh Hiến (27 tuổi, Yên Bái) vẫn không hết bàng hoàng khi biết mình bị thoái hóa cột sống thắt lưng: “Lúc đầu, triệu chứng chưa rõ ràng. Tôi chỉ thấy đau ở vùng thắt lưng. Ngồi lâu một tư thế hoặc đứng lâu là bị đau. Gần 1 tháng sau tôi mới đi khám do không chịu nổi nữa, tôi làm gì cũng thấy mệt mỏi, đau nhức, nhất là ngủ không được ngon giấc. Mỗi khi xoay người lúc ngủ lại đau.
Sau khi có kết luận của bác sĩ thì tôi khá sốc, mới 27 tuổi mà đã bị vấn đề cột sống, mà bệnh này còn không chữa được nữa. Tôi khá suy sụp, buồn chán nhưng đành chấp nhận chứ biết thế nào”.
Anh Hiến cũng chia sẻ, công việc thường làm của anh là thợ cắt tóc. Bởi đứng lâu cả ngày và không quen với việc mang vác nặng bỗng chuyển sang mang vác đồ có trọng lượng lớn hơn nên cột sống dẫn tới bị chèn ép và thoái hóa.
Là một tu sĩ Phật giáo, công việc hằng ngày của sư cô T.T.T (30 tuổi, Thái Bình) bao gồm việc phụng sự, lao tác và ngồi thiền. Đây cũng là những nguyên nhân chính gây nên “thoát vị nội xốp đĩa đệm” của sư cô. Nhưng khác với thái độ của Vũ hay Hiến khi biết bệnh tình, sư cô cho biết: “Có thể do quá trình phụng sự tôi bê vác nặng so với sức và ngồi thiền sai tư thế. Chùa mình chỉ có ni (chỉ có nữ), ngày thường ít có người nam nên mọi công việc của chùa mình lo cả”.
"Gánh nặng cho gia đình và xã hội"
Theo thông tin từ trang World Health Organization (WHO), tỷ lệ người trẻ mắc cột sống trên thế giới là khoảng 2-3%. Tuy nhiên, tỷ lệ này có thể khác nhau tùy vào vùng địa lý, độ tuổi và giới tính.
Trao đổi với phóng viên, TS.BS Nguyễn Hoàng Long (Phó trưởng khoa Phẫu thuật Cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) cho biết, mỗi ngày, khoa Phẫu thuật Cột sống của bệnh viện khám cho 200-300 người bệnh, trong đó sẽ có khoảng 10-20% là người trẻ tuổi (dưới 30 tuổi).
“Mặc dù đa phần người bệnh tới thăm khám chủ yếu ở độ tuổi trung niên và người già. Tuy nhiên, số người trẻ tới khám đã tăng lên. Thậm chí, có những cháu 14-15 tuổi cũng tới khám”, BS Nguyễn Hoàng Long chia sẻ.
Theo bác sĩ Long, các bệnh nhân trẻ tới khám với triệu chứng chính là đau cổ vai gáy hoặc đau lưng và được chẩn đoán do nhiều nguyên nhân như thoát vị đĩa đệm, thoái hóa đĩa đệm, khuyết eo đốt sống, trượt đốt sống …
Với mỗi nguyên nhân sẽ có nguy cơ ảnh hưởng khác nhau tới cuộc sống người bệnh như có thể tiến triển gây chèn ép thần kinh sau này với triệu chứng đau dọc lan xuống dưới chân theo đường đi của dây thần kinh tọa hoặc đau tê lan xuống tay. Nếu muộn hơn có thể gây yếu liệt tay hoặc chân, thậm chí số ít trường hợp chèn ép còn gây nên rối loạn đại tiểu tiện.
Về số lượng người trẻ khám các bệnh cột sống ngày càng tăng, nguyên nhân chính được bác sĩ Long nhận định là do môi trường xã hội. Hiện những người trẻ đảm nhận những công việc văn phòng sử dụng máy tính với tư thế ngồi chưa đúng, ngồi lâu ở một vị trí, ít vận động, thể dục thể thao không thường xuyên, ít khởi động trước và sau chơi thể thao gây sang chấn cho cơ thể.
“Với số lượng người trẻ tăng trong các vấn đề cột sống sẽ gây nên gánh nặng cho gia đình và xã hội. Giờ làm việc giảm khiến giảm năng suất lao động và tăng chi phí cho điều trị”, bác sĩ Long cảnh báo.
Lời khuyên được bác sĩ Long đưa ra dành cho các bạn trẻ hiện nay để phòng tránh - giảm thiểu các căn bệnh về cột sống: Không nên ngồi một tư thế quá lâu; nên vận động, giải phóng áp lực lên cột sống và hệ thống cơ dây chằng xung quanh bằng cách đứng lên rời khỏi vị trí và vận động cơ thể 2 giờ/lần; ăn uống đủ chất; chơi thể thao tránh sang chấn bằng khởi động kỹ, làm nóng cơ thể trước khi chơi; sau khi chơi xong cần giãn gân cơ thả lỏng người để tăng sự linh hoạt mềm dẻo của cột sống. Khi có bất kỳ vấn đề cột sống cần đi khám bác sĩ chuyên khoa sớm tránh tổn thương nặng tiến triển.