Bật mí bí kíp thi năng khiếu báo chí 2020
(Sóng trẻ)- Tại toạ đàm trực tuyến "Bí kíp ôn thi môn Năng khiếu báo chí" do Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức, khách mời là các giảng viên, nhà báo giàu kinh nghiệm đã lần lượt thông tin cho sĩ tử về kỹ năng làm bài, cách thức ôn luyên, chuẩn bị cho bài thi đặc thù này. Kỳ thi Năng khiếu báo chí dự kiến diễn ra vào tháng 8, sau khi kết thúc thi THPTQG.
Buổi tư vấn có sự tham gia của ThS Đinh Ngọc Sơn – Phó Trưởng Khoa Phát thanh- Truyền hình, PGS.TS Trương Thị Kiên – Phó Viện trưởng Viện Báo chí, Nhà báo Trần Ngọc Nam – Phóng viên ảnh Báo Tuổi Trẻ.
Buổi tọa đàm được chia thành hai phần : Phần đầu tiên đc lắng nghe và tìm hiểu kĩ năng làm bài thi môn Năng khiếu báo chí năm 2020, Phần 2 là cách thức để chuẩn bị cho một bài thi Năng khiếu báo chí trong 1 khoảng thời gian ngắn và tài liệu có sẵn.
Khách mời tham gia buổi tư vấn thi Năng khiếu báo chí sáng 14/6
Thưa PGS.TS Trương Thị Kiên, cô có thể giải thích về khái niệm Năng khiếu báo chí để các bạn thí sinh hiểu rõ hơn được không ạ?
PGS.TS Trương Thị Kiên: Năng khiếu hiểu đơn giản là những tố chất bẩm sinh, trời phú. Năng khiếu bẩm sinh đó là tiền đề để chúng ta phát triển tài năng hoặc năng lực nghề nghiệp sau này. Trên thực tế, rất nhiều người có năng khiếu, tố chất bẩm sinh.
Năng khiếu báo chí là cuộc thi dành cho những người có tố chất, có niềm đam mê, khát khao, yêu thích được trở thành nhà báo, được cống hiến cho làng báo cách mạng Việt Nam. Nhưng bên cạnh đó, vẫn cần học tập thêm, trau dồi thêm , nắm bắt được các kĩ năng thi để hoàn thành tốt bài thi.
Đối vs kỳ thi Năng khiếu báo chí ở Học viện có gì đăc biệt, có yêu cầu cao hay có điều gì khác biệt so với năm 2019 không, thưa ThS Đinh Ngọc Sơn?
ThS Đinh Ngọc Sơn: Nếu các bạn đang có ý định thi vào Học viện Báo chí, đặc biệt là muốn tham gia kỳ thi thì đừng lo lắng. Ngày nay, báo chí là một bộ phận rất quan trọng, nó giúp xã hội nhận thức vấn đề, sự kiện đang xảy ra.
Các bạn trước hết phải đặt ra câu hỏi liệu các bạn có muốn làm một công việc liên quan đến lĩnh vực báo chí, truyền thông không. Ngày nay, muốn làm báo không nhất thiết phải thật giỏi văn, nhà báo rất cần khả năng phân tích, tổng hợp thông tin, do đó những ai có tư duy nhạy bén, tư duy toán học hay khả năng đảm bảo thông tin chính xác thì đều có thể tham gia kì thi.
Về sự khác biệt, năm nay kỳ thi Năng khiếu báo chí có điểm năng khiếu báo chí được nhân đôi, có lợi cho những ai thực sự có khả năng về báo chí.
Vậy đối với bài thi năng khiếu báo chí, sẽ phải viết bằng lời văn nghị luận thông thường hay dưới hình thức một tin, một bài báo, thưa PGS.TS Trương Thị Kiên?
PGS.TS Trương Thị Kiên: Tin, báo, phóng sự, điều tra là các thể loại báo chí. Sau này các em vào học sẽ được thầy cô trau dồi. Còn khi tham gia thi, sẽ thi trên cơ sở những gì ta được học, như văn nghị luân. Sẽ có bài luận 4 điểm tương tự như bài văn nghị luận cấp 3, tuy nhiên nghị luận báo chí yêu cầu các em làm trên cơ sở hiện thực, phải đưa vào những dẫn chứng đang xảy ra, đã xảy ra. Thông tin dẫn chứng phải tuyệt đối chính xác.
