Cầu Thăng Long - Biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Xô

(Sóng trẻ) - Cầu Thăng Long được xây dựng từ năm 1974 và khánh thành năm 1985. Ông Hoàng Minh Chúc, Nguyên Tổng Giám đốc Liên hiệp các xí nghiệp xây dựng cầu Thăng Long là một trong những người tham gia đàm phán, thiết kế và chỉ đạo xây cầu từ những ngày đầu.

1-1.jpg

(Theo thứ tự từ phải sang) Trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô Zelnin E.V, Tổng Giám đốc XNLH cầu Thăng Long Hoàng Minh Chúc, Trợ lý kiêm phiên dịch của Trưởng đoàn chuyên gia Nguyễn Văn Ất. (Ảnh: NVCC)

Phóng viên (PV): Thưa ông Hoàng Minh Chúc, xin ông chia sẻ đôi chút về mục đích xây dựng cầu Thăng Long vào thời điểm đó?

Ông Hoàng Minh Chúc: Thời điểm đó, đấu tranh thống nhất nước nhà sắp đến giai đoạn kết thúc, Đảng và Chính phủ quyết định xây một cầu lớn qua sông Hồng để nối Thủ đô với giao thông đường sắt, đường bộ ở phía Bắc. Cầu Thăng Long là một công trình đặc biệt to lớn về quy mô và khối lượng và lớn nhất Đông Nam Á thời kì bấy giờ. Cầu Thăng Long được kỳ vọng sẽ làm cho đất nước chúng ta ngày càng phát triển, ngày càng giàu đẹp.

PV: Được khởi công xây dựng vào những năm đất nước chưa hoàn toàn thống nhất, vậy những khó khăn mà các kỹ sư và cán bộ kỹ thuật phải đối mặt khi ấy là gì thưa ông?

Ông Hoàng Minh Chúc: Đội ngũ cán bộ công nhân viên Xí nghiệp liên hợp cầu Thăng Long có khoảng hơn 9800 người và có hơn 600 cán bộ kỹ thuật tham gia. Họ hoàn toàn sống trong chế độ bao cấp theo tem phiếu. Khó khăn lớn nhất của cán bộ lúc bấy giờ là về cuộc sống. Còn công việc vẫn dồn dập, mỗi người đều hăng say lao động dù đó là công việc vô cùng vất vả, cực nhọc, khẩn trương, nguy hiểm. Nhưng ta lao vào với một quyết tâm là nhanh chóng hoàn thành vượt tiến độ xây dựng cầu Thăng Long.

2.png
Ông Hoàng Minh Chúc chia sẻ với phóng viên những kí ức về cây cầu Thăng Long. (Ảnh: Bảo Ngọc)

PV: Được biết, khoảng thời gian xây dựng công trình cầu Thăng Long kéo dài tới 11 năm. Lí do gì khiến công trình phải kéo dài thời gian như vậy, thưa ông?

Ông Hoàng Minh Chúc: Quá trình xây dựng chia làm hai giai đoạn, giai đoạn thứ nhất, Trung Quốc giúp ta xây dựng từ năm 1973 đến năm 1978 với sự viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc. Nhưng đến tháng 7/1978 thì Trung Quốc đơn phương cắt viện trợ, rút chuyên gia về nước. Giai đoạn Liên Xô giúp đỡ diễn ra trong giai đoạn 1979 – 1985, trong đó có phần Liên Xô viện trợ không hoàn lại để xây dựng cầu Thăng Long, Chính phủ Liên Xô đã huy động tổng lực trong một thời gian nhanh nhất để giúp đỡ Việt Nam xây dựng xong cầu Thăng Long sớm. 

PV: Thưa ông, vậy Liên Xô đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng cầu trên những phương diện nào?

