Cảnh báo hiểm họa khôn lường từ pháo nổ tự chế
(Sóng trẻ) - Trước thềm năm mới 2024, tình trạng tự chế pháo nổ diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe người dân cũng như tình hình an ninh trật tự xã hội.
Trên cả nước, liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm liên quan tới việc tự chế pháo nổ trái phép. Qua đó, gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc chế tạo, mua bán trái phép các loại pháo nổ của người dân, gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe và an sinh toàn xã hội.
Nhóm phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với Luật sư Trần Thanh Lam, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội về việc quản lý và sử dụng pháo, giúp người dân có thêm thông tin để giảm thiểu tình trạng đáng tiếc xảy ra.
Hiện nay người dân rất dễ dàng mua nguyên liệu chế tạo pháo trên thị trường. Liệu có phải còn quá nhiều lỗ hổng trong quy định về mua, bán và tàng trữ pháo, các nguyên liệu tự chế pháo hay không? Thưa luật sư Thanh Lam?
Luật sư Trần Thanh Lam: Thời gian gần đây, có không ít những vụ việc thương tâm liên quan đến vấn đề người dân tự mua các vật liệu để chế tạo pháo nổ tại nhà. Đây là một trong các hành vi bị Pháp luật quy định cấm.
Cụ thể, các hành vi mua bán vật liệu nổ này diễn ra khá công khai và sôi động trên các trang mạng xã hội. Những nguyên liệu để chế tạo pháo có thể là: Bột than, lưu huỳnh - những sản phẩm có thể dễ dàng mua được tại các cửa hàng bán lẻ hoặc những trang thương mại điện tử với giá thành rẻ.
Để chế tạo pháo nổ tự chế tại nhà, các đối tượng sẽ tìm xem những clip hướng dẫn cách thức hoặc các bài viết về công thức để chế tạo pháo “dễ dàng” trên mạng. Tuy nhiên, sử dụng các vật liệu này với tỷ lệ trộn khác nhau sẽ cho ra những thành phẩm khác nhau. Trong trường hợp chế tạo ra những thành phẩm nguy hại có thể gây thiệt hại rất lớn về tính mạng, sức khỏe cũng như tài sản của những người chế tạo hay người dân xung quanh.
Hiện tại, do việc mua bán những vật liệu chế tạo pháo khá dễ dàng và công khai, nên dẫn đến tình trạng người dân tự mua về để chế tạo diễn ra phổ biến. Đây chính là một trong những kẽ hở hiện tại của quy định pháp luật về việc kinh doanh những sản phẩm này. Thực tế, những vật liệu chế tạo pháo chưa được Pháp luật quy định trong danh mục hàng cấm, cũng chưa phải là vật liệu nổ được sự quản lý của Luật Quản lý, sử dụng vật liệu nổ cho phép. Do đó, những cơ sở kinh doanh các sản phẩm này sẽ dễ dàng lách luật, buôn bán cho các đối tượng có mục đích sử dụng phi pháp.
Đối với những đối tượng mà chúng tôi vừa đề cập tới ở đầu thì họ đã mua nguyên liệu thuốc nổ về và tự chế pháo thì những đối tượng đó phải đối mặt với khung xử lý và trách nhiệm pháp lý như thế nào?
Luật sư Trần Thanh Lam: Theo Nghị định 137/2020 của Chính phủ quy định về Quản lý, sử dụng pháo, chỉ có những cơ sở, tổ chức đáp ứng đủ các điều kiện và được Pháp luật cho phép mới được sản xuất, kinh doanh và chế tạo pháo. Pháp luật nghiêm cấm hành vi chế tạo, sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán pháo trái phép, trừ những trường hợp mà được pháp luật cho phép. Do đó, với những hành vi tự chế tạo, sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán hoặc chiếm đoạt pháo thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử phạt vi phạm hành chính, theo quy định tại Điều 11 Nghị định 144/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự và an toàn xã hội: Những hành vi tự sản xuất pháo hoặc mua bán, tàng trữ, vận chuyển các sản phẩm chế tạo pháo, vật liệu chế tạo pháo thì có thể bị phạt tiền cao nhất lên đến 20.000.000 đồng.
Trong trường hợp các đối tượng chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 305 Bộ luật Hình sự với mức phạt cao nhất là tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đến 50.000.000 đồng hoặc quản chế hay cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm.
Bên cạnh đó, những hành vi không thuộc trường hợp xử phạt theo Điều 305 Bộ luật Hình sự: Người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm Hình sự theo Điều 190 Bộ luật Hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm với mức hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù trong trường hợp sản xuất, buôn bán pháo với số lượng từ 120kg trở lên.
Theo Nghị định 137 của Chính phủ, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng chỉ được mua pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng theo quy định. Vậy loại pháo hoa này khác biệt gì so với pháo hoa nổ là loại vẫn bị cấm?
Luật sư Trần Thanh Lam: Theo quy định trong Nghị định 137/2020 về việc quản lý, sử dụng pháo thì pháo nổ bao gồm: pháo hoa nổ, pháo hoa nổ tầm thấp, pháo hoa nổ tầm cao, các loại pháo hoa.
Những loại pháo này có một đặc điểm chung: Dưới tác động kích thích của xung nhiệt, cơ điện hoặc hóa điện thì có thể tạo ra những hiệu ứng về âm thanh, ánh sáng và màu sắc trong không gian. Sự khác nhau giữa pháo hoa nổ và pháo hoa là có gây ra tiếng nổ hay là không. Đối với pháo hoa nổ thì nó sẽ gây ra tiếng nổ, còn pháo hoa thì không gây ra tiếng nổ.
Theo quy định của Pháp luật: Đối với những loại pháo hoa nổ phải do các cơ quan có thẩm quyền sử dụng trong những dịp đặc biệt của đất nước. Ví dụ như: Ngày lễ, Tết Nguyên Đán, ngày Chiến thắng, ngày Quốc khánh, ngày Giải phóng hoặc một số sự kiện của đất nước. Và thời gian sử dụng cũng phải theo quy định.
Trường hợp pháo hoa là những loại không gây ra tiếng nổ, Pháp luật cho phép những tổ chức, cá nhân có năng lực, trách nhiệm, hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng.
Thưa luật sư Thanh Lam, trước thềm Tết 2024 sắp tới, người dân được phép sử dụng loại pháo hoa nào và sử dụng trong trường hợp nào để không vi phạm pháp luật?
Luật sư Trần Thanh Lam: Dựa trên quy định tại Nghị định 137/2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng pháo, người dân sẽ được sử dụng các loại pháo hoa bao gồm: Pháo hoa và không gây ra tiếng nổ hoặc pháo hoa tạo ra những hiệu ứng về âm thanh, hình ảnh, màu sắc trong không gian nhưng không gây ra tiếng nổ.
Những loại pháo hoa này được kinh doanh bởi các tổ chức được Nhà nước cấp phép trong hoạt động kinh doanh pháo. Để sử dụng những sản phẩm này, người dân phải mua tại các cơ sở, không sử dụng những sản phẩm pháo tự chế hoặc mua tại các cơ sở không có chức năng kinh doanh những mặt hàng này.
Khi sử dụng những loại pháo hoa này, người dân được sử dụng vào những dịp như: Lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi hoặc lễ kỷ niệm. Việc sử dụng đương nhiên vẫn phải tuân thủ những quy định của pháp luật về an toàn, trật tự xã hội và bảo vệ môi trường.
Xin cảm ơn Luật sư!