"Tiếng nói" của môn Lịch sử
(Sóng trẻ) - Lịch sử luôn là một phần không thể thiếu trong quá trình hình thành và phát triển của mỗi dân tộc. Đặc biệt, những sự kiện oai hùng của lịch sử dân tộc Việt Nam, từ thời kỳ kháng chiến chống xâm lược đến các cuộc cách mạng, luôn là nguồn cảm hứng và tự hào cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay các môn học khác như Toán, Văn, Ngoại ngữ đang chiếm ưu thế trong chương trình học, nhiều học sinh dường như không còn quan tâm đến môn Lịch sử.
Khi lịch sử trên lớp không còn thu hút
Lịch sử là một môn học quan trọng trong việc hình thành tư duy, nhận thức hành động của thế hệ trẻ thông qua những trận chiến gắn với sự hy sinh xương máu của cha ông. Nhưng môn học ý nghĩa này lại đang gặp phải một vấn đề nghiêm trọng khi những thế hệ tương lai dựng xây đất nước lại đang khó tìm thấy sự đồng điệu, hay khó tìm thấy vẻ đẹp của môn học. Nhiều em học sinh học môn Lịch sử chỉ với mục đích qua môn, không hứng thú, thậm chí còn coi môn học này như một trở ngại trong việc thi cử của mình.
Một phần nguyên nhân làm cho môn Lịch sử thiếu đi sự chú ý và quan tâm của các em học sinh có thể xuất phát từ hương trình học có quá nhiều thông tin, khô khan và thiếu tính tương tác. Lượng thông tin mà các em học sinh phải tiếp nhận khi học môn Lịch sử là rất nhiều chính vì thế việc giảng dạy trong trường học cần có sự biến đổi linh hoạt, tăng tính tương tác giữa thầy và trò để các em tiếp thu kiến thức một cách chủ động và hào hứng.
Em Lê Gia Huy, học sinh lớp 12 trường THPT Huỳnh Thúc Kháng - Thành phố Vinh, một học sinh có sự yêu thích sâu sắc về lịch sử chia sẻ: “Với góc nhìn của mình, em nhận thấy vấn đề này không hoàn toàn là do học sinh chán học lịch sử mà là do các bạn học sinh đang chán cách dạy lịch sử ở trường. Trong quá trình học em thấy có một định kiến phần lớn tồn tại trong suy nghĩ của các bạn đó chính là lịch sử chỉ cần học thuộc lòng là một môn học thiếu hứng thú nên hầu hết các bạn không chú trọng và không muốn nói nhiều công sức cho môn học này.”
Theo báo cáo của BGD&ĐT năm 2023 - 2024, điểm trung bình của môn Lịch sử tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là 6,57 điểm; tăng gần 9% so với điểm trung bình môn Lịch sử của năm 2023 là 6,03 điểm. Mặc dù là hình thức thi trắc nghiệm dễ dàng hơn những năm 2017 đổ về trước, tuy nhiên có thể nhận thấy mức điểm trung bình của môn Lịch sử không quá cao, thậm chí có phần còn khá chênh vênh qua từng năm. Điều này phản ánh mức độ quan tâm của các em học sinh đến môn Lịch sử của các em học sinh suy giảm đáng kể.
Mặc dù môn Lịch sử có thể mất đi sự hấp dẫn với một số học sinh nhưng những giá trị của môn học này mang lại là một điều vô cùng quan trọng cho thế hệ bây giờ và mai sau. Lịch sử nuôi dưỡng lòng yêu nước, sự tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm với xã hội, đồng thời khuyến khích tư duy phản biện và khả năng phân tích bối cảnh phức tạp. Hơn nữa, môn học này giúp kết nối các thế hệ, tạo nền tảng vững chắc để định hướng tương lai, tránh lặp lại những sai lầm và đóng góp vào việc xây dựng một xã hội hòa bình, bền vững. Vì vậy, có thể nói môn Lịch sử không chỉ là cầu nối với quá khứ mà còn là kim chỉ nam cho hành trình hướng tới tương lai.
Xã hội phát triển đồng nghĩa với việc tất cả các lĩnh vực xoay quanh nó cũng phải có sự biết đổi để bắt kịp thời đại và phương thức học lịch sử cũng không ngoại lệ. Học lịch sử không chỉ giới hạn trong khuôn khổ nhà trường mà còn có thể được thực hiện qua nhiều phương thức thú vị ngoài lớp học.
Những điểm sáng trong quá trình thay đổi
Một trong những cách phổ biến nhất hiện nay là tham quan các bảo tàng, di tích lịch sử, nơi lưu giữ những hiện vật và câu chuyện sinh động về quá khứ. Bảo tàng Lịch sử Quân sự mới ở Hà Nội đã thu hút hàng ngàn lượt khách đến tham quan và trải nghiệm. Lượt khách đến tham quan Bảo tàng không chỉ giới hạn ở độ tuổi trung niên mà các bạn trẻ cũng đến đây giống như đi tìm hiểu một cách học Lịch sử mới.
Thầy Đinh Việt Hoàng - giáo viên Sử tại Trường Phổ thông Liên cấp FPT Bắc Ninh chia sẻ góc nhìn của bản thân về vấn đề này:
“Trước đây thì học sinh chủ yếu tiếp xúc lịch sử qua những câu chuyện kể của những người đi trước và qua những bằng chứng sách vở, nhưng bây giờ với sự phát triển của công nghệ và với cái sự dạy học đổi mới theo quan điểm đổi mới năm 2018 thì việc trải nghiệm đưa học sinh đến các khu di tích đưa học sinh đi tham quan và đưa học sinh đến bảo tàng rồi rất nhiều những cái hoạt động trên mạng xã hội mà học sinh có thể tiếp cận thủ môn lịch sử một cách rất dễ dàng chứ không có khó khăn như trước đây.”
Có rất nhiều các để truyền tải cũng như tiếp thu lịch sử như tham gia các câu lạc bộ lịch sử, diễn đàn trực tuyến hoặc trò chuyện với những người lớn tuổi cũng mang lại cơ hội học hỏi từ nhiều góc nhìn khác nhau. Hay việc đọc sách lịch sử, hay xem phim tài liệu, phim lịch sử và đặc biệt nổi bật gần đây nhất là học qua những clip ngắn của các nhân vật nổi tiếng chuyên làm về chủ đề lịch sử cũng là cách tiếp cận hấp dẫn, giúp người học hình dung được bối cảnh và cảm xúc của những sự kiện đã qua. Phương pháp này giúp người trẻ vừa giải trí và vừa tiếp thu kiến thức với cảm giác thích thú hơn.
Câu chuyện không chỉ xoay quanh việc làm mới phương pháp dạy lịch sử để thu hút học sinh, mà còn nhấn mạnh trách nhiệm của mỗi người trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa, lịch sử dân tộc. Thay vì chỉ bó hẹp trong sách vở, chúng ta cần kết hợp việc trải nghiệm thực tế để kiến thức lịch sử trở nên sống động và ý nghĩa hơn. Tuy nhiên, việc tự tìm hiểu bên ngoài cũng không thể thay thế hoàn toàn kiến thức cơ bản được học ở trường lớp, bởi sách vở luôn là nguồn thông tin chính xác và đáng tin cậy nhất. Tóm lại, giáo dục nên đề cao những phương pháp dạy học trải nghiệm lịch sử nhiều hơn. Bởi lẽ, lịch sử không bao giờ là lỗi thời, chỉ cần chúng ta biết cách làm cho nó trở nên sống gần gũi và hấp dẫn hơn với mỗi thế hệ.