Ông Hoàng Minh Chúc: Chính vì cầu Thăng Long được Liên Xô giúp đỡ và tập trung lực lượng nên đã vượt tiến độ hơn 200 ngày. Họ có cách đóng khác. Họ đưa sang nhiều thiết bị. Ngoài ra, các chuyên gia Nga hướng dẫn tận tình, buộc công nhân của mình phải trực tiếp làm và kiểm tra, kiểm nghiệm sản phẩm mỗi ngày.

3.png
Ông Hoàng Minh Chúc lật giở những tư liệu cũ về cây cầu Thăng Long. (Ảnh: Bảo Ngọc)

PV: Làm việc với các chuyên gia Liên Xô trong quãng thời gian dài như vậy, ông có gặp phải rào cản, khó khăn gì hay không?

Ông Hoàng Minh Chúc: Tôi rất may mắn khi được sang thực tập thiết kế cầu lớn ở Liên Xô 13 năm, từ 1957 đến 1970. Trước khi bước vào làm việc, họ yêu cầu phải có bằng tốt nghiệp bên Nga. Họ đưa vào trường đại học tổng hợp, khoa dự bị đào tạo một năm thì thi tốt nghiệp. Lúc đó thang điểm tiếng Nga là 5 điểm thì tôi đạt điểm 4, tức là không phải là xuất sắc nhưng so với đồng nghiệp đó đã là một điều thuận lợi. Bản thân mình biết tiếng, biết tập tục của người Nga và phong cách làm việc nên không gặp quá nhiều khó khăn.

PV: Gắn bó với công trình này lâu đến như vậy, với ông kỉ niệm nào đáng nhớ, thú vị nhất trong quá trình xây dựng cầu Thăng Long?

Ông Hoàng Minh Chúc: Khi mình có những cái va vấp, ốm đau đội ngũ chuyên gia Liên Xô đều động viên, thăm hỏi. Khi mình có sáng kiến để nâng tầm hiệu suất công việc họ đều rất ủng hộ. Chuyên gia Liên Xô hướng dẫn tận tình, không nề hà và cũng dầm mưa dãi nắng, ăn ở tại công trường như mình. Chính mình cũng học được từ người dân Liên Xô lúc bấy giờ tác phong công việc, coi trọng đảm bảo chất lượng và hiệu quả lên trên hết.

4-1.png
Những thông tin, số liệu được ông Minh Chúc ghi chép và lưu giữ cẩn thận. (Ảnh: Bảo Ngọc)

PV: Một công trình được đầu tư với rất nhiều tâm huyết như vậy, chắc hẳn ngày khánh thành đã là một ngày hội với người dân Thủ đô. Là một nhân chứng của lịch sử, ông có thể chia sẻ thêm về không khí của ngày hôm đó?

Ông Hoàng Minh Chúc: Người dân vô cùng trân trọng và tự hào rằng đây là cầu của dân, cầu của quê hương và họ sẵn sàng hiến đất để làm. Ngày khánh thành cầu, người dân đến rất đông, khi quan khách chưa đến, họ đã đứng đầy cầu rồi. Họ sung sướng lắm, từng người đi rồi sờ từng đinh ốc, nắm từng cái tay cầu để xem cái cầu thế nào.

PV: Việc hoàn thiện cầu Thăng Long vào thời điểm đó có ý nghĩa lịch sử như thế nào với người dân Việt Nam nói chung, thưa ông?

Ông Hoàng Minh Chúc: Phấn khởi lắm. Người dân tự hào vì có đóng góp của mỗi người nhưng điều quan trọng nhất là họ thấy được cái tầm của người Việt Nam sau chiến tranh. Sự hiện diện của cầu Thăng Long đã thúc đẩy quá trình hình thành các khu đô thị lớn, các khu công nghiệp. Ngày nay khi đi qua cầu Thăng Long, dừng ngắm thủ đô Hà Nội, ta thấy được sông Hồng mênh mông và sự phát triển vượt bậc về mọi mặt của thủ đô. Có thể nói, cầu Thăng Long đã tạo ra đột phá về đô thị hóa.

PV: Xin cảm ơn ông đã nhận lời tham gia phỏng vấn.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN