Vạch trần chiêu trò mua bán giấy khám sức khỏe "siêu tốc"

(Sóng trẻ) - Chỉ cần ngồi một chỗ và gọi một cuộc điện thoại, sau vài giờ chúng tôi đã có ngay một tờ “giấy khám sức khỏe” với đầy đủ chữ ký và con dấu đỏ của bệnh viện theo yêu cầu.

Thủ đoạn buôn bán giấy khám sức khỏe

Trong thời đại công nghệ số bùng nổ, việc mua bán các sản phẩm, dịch vụ trên mạng xã hội trở nên phổ biến và tiện lợi hơn bao giờ hết. Không chỉ những hàng hóa thông thường, mà cả những loại giấy tờ như “giấy khám sức khỏe” cũng có thể dễ dàng mua được chỉ với vài thao tác tìm kiếm vô cùng đơn giản và nhanh gọn.

Trên mạng xã hội Facebook, bạn chỉ cần gõ từ khóa “Giấy khám sức khỏe”, trang này sẽ trả về hàng loạt kết quả bao gồm các hội nhóm, fanpage cùng nhiều bài đăng liên quan với những lời mời chào hấp dẫn “Giấy khám sức khỏe Hà Nội, lấy ngay trong ngày”, “Không cần di chuyển chỉ cần inbox giấy về tận tay”,...

anh-1.png
Thông tin rao bán giấy khám sức khỏe được công khai trên mạng xã hội. (Ảnh: Chụp màn hình)

Tìm hiểu thông tin trong một hội nhóm ngẫu nhiên, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước sự “chuyên nghiệp” của những đối tượng bán loại giấy này. Họ công khai rao bán đủ loại giấy tờ như giấy khám sức khỏe xin việc làm A4, giấy khám sức khỏe xin việc làm A3 không giáp lai, giấy khám sức khỏe xin việc làm A3 có giáp lai, giấy thi bằng lái xe... Và đặc biệt, các giấy khám sức khỏe được bán ra sẽ đều cho kết quả sức khỏe “tốt”, “bình thường”,... -  người có nhu cầu không có gì bất thường. 

Trong vai người có nhu cầu mua giấy khám sức khỏe, chúng tôi liên hệ theo số điện thoại của một đối tượng đăng bán loại giấy này ở trên mạng xã hội. Khi được hỏi về giấy khám sức khỏe thi bằng lái xe, ngay lập tức người đàn ông đã tư vấn giá thành và các loại giấy tờ đi kèm: “Giấy khám sức khỏe lái xe có giá là 280.000đồng, là loại dành riêng cho lái xe, thêm đó là giấy khám sức khoẻ ma tuý với cả phiếu thu tiền”.

Tiếp theo, để tăng thêm độ tin cậy, đối tượng đề nghị kết bạn qua số điện thoại để gửi cho chúng tôi ảnh mẫu giấy khám sức khỏe. Dưới đây là mẫu giấy khám sức khỏe chúng tôi được người bán cung cấp với đầy đủ con dấu mang tên các bệnh viện lớn, tuy nhiên phần thông tin của người khám hoàn toàn bỏ trống, để người mua tự điền.  

anh-2-2.jpg
Loạt ảnh mẫu giấy khám sức khỏe thi bằng lái xe ô tô do đối tượng cung cấp. (Ảnh: Chụp màn hình)

Khi được hỏi giấy khám này có “uy tín” không, đối tượng khẳng định chắc nịch rằng “giấy này do bệnh viện cấp, có mã số thuế nên cứ thoải mái kiểm tra”. 

anh-3-1.png
Cuộc trò chuyện giữa phóng viên và đối tượng bán giấy khám sức khỏe. (Ảnh: Chụp màn hình)

Để củng cố thông tin, chúng tôi tiếp tục liên hệ đến một người bán khác và ngỏ ý muốn mua giấy khám sức khỏe việc làm. Cũng như lần trước, người bán giới thiệu đủ các loại giấy của các bệnh viện lớn như Bệnh viện E, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Giao thông vận tải ... và cam kết rằng đây là giấy khám sức khỏe “chuẩn”. 

Để kiểm chứng mức độ “chuẩn” của giấy khám sức khỏe, chúng tôi đã trao đổi và đặt mua một giấy khám sức khỏe việc làm với giá 100.000 đồng và 30.000 đồng tiền ship. Chỉ sau vài giờ đồng hồ, chúng tôi đã nhận được loại giấy này bởi một người giao hàng. Đáng chú ý, các đối tượng còn cho phép chúng tôi kiểm tra giấy trước khi tiến hành thanh toán, nhằm tăng thêm độ “uy tín” cho giao dịch.

Đúng như thỏa thuận trước đó, trên giấy khám sức khỏe xuất hiện con dấu của Bệnh viện E, phần tiền sử của bệnh được tích đầy đủ, các hạng mục khám lâm sàng được đóng dấu giáp lai, chẩn đoán bình thường, tức là đã đủ điều kiện sức khỏe. 

Tiếp cận người giao hàng, chúng tôi được biết những đối tượng kinh doanh loại giấy này thường có một “shipper ruột”, chuyên vận chuyển các loại giấy khám sức khỏe giả cho khách hàng.

