Báo chí công dân: Xu thế phát triển của thời đại
(Sóng trẻ) - Nền báo chí công dân ngày càng trở nên phổ biến, trở thành công cụ đắc lực bổ trợ cho báo chí chuyên nghiệp. Đặc biệt là trong thế giới mà mạng lưới truyền thông xã hội ngày càng lan tỏa như hiện nay.
Báo chí công dân là một hoạt động đang ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội hiện đại. Đây là một thuật ngữ diễn tả hiện tượng những người dân bình thường lại giữ vai trò như những nhà báo. Họ cung cấp các nguồn thông tin, bên cạnh những kênh tin tức và phương tiện truyền thông truyền thống. Có rất nhiều thuật ngữ khác thường xuyên được sử dụng nhằm diễn tả trào lưu này, ví dụ như: báo chí dân chủ, báo chí đường phố hay “du kích” báo chí…
Mặc dù báo chí công dân đã xuất hiện hàng thập kỉ qua dưới nhiều hình thức nhưng hiện nay, xu hướng này đang trở nên vô cùng phổ biến. Có rất nhiều lý do giải thích cho sự gia tăng của báo chí công dân. Nhưng lý do chính yếu hẳn là nhờ khả năng tiếp cận thông tin vô hạn trên khắp thế giới, thông qua Internet, và các hoạt động truyền thông xã hội như viết blog, đăng tải video lên Youtube.
Đã xuất hiện một số quan điểm bàn về lợi thế và bất cập của báo chí công dân. Người ta đặt ra nhiều câu hỏi về sự tồn tại, dạng thức thể hiện, tính khách quan, chân thực và mức độ ảnh hưởng mà báo chí công dân có thể tác động đến công tác truyền thông.
Lý do ra đời và những hoạt động của báo chí công dân
Tin tức công dân là một thuật ngữ rất rộng, bao gồm vô số dạng thức thông tin và phương thức chuyển tải. Hiện tượng này xuất phát từ một ý tưởng mang tính bản năng của con người: mong muốn được tiếp nhận và truyền tải thông tin.
Nhà báo công dân có thể bị tác động để chia sẻ thông tin vì bất cứ lý do nào. Họ có thể là những người hoạt động, lôi kéo sự chú ý, có thể đưa ra những thông tin quan trọng mà chưa được tiết lộ từ bất cứ nguồn tin truyền thống nào. Họ khát khao được bày tỏ quan điểm của bản thân. Một số nhà báo nghiệp dư có thể mong muốn cung cấp nhiều cái nhìn khách quan về những vấn đề mà họ cho rằng truyền thông truyền thống mới chỉ lột tả được một phía. Một số nhà báo công dân khác lại đóng vai trò là nguồn tin, giúp kiểm chứng và phân tích thông tin.
Báo chí công dân phát triển mạnh nhờ các ứng dụng truyền thông xã hội
Ý tưởng về một nền báo chí dân chủ, nơi mỗi cá nhân đều có “tiếng nói” và “tiếng nói” đó được truyền tải bằng những dạng thức đa dạng của truyền thông đã tạo nên báo chí công dân. Và xu hướng này có thể được biểu lộ rõ ràng qua nhiều hình thức.
Việc truyền tải thông tin chưa bao giờ giờ dễ dàng hơn trong một xã hội mà mọi người đều kết nối với nhau; với các công cụ như blog, chat room, các ứng dụng nhắn tin khác và khả năng đăng tải video lên Youtube hay rất nhiều trang web tương tự. Một đặc trưng mà tất cả các công cụ hỗ trợ báo chí công dân đều có là sự tham gia của công chúng (tính tương tác). Bàn luận về một vấn đề trên các diễn đàn mở có thể mang đến cơ hội công khai các bình luận phản hồi và những ý kiến trái chiều, tạo thành một cuộc đàm thoại tiếp diễn liên tục.
Vấn đề khách quan của thông tin
Thử thách lớn nhất mà báo chí công dân phải đối mặt chính là khả năng nhận diện thông tin một cách khách quan, chân thực; nhằm loại bỏ những thông tin được sử dụng nhằm mục đích cá nhân.
Mỗi một nguồn truyền thông lớn, cụ thể là những tổ chức vì mục đích lợi nhuận đều có những cách thức riêng, có chủ ý hay không có chủ ý nhằm thu hút sự quan tâm của những nhóm độc giả. Nói ngắn gọn, báo chí truyền thống hướng đến những độc giả nhất định, và họ cung cấp tin bài phù hợp với đối tượng mình hướng tới.
Nhưng báo chí công dân đã đưa việc thu nhận thông tin của độc giả lên một tầm mới. Việc nhận định độ chính xác của nguồn tin trở thành một thách thức đòi hỏi khả năng phán đoán, dò xét tự nhiên của người đọc. Báo chí công dân thử thách độc giả, yêu cầu họ đưa ra câu hỏi về những thông tin mà họ nhận được. Từ đó, mỗi độc giả hình thành nên quan điểm riêng của mình về những sự kiện hiện thời.
Theo In Rochester
Dịch: Hồng Nhung
Báo mạng K33
Cùng chuyên mục
Bình luận