Bài 1: Hơn hai thập kỷ sống giữa vòng vây của rác
Từ 1/1/2022, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực, trong đó quy định việc phân loại rác thải sinh hoạt từ nguồn. Điều này được kỳ vọng sẽ làm giảm áp lực lên các khu xử lý chất thải sinh hoạt tại Hà Nội, bao gồm bãi rác Nam Sơn. Tuy nhiên từ khi ban hành luật đến khâu thực thi và đem lại hiệu quả là một chặng đường dài.
Được xây dựng từ năm 1999, qua hơn 20 năm hoạt động, bãi rác Nam Sơn ở thời điểm hiện tại có tổng cộng 18 ô chôn lấp trải rộng trên diện tích 157ha. Mỗi ngày, nơi này tiếp nhận và chôn lấp hơn 5.000 tấn rác thải sinh hoạt, tức khoảng trên 3/4 lượng rác của cả Hà Nội.
Diện tích giữ nguyên trong khi lượng rác đổ về liên tục tăng, bãi rác Nam Sơn từ lâu đã quá tải. Môi trường ô nhiễm, chất lượng cuộc sống xuống cấp trong khi vẫn chưa được di dời là thực tế các hộ dân sống lân cận bãi rác phải chịu đựng hàng năm liền.
Bà Trịnh Thị Lưu là người dân xóm 20, thôn Xuân Bản, xã Nam Sơn, sống cách bãi rác chỉ hơn 150m. Từ nhà bà Lưu, có thể nhìn thấy những núi rác cao đến 2-3 tầng của bãi Nam Sơn. Khối rác cao gần 40 mét, lại đứng ở phía đón gió nam, mỗi mùa hè tới, nhà bà Lưu sống trong cái nóng như thiêu đốt cùng sự bủa vây của mùi hôi thối.
Trong khoảng sân rộng chỉ 15 mét vuông, người bước chân đến đâu, ruồi nhặng ở đó bay lên theo đàn, theo đống. Nhiều lần chỉ cần đặt mâm cơm xuống, ruồi muỗi đã bâu đen xì, khiến khách đến chơi nhà luôn ái ngại mà người nhà cũng không ăn nổi. “Trước đây, đã có lúc rác nhiều quá, người ta phủ bạt rồi, nhưng bây giờ không có chỗ đổ người ta lại lật bạt ra chồng thêm vào như núi. Bây giờ bãi đổ hết chỗ mà chưa giải phóng được nên cứ khơi cao lên”, bà Lưu bức xúc.
Núi rác càng cao, áp lực nén càng lớn làm phát sinh nước rỉ rác ngấm vào đất và mạch nước ngầm. Môi trường ô nhiễm khiến đất đai không thể tăng gia sản xuất. Vì thế, nhiều người phải bỏ đi nơi khác hoặc làm nghề khác. Bà Nguyễn Thị Thu là một trong số đó. Gia đình bà có mảnh ruộng nằm gần bãi rác nhưng không trồng được gì nên bà bỏ đi may túi nilon cho công ty sản xuất yên xe máy, mỗi ngày kiếm hơn 100.000 đồng. “Nước thải đen từ bãi rác tràn về ngập hết ruộng rau cỏ. Gọi người xuống bơm nhưng không có ai. Không làm được gì nên tôi đành bỏ, coi như có ruộng để làm như không”, bà Thu kể lại.
Các hộ dân sống xung quanh bãi rác cho biết nước giếng hơn gần hai chục năm nay đã không thể sử dụng được. Sau khi được kiến nghị, thành phố đã đã khoan giếng cách bãi rác 500m, và nhiều lần chở téc nước về địa bàn. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng thậm chí nguồn nước được cấp cũng không đảm bảo vệ sinh.
Sống trong điều kiện môi trường không đảm bảo, sức khỏe của người dân cũng chạm ngưỡng báo động. Bà Thu kể người dân sống xung quanh bãi rác phần nhiều mắc các bệnh về hô hấp, ung thư tuyến giáp; trẻ em liên tục bị sởi. Dù được khám sức khỏe 6 tháng 1 lần, người dân đều cho rằng chừng đó là chưa đủ.
Theo số liệu từ UBND xã Nam Sơn, hiện địa bàn xã có 879 hộ dân với gần 246 ngàn nhân khẩu sống trong vùng ảnh hưởng môi trường của khu xử lý chất thải Nam Sơn. Cực chẳng đã, người dân sống xung quanh bãi rác mới đổ ra đường chặn xe rác để đòi quyền lợi cho bản thân. Nhưng sau những sự vụ như thế, mọi chuyện đâu lại vào đấy. Vấn đề cốt lõi là tìm ra phương pháp xử lý rác hiệu quả thay thế cho việc chôn lấp đang ngày ngày diễn ra ở Nam Sơn vẫn chưa có câu trả lời.
Để hạn chế tác động của ô nhiễm môi trường đến người dân, nhiều năm qua chính quyền các cấp vẫn luôn nỗ lực giải phóng mặt bằng quanh khu xử lý chất thải Nam Sơn, di dân ra khỏi bán kính 500m tính từ tường rào của bãi rác. Ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) giải thích: “Bãi rác phải cách dân tối thiểu 500m, nhưng do nhiều lý do, khoảng cách trên ngày càng tiến dần đến khu dân cư. Cần phải khẳng định khoảng cách trên chỉ là tương đối, người dẫn vẫn bị ảnh hưởng từ bãi rác. Tuy chỉ giúp giảm thiểu tác động, nhưng việc di dời là thiết yếu.”