Các em có thể đặt title (đầu đề), sau đó có phần mở bài, thân bài và kết luận. Xây dựng theo mô hình luận đề, luận điểm, luận cứ, luận chứng và viết theo quan điểm để thuyết phục người đọc là được.
Đối với bài biên tập, phát hiện lỗi sai có thể đánh lừa được rất nhiều bạn thí sinh. Đối với bài này, các bạn cần chuẩn bị cho mình kiến thức như thế nào thưa cô?
PGS.TS Trương Thị Kiên: Bài chữa lỗi sai không đơn thuần là kiểm tra kiến thức đã học mà còn kiểm tra khả năng tư duy, xử lí thông tin.
Bài này có một số lỗi như sai chính tả, sai diễn đạt, sai dấu câu. Bên cạnh đó còn có phần kiểm tra về logic câu, trong một vài đoạn văn sẽ có đoạn đánh tráo câu. Ví dụ câu đáng lẽ đứng trước sẽ bị đảo về sau, bắt buộc các em phải nhận diện ra.
Phần khá khó là thay đổi về đoạn. Ví dụ đoạn 2 nhưng được chuyển xuống đoạn 6. Khi các em đọc phải chú ý. Các con số cũng thường bị đổi sai. Ví dụ dân số Việt Nam hơn 93 triệu dân sẽ bị đổi thành hơn 80 triệu, hơn 190 triệu, các em cần lưu ý.
Còn một số lỗi sai khác như về địa danh, về kĩ năng tính toán (Ví dụ như chuyển từ VNĐ sang USD). Chú ý kiến thức về lịch sử, chính trị, xã hội để phát hiện lỗi sai trong bài.
Đối với báo ảnh, sẽ có phần bình phẩm ảnh, về bố cục, màu sắc, nội dung ý nghĩa. Nhà báo Trần Ngọc Nam có thể chia sẻ để các bạn có phần chuẩn bị tốt nhất được không?
Nhà báo Trần Ngọc Nam: Riêng phần ảnh báo chí, dù đen trắng hay ảnh màu thì sẽ gắn với một sự kiện quan trọng trong năm, cần đọc báo, xem truyền hình, thời sự nhiều. Nó giúp các bạn có kiến thức bao quát, vào phần bình phẩm không bị choáng ngợp.
Đối với năng khiếu quay phim, sẽ được theo dõi một đoạn clip, phóng sự, video ngắn để các bạn bình phẩm, nhận xét. Thầy Sơn – người ra đề Năng khiếu báo chí trong nhiều năm có thể giải đáp được không ạ?
ThS Đinh Ngọc Sơn: Khi nói đến Năng khiếu quay phim thì là phần dễ thi nhất. Vì ta hoàn toàn có thể tự mình đưa ra đánh giá của bản thân.
Các bạn xem 1 video khoảng 3 phút, viết ra cảm nhận 300-500 chữ. Thầy bật mí các bạn nên chú ý 2 yếu tố quan trọng trong đoạn video, đó là nội dung và kĩ thuật quay (Làm sao để quay được như thế, ánh sáng ra sao, bố cục thế nào?).
Bài thi này để đánh giá các bạn có thực sự thích hay không, thứ hai là đánh giá nhận thức về nghề quay phim như thế nào. Xem xong sẽ được phỏng vấn. Độ tự tin với nghề sẽ là một điểm cộng.
Câu hỏi phỏng vấn chia ra 2 cấp độ. Cấp độ 1 đối với những bạn chưa có điều kiện tìm hiểu sẽ là những câu đơn giản về cuộc sống thường ngày, mức độ tiếp xúc với quay phim. Cấp độ 2, các thầy có thể hỏi các câu sâu hơn như bố cục là gì, ánh sáng như thế nào trong quay phim.
Liệu đặc thù ngành quay phim thì các bạn nữ có bị yếu thế hơn các bạn nam không, thưa thầy?
