Ba kinh nghiệm tìm việc làm ở nước ngoài sau du học
Từng gửi hơn 200 đơn xin việc, Tiến Đạt đã rút ra những kinh nghiệm quý báu khi tìm kiếm cơ hội việc làm tại các thị trường quốc tế sau du học: Thử nghiệm thị trường mới, lượng hóa CV và xây dựng hình ảnh phù hợp với công việc và luyện phỏng vấn.
Đinh Tiến Đạt, sinh năm 2002, sẽ bắt đầu công việc chuyên viên tư vấn doanh nghiệp và chính phủ tại công ty tư vấn chiến lược doanh nghiệp Whiteshield từ tháng 10 tới tại Dubai. Trước đó, Đạt du học ngành Quản trị kinh doanh, chuyên ngành Tài chính tại Đại học IE, Tây Ban Nha.
Từ năm thứ 4 đại học, Đạt đã gửi hơn 200 đơn xin việc tại Mỹ, Singapore, Hà Lan, Dubai và nhận được 5 lời mời phỏng vấn. Nhờ vậy, Đạt đúc rút cho mình một số kinh nghiệm xin việc sau khi du học.
Lựa chọn thị trường làm việc mới
Khi tìm hiểu thị trường việc làm, Đạt nhận thấy Dubai khá mới mẻ, cởi mở về thị thực làm việc và trả lương cao mà không đánh thuế. "Các công ty cũng thường rất chuộng học sinh trường top từ châu Âu và Mỹ, nên mình cũng có lợi thế", Đạt nói.
Trong khi đó, Đạt cho rằng dù trả lương cao, thị trường Mỹ không quá hấp dẫn vì đánh thuế thu nhập cá nhân cao, lên tới 30-40%. Ngoài ra, người nước ngoài muốn làm việc ở Mỹ phải được công ty bảo lãnh visa làm việc H1B, thời hạn 5 năm. Theo quy định, Sở Di trú và Nhập tịch Mỹ quay xổ số để chọn người nhận visa trong tổng số đơn đăng ký, tỷ lệ đậu năm 2024 chỉ 14,6%. "Đây là rủi ro mà các công ty thường né tránh, trừ khi bạn phải thật xuất sắc", Đạt nhận định.
Ở thị trường châu Âu, Đạt nhận thấy thường ưu tiên các ứng viên kỹ thuật, khoa học máy tính và phần lớn dùng tiếng bản địa để làm việc. Còn với Singapore, chàng trai đánh giá khó xin việc vì chính phủ nước này có động thái hạn chế lao động nước ngoài từ năm 2021.
Để tìm được việc đúng ngành, Đạt tìm trực tiếp trên website của công ty, sử dụng dịch vụ hỗ trợ việc làm tại trường, mạng xã hội LinkedIn và tham dự các cuộc thi sinh viên. Nhờ chiến thắng trong một cuộc thi do Whiteshield tổ chức hồi năm thứ tư đại học, Đạt được vào thẳng vòng phỏng vấn của công ty này.
Lượng hóa hồ sơ năng lực (CV)
Đạt cho biết quy trình tuyển dụng của các công ty lớn thường kéo dài 3-6 tháng, bao gồm ba vòng, gồm xét hồ sơ năng lực (CV), kiểm tra tư duy và phỏng vấn.
Ở các công ty mời phỏng vấn, CV thường trình bày đơn giản, màu đen trắng theo yêu cầu, và lượng hóa các công việc đã làm bằng các con số. "Lượng hóa giúp công ty hiểu mình đã có kết quả và tạo tác động như thế nào", Đạt chia sẻ.
Ví dụ, khi nhắc tới kinh nghiệm thành lập dự án khởi nghiệp về tư vấn du học Arinet Education, Đạt viết "tổ chức webinar hỗ trợ 300 học sinh Việt nộp hồ sơ du học", thay vì ghi chung chung như: "hỗ trợ học sinh Việt nộp hồ sơ du học". Anh cho rằng một CV mạnh phải nêu ra những kết quả, ảnh hưởng cụ thể của những công việc bản thân đã thực hiện.
