Bán đắt cân táo, “bán rẻ” ngành du lịch
(Sóng trẻ) - Liên tiếp những vụ chặt chém khách du lịch gần đây được đăng tải trên mạng xã hội gây bức xúc dư luận, gây nên hình ảnh những người Việt xấu xí.
Không chỉ thời gian gần đây mới có, câu chuyện chặt chém khách du lịch diễn ra hàng chục năm nay luôn là vấn đề của ngành du lịch nước nhà. Nhưng với sự lan tỏa nhanh chóng của mạng xã hội, mọi người được trực tiếp chứng kiến những món nghề chèo kéo, chặt chém thay vì qua những lời kể.
Có lần chúng tôi dạo chơi trên phố cổ và được mời chào mua hoa quả ven đường. Ban đầu, người bán hàng mời chúng tôi ăn thử. Sau đó chúng tôi quyết định mua nửa cân mận cơm.
Nhưng người bán hàng nhất quyết dúi cho chúng tôi một cân mận vào túi và nài nỉ chúng tôi lấy với lý do: “Sáng sớm mở hàng cho cô một cân tròn đi!”. Vậy là chúng tôi tiêu 50.000 đồng đầu tiên trong buổi đi chơi cho một cân mận cơm, dù mận cơm lúc đó đang vào mùa và giá rẻ như cho, chỉ vài nghìn, cùng lắm 10.000 đồng một cân.
Một chiêu thức bán hàng có thể nói thành công đối với người bán nhưng đối với tôi nó chỉ đem lại sự khó chịu. “Thức quà” phố cổ đó đem lại cho một anh chàng sinh viên lên Hà Nội học như tôi một bài học sau này để tránh mất tiền.
Hà Nội đón hàng triệu lượt khách quốc tế mỗi năm. Theo báo cáo của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, du lịch cả nước phục hồi tăng trưởng nhưng tỷ lệ khách quay lại chỉ dưới 10%, thấp hơn hẳn so với con số 82% của Thái Lan và có xu hướng giảm mạnh qua từng năm.
Có nhiều yếu tố tác động đến khả năng thu hút du lịch tại một địa điểm nhưng tôi nghĩ quan trọng nhất phải là yếu tố con người.
Ở vụ túi táo nhỏ giá 200.000 đồng đang gây xôn xao trên mạng xã hội thời gian gần đây, lợi dụng sự thiếu hiểu biết về tỷ giá tiền và bất đồng ngôn ngữ, người bán hàng đã cố gắng buộc những vị du khách nước ngoài phải móc ví mua một ít trái cây với cái giá “mặn chát”. Khi những vị du khách không còn muốn mua và có ý định lấy lại tiền, người bán hàng nhất quyết không chịu trả lại. Ngay sau đó đã có một anh bảo vệ tiến tới và cứu nguy cho những vị du khách.
May mắn rằng những vị khách nước nước ngoài cũng rất khách quan, không đánh đồng một vài người cho toàn bộ người Việt Nam. Tuy nhiên, những cá nhân nhỏ lẻ đã làm xấu đi hình ảnh du lịch Việt. Vì hầu hết là khách vãng lai, nên nhiều người bán mặc sức chặt chém, móc được đồng nào hay đồng nấy.
Đến ngay cả những người sinh sống tại Việt Nam chúng ta còn cảm thấy khó chịu, phẫn nộ khi chứng kiến những vị khách bị chặt chém với mức giá cao đến vô lý thì không khó để hình dung vì sao du khách nước ngoài ít quay lại.
Không chỉ riêng Hà Nội, nhiều địa điểm du lịch khác cũng chứng kiến tình cảnh người bán hàng lợi dụng sự thiếu hiểu biết về kinh tế, văn hóa, bất đồng ngôn ngữ của du khách để thực hiện những hành vi có thể gọi là “lừa đảo”.
Đây là vấn đề “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, tình trạng chặt chém khách du lịch ở Hà Nội đã giảm đáng kể qua nhiều năm nhưng chưa có những biện pháp xử lý triệt để. Một khi người bán hàng không có ý thức tự giác, cần có những chế tài đủ sức răn đe bởi tiền phạt 150.000 đồng hay vài trăm nghìn đồng chưa làm họ cảm thấy hối hận hay sợ hãi.
Du lịch là nguồn thu quan trọng của ngân sách. Nhưng quan trọng nhất là giữ gìn được hình ảnh và lòng tự tôn của dân tộc Việt Nam. Nếu chúng ta dứt khoát loại bỏ hành vi chặt chém khách du lịch thì sẽ vô tình ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh của Thủ đô nói riêng và du lịch cả nước nói chung. Khách du lịch không những bức xúc vì mất thêm ít tiền mà còn bức xúc nhiều hơn vì bị “chặt chém”. Nếu không chấn chỉnh được tình trạng chặt chém thì chúng ta tự đánh mất đi hình ảnh về đất nước Việt Nam xinh đẹp và hiếu khách, đồng thời khiến nguồn thu từ du lịch bị ảnh hưởng ít nhiều.