ThS Đinh Ngọc Sơn: Nhiều bạn nữ học quay phim nhưng vẫn có thể làm biên tập. Như vậy, khi các bạn học quay phim, các bạn sẽ nắm chắc về ngôn ngữ hình ảnh, mà thị trường cần người có logic hình ảnh tốt. Nhiều bạn nữ sau khi tốt nghiệp có thể được mời về làm biên tập hình ảnh cho các chương trình truyền hình.
Quay phim đòi hỏi nhiều sức khỏe, vì vậy thường nam được ưu tiên hơn, đây không phải phân biệt mà là do yếu tố sức khỏe.
Thầy có thể bật mí tiêu chí tuyển sinh của báo ảnh và quay phim không ạ?
ThS Đinh Ngọc Sơn: Thi riêng luôn được đánh giá cao, bởi vòng phỏng vấn sẽ được gặp gỡ trực tiếp vs thầy. Có hai tiêu chí đặc biệt chú trọng: Thứ nhất là đam mê về công nghệ, quay phim, những yếu tố kĩ thuật, thứ hai là con mắt nghệ thuật quay phim.
Nhà báo Trần Ngọc Nam có thể bật mí làm thế nào để chuẩn bị tốt cho bài phỏng vấn ảnh và quay phim không ạ?
Nhà báo Trần Ngọc Nam: Các bạn không nên quá căng thẳng. Các bạn cứ tự tin nếu các bạn có đam mê, chia sẻ mọi thứ mình biết, trả lời ngắn gọn, không quá lan man, vì chính quan điểm của chính bạn có thể là tư duy nổi trội hoặc khác biệt giúp bạn vượt qua vòng phỏng vấn.
Còn về bài thi trắc nghiệm, kĩ năng làm bài thi như thế nào thưa ThS Đinh Ngọc Sơn?
ThS Đinh Ngọc Sơn: Thi trắc nghiệm đòi hỏi tư duy theo chiều rộng, không cần sâu. Bình quân 1 phút/ 1 câu. Bí kíp là chia đều thời gian. Tiếp theo xem xét mức độ khó, làm câu dễ trước, câu khó sau.
Đề thi nằm trong kiến thức xã hội và kiến thức phổ thông. Các câu khó có thể nằm trong thông tin xã hội mới. Các bạn cần cập nhật thông tin thường xuyên, nhanh chóng.
Vậy trong khoảng thời gian ngắn có cần chuẩn bị tài liệu ôn thi Năng khiếu báo chí không thưa PGS.TS Trương Thị Kiên?
PGS.TS Trương Thị Kiên: Các bạn thí sinh có thể vào Fanpage Viện Báo chí để nhận được tài liệu thi Năng khiếu báo chí. Các em có thể comment email để nhận được tài liệu sớm nhất.
Đặc biệt chú ý là trong bài thi tự luận năng khiếu báo chí, đừng copy, đừng đi theo lối mòn, đừng viết quá 500 từ. Chúc các em hoàn thành xuất sắc kỳ thi THPTQG và chinh phục kỳ thi Năng khiếu báo chí.
Trong buổi livestream, các thắc mắc gửi về Fanpage Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã được giải đáp cụ thể. Những bí quyết để hoàn thành bài thi tốt nhất được bật mí, giúp các thí sinh tự tin và hiểu rõ hơn những gì cần làm để đạt kết quả cao.
Về cơ bản, vấn đề tuyển sinh không có gì thay đổi so với năm 2019, nhưng vẫn có những điều cần lưu ý. PGS.TS Trần Thanh Giang cho biết: “Nhà trường vẫn duy trì hai hình thức tuyển sinh: xét tuyển kết hợp thi tuyển. Riêng Ngành Báo chí nài điểm xét tuyển, thí sinh dự thi phải thi môn Năng khiếu báo chí. Về xét tuyển học bạ, nhà trường lấy kết quả của 5 học kì, trừ học kì II lớp 12”.
Các vấn đề xoay quanh việc tuyển sinh đều được nhà trường đăng tải lên Fanpage Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Cổng thông tin AJC, quý phụ huynh và các bạn học sinh có thể truy cập để hiểu rõ hơn về cách thức tuyển sinh của nhà trường.
Ngọc Huyền
Cùng chuyên mục
Bình luận