Bài học đắt giá từ phóng sự học sinh hút shisa của VTC14
(Sóng trẻ) - Dù vào ngày 4/4 vừa qua, chương trình “Góc nhìn khán giả” của kênh VTC14 đã chính thức phát đi lời xin lỗi về phóng sự “Khi áo trắng chìm trong khói shisa”, nhưng bài học cũng như hậu quả mà phóng sự này để lại không thể giải quyết trong một sớm một chiều.
Câu hỏi lớn nhất mà người ta đặt ra sau vụ phóng sự học sinh hút shisa đó là : Đến bao giờ báo chí Việt Nam mới thật sự trở nên chuyên nghiệp để không mắc phải những lỗi nghiêm trọng như thế này nữa ? Để xảy ra sự cố trong phóng sự này, lỗi lớn nhất lại chính là sự thiếu nghiệp vụ không phải chỉ của bất kì một cá nhân nào, mà lại là lỗi của cả một ekip sản xuất chương trình truyền hình chuyên nghiệp.
Thứ nhất, dù hình ảnh trong phóng sự học sinh hút shisa là có thật 100% thì việc ekip đưa những hình ảnh này lên sóng truyền hình mà để nguyên không làm mờ mặt nhân vật thì vẫn hoàn toàn sai. Nó đã vi phạm đạo đức của người làm báo.Là một phóng sự với đề tài nhạy cảm hướng đến đối tượng là các em học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, bao giờ trước khi đưa lên phát sóng, người làm truyền hình cũng phải cân nhắc đến hiệu ứng xã hội mà phóng sự đem lại.
Hiệu ứng xã hội ở đây chính là phải cân nhắc đến tâm lý của học sinh, của phụ huynh, của nhà trường, của dư luận xã hội. Và hậu quả mà phóng sự để lại trên thực tế vô cùng nghiêm trọng : tâm lý của học sinh bị bất ổn phải nghỉ học, nhà trường mệt mỏi, phụ huynh bức xúc, dư luận có những phản ứng tiêu cực.
Cảnh học sinh hút shisa trong phóng sự của VTC14
Thứ hai, với tính chất là phóng sự mang tính chất cảnh báo về một hiện tượng đang tồn tại ở giới trẻ, nhưng lại không làm mờ nhân diện của các em học sinh xuất hiện trên hình từ mặt mũi cho đến phù hiệu trường học. Chính vì thế, phóng sự không còn mang tính chất cảnh báo cho cả một bộ phận giới trẻ nữa, mà trở thành trực tiếp chỉ ra em học sinh A của trường B xuất hiện trên hình đang hút shisa.
Như vậy với mục đích ban đầu là 1 phóng sự mang tính xã hội sâu sắc, thì giờ đây người ta sẽ chỉ quan tâm xem những học sinh đó học trường nào, là con cái nhà ai mà lại có những hành vi như vậy.
Thứ ba, trong lời giải thích xin lỗi của VTC14 có nhắc rằng đây là một phóng sự mang tính chất cảnh báo, nhưng phóng sự này lại được thể hiện như một phóng sự điều tra để tăng thêm phần kịch tính. Phóng sự thu hút người xem hơn, nhưng cũng vì thế mà dư luận xã hội trở nên gay gắt và khắt khe hơn.
Đó chính là lỗi sai nghiêm trọng về nghiệp vụ của ekip sản xuất. Nếu có tính chuyên nghiệp, thì những ảnh đó trong phóng sự phải được ghi chú là hình ảnh có sự dàn dựng.
Thứ tư, việc không làm mờ nhân diện của các em học sinh trong phóng sự là vi phạm khi đưa hình ảnh của nhân vật lên mà chưa được sự đồng ý. Không thể biện hộ rằng các em học sinh trong hình đã đều đồng ý và hợp tác với ekip để lên hình. Bởi đó đều là các em ở trong độ tuổi vị thành niên, chưa đủ tuổi để chịu trách nhiệm về những hành vi của mình.Vì thế những hình ảnh này khi chưa có sự cho phép của phụ huynh hay người bảo hộ của những em học sinh đó thì không được phép phát sóng.
Thứ năm là lỗi trong công tác biên tập duyệt phát sóng phóng sự trên. Với một phóng sự phản ánh một vấn đề nhạy cảm, lại chứa những hình ảnh sai phạm như vậy nhưng vẫn được duyệt phát sóng. Điều đó chứng tỏ sự lỏng lẻo, chưa chặt chẽ trong khâu quản lý và kiểm chứng thông tin.
Cuối cùng là lỗi trong việc xử lý hậu quả của phóng sự. Ngay khi nhận được thông tin các em học sinh trên hình có thể bị đình chỉ học, thì VTC14 chỉ gửi một văn bản về trường học các em nhưng trong văn bản cũng không nói rõ rằng có sự dàn dựng trong phóng sự này.Dường như, văn bản đó chỉ có tính chất mong nhà trường nương tay với các em học sinh còn “nhỏ dại”.
Tiếp đó, khi có ý kiến cho rằng phóng sự trên là dàn dựng, thì phó biên tập của đài lập tức khẳng định trên báo Tuôi trẻ là không có bất kì một sự dàn dựng nào trong phóng sự học sinh hút shisa. Chính sau bài báo đó mà dư luận càng trở nên gay gắtvà xôn xao hơn.
Để khắc phục sửa sai, ban biên tập của VTC14 đã lên tiếng xin lỗi các em học sinh và thừa nhận những sai sót của mình. Đây là một hành động tuy muộn, nhưng nó cũng đã xoa dịu phần nào các em học sinh, phụ huynh và dư luận.
Có thể nói đây là một bài học vô cùng đắt giá với không chỉ riêng VTC14 mà còn với tất cả các cơ quan báo chí khác.Chính mỗi phóng viên, nhà báo cần phải tăng cường nâng cao năng lực nghiệp vụ, cũng như đạo đức của mình để xây dựng nền báo chí Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp hơn.
Vũ Thảo
Truyền hình K32A2
Cùng chuyên mục
Bình luận