“36 kế” về quê ăn Tết của sinh viên các tỉnh chuyển tuyế
(Sóng trẻ) – Việc điều chuyển các tuyến xe khách liên tỉnh từ bến xe Mỹ Đình sang bến xe Nước Ngầm đã mang lại không ít khó khăn cho sinh viên ở gần khu vực bến xe Mỹ Đình. Do đó, các sinh viên Nam Định, Thái Bình, Nghệ An,… đã lựa chọn các phương thức di chuyển khác nhau để về quê dịp Tết Nguyên đán 2017.
Mệt mỏi hàng giờ trên xe bus
Không còn sự lựa chọn nào khác, nhiều sinh viên vẫn phải chịu khổ di chuyển bằng xe bus ra bến xe Nước Ngầm hoặc Giáp Bát.
Từ bến xe Mỹ Đình đi bến Nước Ngầm có các tuyến 16 và 60 (A, B), đến Giáp Bát có các tuyến 16, 29. Theo quan sát của phóng viên, mất khoảng một tiếng đồng hồ đi từ bến Mỹ Đình đến bến Nước Ngầm hoặc Giáp Bát, chưa kể thời gian bị tắc đường.
Người lao động và sinh viên gặp nhiều khó khăn trong khi di chuyển về quê ăn Tết.
Nhiều sinh viên lo lắng về việc không mang được nhiều đồ lên xe bus, xe đông dễ bị mất đồ, bị tắc đường,… khiến quãng đường về quê càng thêm mệt mỏi, đặc biệt là các bạn bị say xe.
Thời gian đi xe bus kéo dài khiến sinh viên thêm mệt mỏi.
Bạn Lê Như Quỳnh (sinh viên Đại học Mỏ - Địa chất, quê Nam Định) lo lắng: “Đồ nhiều mà mình phải lách cách xách đồ sang tận bến Nước Ngầm. Về quê lại mất thêm một tiếng xe bus nữa. Nếu tắc đường thời gian ngồi xe bus còn lâu hơn.”
Bạn Trương Thị Lâm (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, quê Thanh Hóa) chia sẻ: “Mình bị say xe, Tết về nhiều đồ, nếu ra bến Nước Ngầm chắc mình sẽ đi xe ôm dù phải mất thêm một khoản chi phí nữa.”
Ấm lòng chuyến xe đồng hương
Một số tổ chức đồng hương của sinh viên các tỉnh Nghệ - Tĩnh, Thanh Hóa, Thái Bình đã tổ chức chương trình xe Tết về quê nhằm giúp người lao động và sinh viên về quê ăn Tết thuận lợi hơn. Do đó, nhiều sinh viên thay vì phải “lặn lội” ra bến xe Nước Ngầm, rồi bị nhồi nhét, bắt chẹt trên xe khách đã mua vé của các tổ chức đồng hương.
Các chuyến xe do các tổ chức trên đứng ra thực hiện đón sinh viên tại một số điểm cố định, trong đó có điểm ở khu vực Mỹ Đình. Giá vé bằng với giá vé cố định trên thị trường, xe không nhồi nhét khách.
Một số tổ chức thực hiện chương trình xe Tết về quê cho người lao động và sinh viên.
Bạn Trương Thị Lâm (quê Thanh Hóa) hào hứng chia sẻ: “Mình sẽ về bằng xe của hội đồng hương thuê, không cần phải di chuyển ra bến Nước Ngầm nữa. Giá vé 150 nghìn đồng/1người như đi xe khách nài.”
Tuy nhiên, các chuyến xe này chỉ di chuyển vào thời gian nhất định (theo lịch của các tổ chức). Sinh viên không có nhiều lựa chọn ngày về quê.
Nài ra, một số trường đại học trên địa bàn Hà Nội cũng hỗ trợ xe về Tết cho các sinh viên nghèo như Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Tự túc di chuyển bằng xe máy
Nhiều sinh viên ở các tỉnh thành gần Hà Nội như Nam Định, Thái Bình,… lựa chọn đi xe máy về quê dịp Tết. Bởi chi phí rẻ, tâm lý thoải mái, sinh viên hoàn toàn chủ động về thời gian và phương tiện.
Bạn Phương Thảo (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, quê Thái Bình) chia sẻ: “Mình và bạn đi chung xe máy về quê chỉ mất khoảng 50 nghìn tiền xăng xe, tầm hai tiếng rưỡi là về đến nhà trong khi đi xe khách mất khoảng ba tiếng, chưa kể thời gian ra bến.”
Anh Nguyễn Quốc Đoàn (sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội, quê Thái Bình) tâm sự rằng anh đi xe máy về vì không muốn phải chen lấn hết xe bus lại đến xe khách trên một quãng đường dài, vừa mang được nhiều đồ, vừa chủ động giờ giấc, hơn nữa có cái đi lại trong dịp Tết.
Tuy nhiên, đi xe máy đường dài các bạn trẻ nên chú ý cẩn thận, đảm bảo sức khỏe và tinh thần khỏe mạnh để hành trình về quê ăn Tết an toàn và vui vẻ.
Chỉ còn hơn một tuần nữa là hầu hết sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội được nghỉ Tết Đinh Dậu 2017. Mỗi bạn sẽ lựa chọn cho mình một cách về quê ăn Tết phù hợp với điều kiện của bản thân. Cho dù là cách nào đi nữa, sự an toàn vẫn cần được coi trọng hơn hết.
Kỳ Duyên – Huyền Vũ
Báo chí Đa phương tiện K34A2
Cùng chuyên mục
Bình luận