Trên thực tế, quá trình di dời diễn ra rất phức tạp.
Anh Nguyễn Đình Trọng là một trong những người đầu tiên của xóm 18, thôn Xuân Bản, xã Nam Sơn ra khu tái định cư. Chất lại đống gạch thừa bên ngôi nhà đang xây, anh Trọng kể: “Nhà anh hồi trước rộng hơn nghìn mét vuông. Khi ra đây, hai bố con mỗi người theo sổ đỏ đất thổ cư thì cũng chỉ được 60m2 mà mình còn phải đóng thêm tiền. Người ta bảo là đăng ký điện nước dần đi để chính quyền nắm tình hình nhưng giờ vẫn không có. Toàn bộ mình phải tự đi mua điện, tự đi khoan giếng.”
Người dân ở đây cho biết, mức tiền bồi thường cho mỗi 1 mét vuông đất thổ cư là 866.000 đồng; giá đền bù của phần diện tích liền kề cho trồng trọt, chăn nuôi bằng một nửa giá đất ở. Ngoài ra, họ còn được nhận phí tài sản để tháo dỡ công trình nhà ở cũ với nhiều hạn mức khác nhau tùy hộ. Thế nhưng, người dân phải bỏ thêm 2.7 triệu đồng cho mỗi 1 mét vuông đất tái định cư. Tiền mua đất còn không đủ, huống chi nói đến việc mua nhà. Cuộc sống vốn đang yên ổn, giờ đây vì rác mà phải gánh thêm nợ.
Cách căn nhà đang xây của anh Trọng chừng 100m là khu đất của ông Trần Hoàng Yến. Ông Yến là hộ được di dời sau nên móng nhà bây giờ mới bắt đầu đào. Nhà cũ của ông rộng 1400m2, tính cả đất liền kề. Đợt di dời này, ông được đền bù 2 tỷ, trong dự tính vẫn thiếu 2 tỷ để xây xong căn nhà ở nơi vẫn chưa có điện, nước. Nói về việc quy hoạch đất, ông Yến giải thích: “Hộ nào có diện tích đất thổ cư trên 1000m2 theo sổ đỏ cũ muốn Nhà nước hỗ trợ thì chấp nhận giảm thửa xuống 400m2 đất tái định cư; nhà nào dưới 1000m2 nhưng phần đất cũ vẫn lớn thì được 240m2. Còn ai có đất ở lúc trước từ dưới 240m2 thì được quy hoạch phần tái định cư có diện tích tương đương.”
Thôn Xuân Bản, xã Nam Sơn còn có xóm 20 sống “chung vách” với bãi rác hơn hai thập kỷ nay. Nằm giáp với khu xử lý chất thải, lẽ ra người dân khu vực này phải được di dời từ sớm; nhưng do không có tiếng nói chung với chính quyền về các chính sách, người dân rơi vào thế “ở không được mà đi cũng không xong”.
Ông Vũ Thế Lực, nguyên Bí thư chi bộ xóm 20 giải thích: “Giai đoạn 1999 - 2001, thành phố đã có chủ trương di dời dân khỏi vùng ảnh hưởng 500m. Khi đó có 2 hình thức: một là ở lại và nhận tiền chịu ảnh hưởng môi trường trong 20 năm; hai là nhận tiền hỗ trợ phá dỡ công trình và di chuyển đi nơi khác. Nhiều người được hỗ trợ phá dỡ công trình bấy giờ cho rằng chính quyền sớm muộn gì cũng đền đất, nhưng không có. Đất không đền bù nên người ta không đi được, nên đành ở lại.”
Ông Lực cho biết thêm đến năm 2014, bãi rác được quy hoạch mở rộng giai đoạn hai, người dân tiếp tục được hỗ trợ tiền phá dỡ công trình, nhưng không được đền bù đất. Đến năm 2019, cuộc họp đối thoại với thành phố về mức giá đền bù đất cũng không đạt được đồng thuận. Người dân bức xúc vì tiền đền bù 866.000 đồng/m2 không đủ để mua đất tái định cư có giá 4.050.000 đồng/m2.
Do chính quyền và người dân không đạt được tiếng nói chung, quá trình di dời vẫn đang mắc kẹt suốt nhiều năm qua. UBND xã Nam Sơn cho biết, hiện Trung tâm phát triển quỹ đất của xã mới chỉ lên phương án chi trả tiền được 198/461 thửa đất cần di dời người dân, tức là chưa được một nửa diện tích đất cần giải phóng mặt bằng.
Những gì xảy ra ở Nam Sơn cho thấy xung quanh câu chuyện về rác không chỉ có môi trường; đó còn là vấn đề kinh tế, an sinh xã hội cho người dân từ năm này qua năm khác. Chất thải sinh hoạt từ nội đô chỉ có thể tăng lên, mở rộng bãi rác là điều phải thực hiện. Rõ ràng, Nam Sơn có trách nhiệm lớn nhất trong quy trình xử lý rác thải của Hà Nội. Nhưng khi lượng rác từ nội đô thải ra khiến người dân quanh bãi rác phải gánh nợ, phải di dời, phải chịu đựng điều kiện sống kém chất lượng, đã đến lúc trách nhiệm đó cần được san sẻ hơn bao giờ hết.
Truy cập tại đây để biết thông tin chi tiết.