Ban đầu, anh ta tỏ ra khá dè dặt khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc của giấy khám sức khỏe “Liên hệ với đầu bên kia giúp mình, chứ em không làm, em chỉ giao thôi”. Thế nhưng khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua giấy với số lượng lớn thì người giao hàng lại đưa ra lời mời gọi với các ưu đãi cực kì hấp dẫn “Anh cũng nhập của họ nhưng anh bán rẻ hơn cho em. Giấy này bình thường là họ bán cho em với giá 100.000 đồng và 30.000 đồng tiền ship đúng không? Anh bán 90.000 đồng thôi, anh không lấy phí ship”. 

Như vậy, có thể thấy hình thức mua bán giấy khám sức khỏe qua mạng khá đơn giản. Không cần phải bước chân đến bệnh viện, chỉ vài cú click chuột là đã có trong tay một tờ giấy khám sức khỏe giả mạo “đúng chuẩn uy tín”. Tuy nhiên, theo tìm hiểu thực tế tại bệnh viện, chúng tôi được biết, để có giấy khám sức khỏe phải mất 2 giờ đồng hồ đi khám qua các bước: Xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, khám thể lực, khám nội ngoại khoa, mắt, tai mũi họng… 

Bóc trần thủ đoạn tinh vi của tờ giấy khám sức khỏe giả

Trao đổi với PV về tờ giấy khám sức khoẻ được cung cấp, THS.BSCKII Hoàng Nam Phong, Phó Trưởng Khoa Kiểm tra sức khỏe, Bệnh viện E, nhận định: “Qua xem xét và tìm hiểu, tờ giấy khám sức khỏe này 100% không phải của bệnh viện E. Mặc dù giấy khám có đóng dấu bệnh viện E và có chữ ký đầy đủ, tuy nhiên đây hoàn toàn là giấy giả, không được cấp bởi bệnh viện E”.

Lý giải thêm, ông Nam Phong cho biết những cái tên xuất hiện ở các hạng mục khám lâm sàng có một số trùng với tên bác sĩ làm việc tại bệnh viện E. Nhưng ngoài ra, những cái tên còn lại hoàn toàn không phải bác sĩ của bệnh viện.

Đáng chú ý, “Chữ ký xác nhận cuối cùng không phải của bác sĩ Nguyễn Minh Thủy, Trưởng khoa Khám Kiểm tra sức khỏe. Bởi vì mẫu chữ ký này khác hoàn toàn so với chữ ký mà bác sĩ Nguyễn Minh Thủy đã đăng ký trên Cổng thông tin của Bộ Y tế” - bác sĩ Hoàng Nam Phong nhấn mạnh.

“Con dấu được sử dụng ở đây là một con dấu giả. Vì con dấu của bệnh viện E là dấu bằng đồng, nó không thể có màu sắc sắc nét như này được. Trên tờ giấy khám sức khỏe này, con dấu lại vô cùng sắc nét, chứng tỏ đây là con dấu được photo bằng màu”, ông Phong cho biết.

Bác sĩ Hoàng Nam Phong chia sẻ thêm, mẫu giấy khám sức khỏe của bệnh viện E không có dấu giáp lai ở giữa hai trang giấy. Đặc biệt, sau khi thăm khám có kết quả, bệnh viện E sẽ đóng dấu đỏ lên ảnh của người đi khám để xác nhận bệnh nhân trùng khớp với thông tin đã đăng ký.

Không chỉ vậy, bác sĩ còn bày tỏ thêm, tình trạng bán giấy khám sức khỏe trái phép đã diễn ra từ lâu. Ngoài giả mạo con dấu của bệnh viện E, các đối tượng còn mạo danh rất nhiều bệnh viện khác, cung cấp giấy khám sức khỏe giả để trục lợi. Hành vi làm khống thông tin kiểm tra sức khỏe gây ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh và uy tín của bệnh viện E nói riêng, cũng như các cơ sở y tế được cấp phép khám sức khỏe nói chung. 

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Hải Linh - Công ty Luật TNHH Đào và Đồng nghiệp, nhận định: “Hành vi bán giấy khám sức khỏe là hành vi không hợp pháp, trái quy định của pháp luật. Việc khám và được cung cấp giấy khám sức khỏe phải tuân thủ theo các trình tự thủ tục được quy định trong Thông tư 32/2023/TT-BYT, những giấy khám sức khỏe được cung cấp khi không thực hiện việc khám đầy đủ các nội dung theo yêu cầu thì đều bị coi là giấy khám sức khỏe giả”. 

Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại khoản 1 điều 46 Nghị định 117/2020/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì cá nhân có thể bị phạt tiền từ 3 triệu cho đến 5 triệu đồng đối với hành vi cung cấp giấy khám sức khỏe khi không thực hiện việc khám đầy đủ các nội dung theo yêu cầu. Ngoài ra, đối với khoản 5 điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP này quy định về mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Như vậy thì cơ sở y tế có thể bị phạt tiền từ 6 cho đến 10 triệu đồng đối với hành vi này. 

Ngoài hình thức xử phạt hành chính, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi bán giấy khám sức khỏe giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức.

Theo Điều 341 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức như sau:

- Người nào sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

+ Có tổ chức;

+ Phạm tội 02 lần trở lên;

+ Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm;

+ Thu lợi bất chính 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

+ Tái phạm nguy hiểm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

+ Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;

+ Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Như vậy, người nào làm giả con dấu, tài liệu của của cơ quan tổ chức tùy theo tính chất và mức độ phạm tội mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị truy cứu mức cao nhất là 07 năm tù, ngoài ra còn có thể bị phạt tiền lên đến 50.000.000 đồng.

 

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN