Chợ quê ngày xưa
(Sóng Trẻ) - Chợ mỗi lúc một đông. Hôm nay là ngày chợ phiên của một vùng quê nghèo nhưng đậm tình người . “Chợ Quê” - cái tên đã nói lên sự giản dị, gần gũi, rất mộc mạc như chính con người nơi đây .
Chợ quê - tên gọi nghe thân thuộc, đó là những dãy nhà lợp ngói khá lụp xụp, buồn và khô khốc nằm cô quạnh dưới những tán lá cây rợp bóng. Tất cả những cảm giác mông lung, chập chờn bỗng níu kéo tâm hồn tôi trở về chìm đắm trong nỗi mơ màng của những hình ảnh tuổi thơ lúc ẩn, lúc hiện.
Chợ mỗi lúc một đông. Hôm nay là ngày chợ phiên của một vùng quê nghèo nhưng đậm tình người . “Chợ Quê” - cái tên đã nói lên sự giản dị, gần gũi, rất mộc mạc như chính con người nơi đây.
Đã từ rất lâu rồi , tôi mới được đi chợ ở quê. Còn nhớ, hồi nhỏ, mỗi lần được mẹ cho đi chợ cùng, tôi rất hạnh phúc – một thứ hạnh phúc thật bình dị và nhỏ nhoi.
Chợ quê nghèo , không nhiều người và phong phú hàng hóa như chợ huyện, chợ tỉnh. Thế nhưng ngày đó là cả một thế giới mới lạ, hấp dẫn và thu hút mọi người . Được mẹ dắt đi sau lưng , tôi trố mắt ngắm nhìn tất cả những gì xảy ra xung quanh mình. Đặc biệt vào những phiên chợ tết, người đông hơn, nhiều màu sắc hơn, lúc nào được đi chợ tết tôi cũng đòi mẹ mua đủ thứ quà, nào là đồ chơi, bóng bay đủ màu sắc để có thể khoe với bạn bè .
Bây giờ , khi đã lớn khôn, trải qua biết bao đắng cay, ngọt bùi trong cuộc đời đầy những cạm bẫy, bọn chen; cũng trải qua nhiều niềm vui, nỗi buồn của thành công và thất bại, tôi lại càng nhớ kỉ niệm nhỏ bé với những phiên chợ quê ngày nào.
Phiên chợ vẫn vậy. Dọc lối vào, hai bên là những người bán hàng xén với đủ dao, mác, liềm, cuốc, xẻng… những vật dụng phục vụ cho ngày mùa ở vùng quê chỉ trồng được lúa mỗi năm hai vụ. Đi vào trong bày bán các thứ hàng hóa hoa quả, hàng tạp hóa, quần áo, rau củ… điều đặc biệt nhất ở phiên chợ quê là ở hàng bánh với đủ thứ bánh đặc trưng, rất riêng của Hà Tĩnh: Bánh tráng vừng đen, bánh đúc, bánh nếp, bánh rán đủ loại đủ màu, bánh mướt… những món ăn mà trước đây tôi luôn ngóng đợi mỗi lần mẹ đi chợ về.
Nếu như ngày đó, tôi sẽ chạy khắp nơi để xem với ánh mắt tò mò, thích thú của một đứa trẻ, thì nay chỉ muốn đứng một góc và nhìn… bao hình ảnh trước mắt làm tôi nhớ về một miền kí ức xa xăm… cũng như ngày hôm nay nhớ hình ảnh mẹ , lúc còn trẻ, với nụ cười tươi và duyên dáng, nhanh nhẹn vừa dắt tôi vừa mua bán hàng, sao sống mũi tôi cứ cay cay. Quê hương là vậy, luôn vấn vương, vỗ về tâm hồn, thôi thúc tôi.
“Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người”
Chợ quê không tấp nập, nhộn nhịp người mua bán… nhưng, vẫn thấy cảm giác ấm áp. Lâu lâu nghe tiếng kì kèo về giá cả của một món hàng nhỏ giữa người bán và một bà cụ già, tôi chợt mỉm cười: phải, ở cái vùng quê nghèo bão lũ triền miên, nơi túi mưa chảo lửa, kiếm được đồng tiền bát gạo khó lắm, người dân quê phải tính toán chi li, tiết kiệm đến từng đồng, từng hào mới mong có cái ăn cái mặc, để còn có cái mà phòng thân khi trái gió trở trời,… thấy vậy tôi càng quý và thương quê biết bao.
Quê hương, mỗi người có thể cho mình những định nghĩa khác nhau: Đó chính là nơi cuối cùng mà ta muốn trở về, nơi mà đi xa ai cũng nhớ… và với tôi cũng vậy, quê hương đối với tôi là nơi chôn rau cắt rốn. Quê hương chính là bố mẹ, anh em, nơi có những kỉ niệm tuổi thơ, có lũy tre làng gắn bó, những ngày mưa bão, lũ lụt trắng đồng của mảnh đất đau thương. Miền Trung, là những chiều ngồi tránh nắng và hóng gió nồm với hàng xóm láng giềng trong những ngày hè gió Lào đổ lửa, bát nước chè xanh mọi người tụ nhau trò chuyện trong những đêm trăng…và trong đó có những phiên chợ quê.
Phiên chợ đã tàn nhưng dư vị còn lại luôn đọng mãi trong lòng, nhắc nhở , níu kéo bước chân tôi. Ngày mai xa nơi này, nhưng quê hương sẽ là những gì còn lại có ý nghĩa nhất trong cuộc đời , và luôn sẵn sàng dang rộng vòng tay đón tôi trở về.
Nguyễn Thị Anh
Lớp phát thanh k31
Cùng chuyên mục
Bình luận