Trong vòng kiểm tra tư duy, Đạt thấy đa phần công ty có câu hỏi giống nhau như phân biệt hình ảnh, toán, kỹ năng đọc văn bản và xử lý về tình huống đạo đức. "Bài thi khá khó nên cần làm cẩn thận vì đây là vòng quyết định ứng viên có được phỏng vấn hay không", Đạt nói.
Cậu bạn thường lên các trang mô phỏng các bài thi của nhiều doanh nghiệp trên Thế giới như JobTestPrep để ôn tập. Đây là nền tảng trực tuyến cung cấp công cụ và tài liệu hỗ trợ chuẩn bị cho các bài kiểm tra tuyển dụng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, anh cũng khuyên rằng trên web chỉ đưa ra cấu trúc cơ bản của một bài kiểm tra tư duy, thực tế sẽ còn phụ thuộc vào kiến thức và kỹ năng của bản thân.
Xây dựng hình ảnh phù hợp với công việc và luyện tập trước khi phỏng vấn
Vòng phỏng vấn thường chia thành hai giai đoạn: phỏng vấn độ phù hợp với công ty và phỏng vấn năng lực chuyên môn. Trong vòng đầu tiên, chàng trai nhận thấy việc xây dựng hình ảnh ứng viên phù hợp với tính chất công việc thông qua kinh nghiệm đã có là chìa khóa thành công.
"Mình làm công việc tư vấn học bổng du học, giải quyết khó khăn trong nội bộ, cũng khá tương thích với tính chất công việc tư vấn tại Whiteshield", Đạt nói, cho biết đã áp dụng công thức "chia sẻ câu chuyện/ vấn đề từng gặp + cách giải quyết + kết quả" khi trả lời câu hỏi tuyển dụng.
Ví dụ, khi được hỏi về cách giải quyết mâu thuẫn giữa đồng nghiệp, Đạt trình bày về kinh nghiệm hòa giải mâu thuẫn giữa nhân sự của Arinet Education, từ đó giúp tăng cường sự hợp tác, cải thiện tình hình kinh doanh.
"Phải gắn chặt câu trả lời với giá trị, định hướng của công ty. Bạn phải trả lời thật cụ thể, vì nếu chung chung sẽ thể hiện sự thiếu hiểu biết và nghiên cứu", Đạt chia sẻ kinh nghiệm.
Còn trong vòng phỏng vấn chuyên môn tại Whiteshield, Đạt được yêu cầu đề xuất cách đa dạng hóa nền kinh tế mà không phụ thuộc vào dầu mỏ. Theo chàng trai, đây là vòng thử thách nhất vì ứng viên phải trình bày kế hoạch ngay, không có thời gian chuẩn bị.
"Vòng này đánh giá cao ứng viên ở cách hỏi lại người phỏng vấn, sử dụng số liệu rồi lên khung sườn cho chiến lược", Đạt nói, cho biết hội đồng sẽ quan tâm đến cả tính sáng tạo kế hoạch, bên cạnh sự phù hợp và khả năng thực thi. "Mấu chốt của vòng này là cách đặt câu hỏi đúng để khai thác nhiều thông tin, thể hiện khả năng giao tiếp và giải quyết vấn đề, vốn cực kỳ quan trọng trong ngành tư vấn".
Để làm tốt, Đạt thường xuyên luyện tập phỏng vấn với các anh chị từng làm việc ở Whiteshield nhờ mạng lưới cựu học sinh của trường và tìm kiếm trên LinkedIn.
Đạt nhận định rằng sinh viên mới ra trường không có nhiều kinh nghiệm, Bởi vậy, thay vì kén chọn công việc, du học sinh nên nắm được thế mạnh của mình và tận dụng các mối quan hệ để có cơ hội mới. Cụ thể, tích cực tham gia các hoạt động kết nối, cuộc thi và tận dụng mọi nguồn lực là cách để du học sinh tạo cơ hội tiếp cận tới các doanh nghiệp nước ngoài.
"Các công ty cũng không yêu cầu năng lực giỏi ngay từ đầu, mà họ cần những người tư duy tốt, có khả năng nghiên cứu thị trường và chứng minh bản thân đã có những trải nghiệm liên quan với tính chất công việc mà các bạn nộp hồ sơ", Đạt đúc kết.