Sinh viên trăn trở vì... nghèo
(Sóng trẻ) -Khi bắt đầu bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, nhất là đối với những sinh viên học tập tại những thành phố lớn, bên cạnh áp lực học hành, nhiều bạn còn phải sống trong mặc cảm vì nỗi lo thua kém bạn bè về vật chất…
Tự lập không dễ
Đối với rất nhiều gia đình, đằng sau niềm vui sướng khi con cái đỗ đại học là bao nỗi băn khoăn, trăn trở về gánh nặng kinh tế. Và đối với mỗi sinh viên, học đại học không chỉ là niềm tự hào mà còn mang theo bao kì vọng và sự cơ cực của cha mẹ thấm trong những đồng tiền hàng tháng các bạn nhận được.
Cuộc sống tự lập không phải là một điều dễ dàng. Mỗi ngày, bạn phải tự biết quản lí chi tiêu cho phù hợp, tất cả đều được giới hạn trong một khoản tiền nhất định. Khi còn học phổ thông, chúng ta chỉ phải lo chuyện học tập vì mọi thứ đều đã có bố mẹ.
Nhưng khi sống tự lập, nài việc học, bạn còn phải tính toán xem hôm nay mua gì, ăn gì để tiết kiệm mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng, bạn phải cân nhắc giữa việc mua một chiếc áo đẹp hay dùng số tiền đó để mua giáo trình, bạn phải lo lắng khi cuối tháng không có tiền về quê hay tiền xăng tăng mà điện, nước cũng tăng…Có vô vàn những nỗi lo như vậy luôn thường trực trong cuộc sống hàng ngày của sinh viên mà không phải lúc nào chúng ta cũng có thể cân bằng được.
Ảnh minh hoạ
Có rất nhiều bạn ôm mộng rằng cuộc sống tự do đang chờ đón mình với nhiều trải nghiệm mới mẻ mà khi ở với bố mẹ các bạn không thể thực hiện được. Cùng với đó, điều kiện gia đình chỉ cho phép các bạn nhận được một khoản tiền giới hạn, không thể xin bố mẹ chu cấp thêm. Tâm lí chung đó dẫn đến việc các bạn lao vào tìm kiếm những công việc làm thêm với hi vọng trau dồi kinh nghiệm và tăng thêm thu nhập. Không phải ai cũng may mắn tìm được một công việc ổn định với mức lương hấp dẫn, nhất là các bạn sinh viên năm 1. Do ít kinh nghiệm, thiếu kĩ năng nên có rất nhiều sinh viên bị lừa đảo, tiền mất tật mang, học hành sa sút…và gánh chịu rất nhiều hậu quả khôn lường khi bị dụ dỗ vào những công việc như bán hàng đa cấp, kinh doanh theo mạng...
Những đồng tiền kiếm được luôn có giá của nó, sự xa hoa và giàu có khiến nhiều bạn trở nên mù quáng và đánh mất mình. Trong khi bạn bè miệt mài trên giảng đường hay tham gia những hoạt động tình nguyện thì các bạn mải miết lo cho cuộc sống mưu sinh mà lẽ ra không cần nó bạn vẫn có thể sống tốt.
Kiếm tiền để … không lo mất mặt?!
Tại sao sinh viên lại phải lao đi kiếm tiền trong khi khoản tiền từ bố mẹ vẫn có thể giúp các bạn sống tuy không dư thừa nhưng vẫn rất đầy đủ? Đó là vì nhiều bạn có tâm lí phải bằng bạn bằng bè về mọi mặt, đó là tâm lí a dua, đua đòi của một bộ phận không nhỏ các bạn sinh viên không nhận thức được điều kiện và hoàn cảnh của mình.
Bạn Vũ Phương Dung, sinh viên trường Đại học Luật chia sẻ: “Lớp mình có không ít những bạn có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ làm nông dân vất vả lắm, nhưng các bạn ấy lúc nào cũng cố tỏ ra sành điệu qua cách ăn mặc rồi quần áo, giầy dép để gia nhập vào hội của những bạn khá giả hơn”.
Học đại học ở những thành phố lớn, các bạn sinh viên tỉnh lẻ thường có tâm lí mặc cảm, tự ti khi mình không có điều kiện bằng bạn bè và cũng chính vì tâm lí đó đã khiến các bạn tìm mọi cách để chứng tỏ mình không thua kém ai, ít nhất là về mặt vật chất. Trong một môi trường mà sinh viên thường chơi với nhau theo điều kiện gia đình, ắt hẳn sẽ làm nảy sinh sự ganh ghét, đố kị lẫn nhau, nhiều bạn sinh viên muốn được hòa nhập vào “thế giới thượng lưu” đó, bắt buộc phải có nhiều tiền để có thể tham gia vào những cuộc chơi, những cuộc tụ tập đắt đỏ rồi sau đó, các bạn có thể phải nhịn ăn, vay mượn khắp nơi để trả tiền nhà và các chi phí sinh hoạt khác.
Chạy theo lối sống vật chất để khoác lên mình một vỏ bọc hào nhoáng có đem lại cho các bạn hạnh phúc và những người bạn thực sự? Hay đó chỉ là lối suy nghĩ lệch lạc biến các bạn thành những con người thực dụng và chỉ biết hưởng thụ trên công sức của cha mẹ?
Tạm kết
Chỉ sợ mình nghèo và thua thiệt với bạn bè, phung phí những đồng tiền của gia đình và lao vào vòng xoáy nghiệt ngã của tiền bạc là một thực trạng đáng buồn đang tồn tại trong một bộ phận không nhỏ các bạn sinh viên. Cuộc sống xô bồ này đang dần khiến mỗi con người trở nên ưa chuộng vật chất, coi vật chất là thước đo để đánh giá giá trị bản thân. Là sinh viên, chúng ta phải biết làm chủ chính cuộc sống của mình và lựa chọn là ở chính bản thân mỗi người.
Phạm Việt Hồng
Truyền hình K31. A1
Cùng chuyên mục
Bình luận